Tờ Đơn Học Bổng

Đọc bài viết của chú Trừng về tinh thần hướng đạo của Ba tôi Phải biết ái nhân như ái thân” hay trong lời hứa “Giúp đỡ mọi người không cứ lúc nào”, mẫu chuyện về sự thanh liêm và công minh của Ba đã hi hữu cứu sống gia đình trong những ngày “tranh tối tranh sáng”. Tôi nhớ lại một câu chuyện khác về Ba tôi, câu chuyện đưa tôi trở lại khung cảnh thanh bình của thời đi học tại trường Trần Quí Cáp, Hội An.

Thời trung học, chúng tôi luôn luôn thích thú với những câu chuyện ngoài lề trong các bài giảng của thầy cô. Thầy Mai Chánh Trí thường hay kể chuyện hấp dẫn và dẫn học sinh đi “ta bà thế giới” qua những câu chuyện có khi không liên quan gì đến môn vật lý của mình và nhiều khi sực nhớ lại thì có khi không còn đủ thời giờ cho bài giảng và như thế cả lớp rất mừng vì khỏi học bài mới.

Thầy Nguyễn Công Trợ với những giai thoại làng nho lý thú, cùng những câu đối chát tuyệt vời của các văn nhân như “ai công hầu, ai khanh tướng” mà tôi còn nhớ lâu hơn cả những bài giảng văn, thỉnh thoảng thầy còn trích vài câu thơ Hồ Xuân Hương và bỏ lửng giữa chừng phần giải thích với nụ cười tủm tỉm.

Tuy nhiên, câu chuyện mà tôi nhớ lâu là vào năm lớp 10 (đệ tam, năm 1971) của thầy dạy toán, thầy ít kể chuyện ngoài lề, nhưng có một lần thầy kể về sự khó khăn để vươn lên của những học trò nghèo miền quê xứ Quảng như: Điện Bàn, Đại Lộc, Quế Sơn,... Nơi các học sinh nghèo thiếu thốn tất cả phương tiện, thời tiết khắc nghiệt, chiến tranh tàn phá. Thầy muốn khuyên nhủ chúng tôi đừng bỏ phí cơ hội học vấn đang có mà hãy siêng năng học hành.

Tuy nay không còn nhớ rõ hết chi tiết, nhưng đó là một câu chuyện về người học trò nghèo ở huyện Đại Lộc với ước mơ học vấn. Thời đó, chính phủ VNCH có cấp học bổng cho các học sinh nghèo, ưu tú để giúp các học sinh có thể theo đuổi việc học. Nhiều khi đây là chiếc cầu duy nhất để bao nhiêu học sinh nghèo hiếu học được vươn đến chân trời tri thức.

Do phương tiện liên lạc, giao thông khó khăn, nhiều khi tin tức đến các vùng thôn quê hẻo lánh thì đã muộn màng, hơn nữa mọi thủ tục xin học bổng đều phải làm tại Hội an, tỉnh lỵ của Quảng Nam. Đại Lộc Hội An là một hành trình “từ quê lên tỉnh”, xa xôi, tốn kém và nhọc nhằn, đặc biệt nếu không có thân nhân tá túc lại tại Hội An.

Năm đó, tuy chỉ còn vài ngày là hết hạn nhận đơn, một cậu học trò nghèo của vùng Đại Lộc đã cố gắng lặn lội xuống tận Hội An để xin học bổng, học bạ về học lực thì đã có từ trường, nhưng một trong những giấy tờ quan trọng là chứng minh không có ruộng đất, tài sản, vì phải hội đủ hai tiêu chuẩn “học lực xuất sắc và gia cảnh nghèo”. Cậu bé bỏ ăn trưa, vội vàng tìm đến được “Ty Địa chánh Hội An” nhưng đã trễ mất rồi, đó là ngày thứ Bảy, công sở đóng cửa nghỉ buổi chiều.

Khi người học trò hớt hải chạy đến được Ty Địa Chánh, thì cũng là lúc người nhân viên đóng cánh cửa cuối cùng và chuẩn bị về nhà cho ngày nghỉ cuối tuần. Với vẻ thất vọng và lo âu khi đến “cửa quyền” công sở, vốn quan liêu, đặc biệt với người học trò vùng quê đến nơi công sở thị thành, cậu không dám mở miệng, nhưng có lẽ nhìn trong ánh mắt âu lo và cảm thông với người học sinh nhỏ tuổi, người nhân viên mở lời: “Cháu cần gì không?

Người học trò vừa mừng vừa sợ, nói không ra lời và đưa tờ đơn xin học bổng, người nhân viên đọc qua lá đơn và trả lời: “Để xem bác có giúp được không!” và ông quay trở lại mở các cửa cơ quan, dẫn người học trò vào và bảo: “Cháu ngồi đây đợi bác.

