Cám Ơn Nhóm Bạn Tennis

Buổi ăn tối gây quỹ cứu trợ nạn nhân bão lũ Ketsana của VINAHF được xem là một thành công, xét về số lượng khách tham gia, số tiền quyên góp được và dựa vào các phản hồi về sự hài lòng của các quan khách với thời gian họ đã bỏ ra để đến tham dự buổi ăn gây quỹ, đặc biệt với chương trình Karaok. Sự thành công là nhờ BTC cuộc gây quỹ là một “nhóm lý tưởng” (dream team) với một tinh thần đồng đội rất cao, sôi nổi và trẻ trung.

Trong “trùng trùng duyên khởi” để đưa đến kết quả tốt đẹp của cuộc gây quỹ đã gây cảm hứng cho tôi viết về nhóm tennis này, nhân đây, kể lại một câu chuyện về việc đi xem Tennis “US Open” mà ngẫu nhiên lại có liên quan đến việc tổ chức sự kiện này.

Đi xem US Open tennis ở New York là một dịp để chiêm ngưỡng những tay vợt hay nhất của hành tinh. Tôi bắt đầu tennis khá trễ, với thầy dạy là “YouTube” và khi hiểu “practice makes (bad) habits” chứ không phải “make perfect”, thì đã muộn màng. Tuy vậy, chơi tennis, vừa vui, vừa có thể thao, cải thiện được mức cholesterol đúng như câu nói: “Tennis giúp ta sống vui và sống lâu” (Tennis adds year to your life and life of your years) nên hàng năm xem US Open tại New York là công việc định kỳ của mỗi đầu mùa Thu, trước khi tựu trường, và năm đó tôi đi xem US Open với anh Hà Dương Cự.

Xem US OPEN tôi ưa thích nhất là Grand Stadium bởi vì có nhiều cơ hội để ngồi sát được gần các danh thủ, xem họ thực sự chơi thế nào, với cảm giác khác hơn là xem qua TV. Nhất là không khí của vận động trường trong những trận gay cấn, ngang ngửa.

Từ hai năm nay, khi vào đại học, Na – con gái đầu – không còn đi với tôi, có lúc đang xem bất giác tôi nghĩ lại, nhớ Na, chỉ cách đây mấy năm, lúc nào hai cha con cũng cùng đi xem US OPEN, một thoáng buồn, nhưng Na đã lớn, ở thành phố New York có những niềm vui khác, như con chim bay xa.

Tôi và anh Cự có được một chỗ tốt và định sẽ ngồi luôn ở đây để xem tất cả các trận đã lên lịch để chơi tại đây. Đó là trận đánh giữa hai tay vợt trẻ đang lên có lẽ là Andy Muray và David Nalbandian. Trong trận này, vì cú đánh trật banh (miss-hit) trái banh văng xa lên khán đài bay về phía chúng tôi, bao nhiêu người lập tức cùng đứng lên để mong chụp trái banh này.

Trước đây khi bắt được các banh này, thì trọng tài yêu cầu banh được trả lại để các cầu thủ tiếp tục thi đấu, nhưng sau này luật đã thay đổi hợp lý, nếu ai bắt được banh thì US Open tặng cho họ luôn làm kỷ niệm. Đối với dân hâm mộ tennis, nhất là những người đi từ rất xa xôi, từ tiểu bang hay từ các nước khác đến xem, nếu bắt được trái banh này thì là một kỷ vật có ý nghĩa với họ.

Trái banh “mis-hit” đang trên đà đi xuống, tôi cũng lanh không kém, đứng lên dang tay cao tranh giành với mọi người để chụp nó và may mắn tôi bắt được nó. Tôi nhìn thấy rõ một cô bé thất vọng vì Ba cô suýt bắt được và nhiều người chung quanh vỗ tay nhẹ chia sẻ sự may mắn và niềm vui của tôi được món quà hi hữu.

Đến hiệp thứ tư của trận đấu, lại một tình huống khác xảy ra, trái banh lại bay về hướng chúng tôi, cũng như lần trước, mọi người trong hướng banh bay tới đã ở tư thế sẵn sàng, nhưng banh lần này lại bay ngang đúng chỗ anh Cự, cũng như phản ứng rất nhanh khi đứng ở lưới volley, anh chụp ngay trái banh trước cặp mắt ngạc nhiên của mọi người vì sự may mắn của cả hai anh chàng Á châu này.

Anh Cự biết các con tôi rất thích giữ các kỷ vật này, nên anh đưa cho tôi đem về, nhất là cho Emily, con gái 8 tuổi của tôi, chắc sẽ mừng khi biết chúng tôi chụp được các trái banh hi hữu nữa, không chừng lúc đó chúng tôi cũng được vào trong ống kính của truyền hình nữa!

Trên đường về, tôi nghĩ đúng ra tôi nên chia bớt một trái banh cho cô bé mà cha cô đã bắt hụt, vì cô bé đó sẽ rất vui mừng, nhưng tôi đã mất cơ hội đó.

Tôi về nhà cho Emily hai trái banh này, để bên cạnh các kỷ vật thể thao khác trong phòng của Na. Tôi cũng ít ghé qua phòng này từ khi Na rời nhà vào đại học, tuy nhiên thỉnh thoảng khi ngang qua nhìn vào, thấy hai trái banh này là nó nhắc tôi những năm cha con đi xem US Open và lại hối tiếc đã không cho ngay cô bé trái banh, một bài học nhỏ cho sự chần chờ.