Xong, ông quay vào trong bắt đầu lục soạn hồ sơ, tìm kiếm trong chùm chìa khóa, mở các ngăn tủ, người học trò lấm lét nhìn qua, nửa mừng nửa lo không biết người nhân viên có tìm ra được hết hồ sơ về đất đai, con dấu, chữ ký,... cho xong tờ đơn xin học bổng của mình, khi thấy ông đi từ bàn, tủ này đến bàn, tủ khác trong văn phòng.

Thời gian chờ đợi, lo âu dường như là vô cùng đối với người học trò, cho đến lúc người nhân viên bước ra, với nụ cười và nói với cậu: “Giấy tờ của cháu đã xong hết!

Người học trò ngước nhìn rơm rớm nước mắt biết ơn, muốn nói cám ơn mà cũng không thốt nên lời, ấp úng không rõ ràng, nhưng cũng để người nhân viên hiểu cậu muốn nói gì. Ông nhìn và trả lời từ tốn: “Sau này cháu nhớ, nếu ai nhờ cháu giúp đỡ, hãy cố làm như Bác đã giúp cháu ngày hôm nay.

Sau một vài thăm hỏi và chúc may mắn cho ước mơ học vấn cho người học trò nghèo Đại Lộc, ông quay lại một lần nữa đóng cửa văn phòng và thong thả dắt chiếc xe đạp cũ kỹ, đạp về nhà. Người học trò đứng nhìn theo hình ảnh người công chức dáng cao cao trên chiếc xe đạp ngang mà cậu cảm động trong lần gặp đầu tiên và cũng chẳng biết tên, nhưng việc ông đã làm với lời khuyên “giúp người” bao năm trường còn mãi vang vọng trong tâm trí người học trò quê.

Nhiều năm trôi qua, người học trò có chí năm xưa, đã đạt được ước mơ, trở thành giáo sư Toán  và được bổ nhiệm về dạy tại Hội An. Ông vẫn không quên “tờ đơn học bổng” ngày nào và tìm lại ty Địa chánh cũ, nhưng bây giờ không còn nữa, nó trở thành căn nhà cũ rêu phong trên cuối đường Phan Đình Phùng và không biết người công chức năm xưa có còn đâu đó ở Hội An không.

Thành phố Hội An nhỏ bé, muốn tìm lại người xưa không khó, người học trò nghèo nay đã trở thành giáo sư, nhưng người công chức sau bao năm với những thăng trầm của thời cuộc, chiến tranh vẫn còn gắn cuộc đời mình với phố Hội cổ kính và họ đã gặp lại nhau, người công chức tuy có già hơn, nhưng vẫn cái dáng cao gầy với chiếc xe đạp ngang như ngày nào khi họ gặp lại nhau.

Người giáo sư nhắc lại chuyện cũ năm xưa, nhưng người công chức không còn nhớ gì đến chuyện ông giúp cho “tờ đơn học bổng”. Phải chăng đó cũng như bao nhiêu việc khác trong đời ông đã làm vì nhiệm vụ, vì tấm lòng, vì trái tim, vì lòng nhân ái của con người, hay vì lời hứa Hướng đạo “giúp người bất cứ lúc nào” mà ông luôn ghi nhớ.

Có điều người học trò nay là giáo sư, biết thêm rằng, buổi chiều hôm ấy cậu thật may mắn, cậu đã không gặp một nhân viên của ty Địa chính, mà gặp người Ty Trưởng, người công chức mẫn cán tận tụy ra về cuối cùng. Vì ông là trưởng ty, ông đã có chìa khóa của mọi phòng ban, cùng thẩm quyền đến từng phòng, truy tìm hồ sơ đất đai, rồi đóng dấu, ký tên,... để hoàn tất các chứng nhận cho lá đơn học bổng, lẽ ra việc đó là việc của người thuộc quyền, chỉ đưa cho ông “trình ký”, nhưng ông đã tự làm hết, chớ không “thuận tiện” hẹn đến tuần sau.

Người học trò đó chính là giáo sư Hồ Văn Thông, một giáo sư toán có tiếng, đã đào tạo biết bao nhiêu thế hệ học sinh của trường Trung học Trần Quí Cáp Hội An, mà các anh em Nguyễn Thanh chúng tôi may mắn qua các lớp của thầy và hôm đó thầy đã kể về câu chuyện của chính thầy.

Cuối cùng để chấm dứt câu chuyện bên lề, trở lại với bài giảng “vòng tròn chín điểm Euler” thầy Thông kết thúc: “Tôi vẫn còn nhớ mãi hình ảnh người công chức tận tụy đã giúp cho tôi tờ đơn học bổng, cùng lời khuyên: “Hãy giúp đỡ người khác như Bác đã giúp cháu hôm nay” và các em có biết không, người công chức đó chính là ông Nguyễn Thanh Viêm, thân sinh của trò Nguyễn Thanh Khiết đây!

Lại thêm một kỷ niệm đẹp và những giây phút khó quên của tôi trong những năm học dưới mái trường Trung học Trần Quí Cáp, Hội An.

New Jersey, Mùa Thu 2002.

[cool_tag_cloud on_single_display="local"]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to top
Share via
Copy link
Powered by Social Snap