Khi được tin cơn bão số 9 Ketsana, nhìn những hình ảnh tang thương ban đầu của bao nhiêu đồng bào mình, hội VINAHF mong muốn làm được điều gì, suy nghĩ đến mọi cách, nhưng tất cả đều có rủi ro không làm được, khó về thời gian, chọn địa điểm, việc trùng lặp với các ngày đã có kế hoạch, công việc nhiều biết có ai tham gia cùng làm trong thời gian ngắn và liệu sự ủng hộ có đủ để bán được vé. Tổ chức gây quỹ cứu trợ phải chắc chắn không thể lỗ vốn được vì VINAHF không có sự lựa chọn đó! Hơn nữa gây quỹ với cả trăm người tham dự, cần phải có nhiều nhân lực.

Hội ý ban đầu với một số bạn, nhưng ý kiến ngược nhau khiến tôi trăn trở, phân vân, “Có Làm Được hay Không.”, trong một đêm thức khuya đọc tin về bão lũ, các hình ảnh nhà cửa sụp đổ, chìm trong nước, cảnh tang thương của nạn nhân bão lụt luôn gây cho tôi nhiều cảm xúc.

Tôi đi qua phòng Na, lại thấy hai trái banh giống như hai cặp mắt nhìn tôi nhắc nhở là đừng chần chờ. “Sự chần chờ là ngôi mồ chôn vùi cơ hội.” Tôi đã đánh mất cái cơ hội đem lại niềm vui cho một người hâm mộ tennis trẻ tuổi, và không muốn tích lũy thêm nữa những trái banh “tiếc nuối” như vậy trong ký ức của mình. Trong đêm đó tôi quyết định “GO”, với quyết định này, tôi thầm khấn nguyện cho hội VINAHF tổ chức thành công bữa ăn gây quỹ cứu trợ vì các TNV VINAHF ở Việt nam đang sẵn sàng, để chuyển sự giúp đỡ đến cho bao nhiêu nạn nhân đang trong cảnh lầm than, màn trời chiếu đất. Trong công việc này tôi trông đợi rất nhiều vào những người bạn trong nhóm chơi tennis thường xuyên với nhau.

Tôi có niềm tim sâu xa về mỗi người đều có “Phật tánh”, họ sẽ bộc lộ dễ dàng khi có điều kiện, tôi hy vọng có các nguồn lực cho dự định gây quỹ cứu trợ. Lời cầu nguyện của tôi đã được trả lời, luật hấp dẫn của vũ trụ đã thể hiện qua nhóm bạn tennis này đúng như câu nói: “Friends In Need Are Friends Indeed”. (Một người bạn thực sự là người giúp bạn khi thật cần.) 

Chỉ 1,2 ngày khi tôi gởi email đầu tiên về buổi gây quỹ, nhóm tennis đã mua vượt quá số vé mong đợi, mà còn kêu gọi các bà xã của mình cùng tự nguyện tham gia mọi công việc chính yếu chuẩn bị cho buổi ăn. Chị Julia (bà xã của coach Đạt) sẽ đảm trách công việc tài chính của buổi ăn, chị Quỳnh Mai (bà xã anh Vi) sẽ phụ trách cho việc hát Karaok và Quỳnh Mai đã mở đầu chương trình rất xuất sắc với bài ca “Thương Về Miền Trung”, Hường (bà xã của Tiến) duyên dáng cùng phụ trách MC và sốt sắng cung cấp thức ăn cho buổi họp của Nhóm chuẩn bị, Bạch Mai (vợ anh Cương) là “ca sĩ” sôi nỗi của đêm gây quỹ, còn có cả Thanh Vân giọng ca truyền cảm, Thùy Dương cùng chị Nhạn (bà xã anh Cự) phụ trách thức ăn cho buổi gây quỹ. Vợ chồng anh Cự và chị Nhạn đã phải cắt ngắn chuyến đi xem lá vàng mùa Thu hàng năm ở Vermont để về cho kịp chung lo tiệc gây quỹ. Anh chị Văn–Trang cho mượn các trang thiết bị chuyên nghiệp cho Karaok đã đến thật sớm và chị Trang rời cửa tiệm sớm hơn để cùng đi theo ủng hộ. Nhưng cũng không thể bỏ qua các anh bạn Thọ (Paul), Chí (Charlie) đã đến từ Maryland với mục song ca “Tự biên tự diễn về các sáng tác lãng mạn của anh với anh Vũ Lê (Andy)”. Tuy chưa vào trong Nhóm Tennis nhưng sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến chị Chương Điền, các anh chị Tuấn-Thư, Tuấn-Lan, Huy-Trân đã tích cực ủng hộ với công việc gây quỹ của VINAHF.

Buổi gây quỹ đã thành công như mong đợi, cảm kích về sự ủng hộ của nhóm bạn tennis nên tôi viết bài này để thay thế cho một lời cám ơn chân thành đến các bạn của nhóm Tennis và các phu nhân.

Tôi cảm thấy thật may mắn vì có những người bạn thường xuyên gặp nhau trên sân để chơi tennis, nhưng không chỉ để vui chơi, thể thao, mà còn cùng nhau làm chung các việc dù nhỏ bé nhưng có ý nghĩa.

Nhờ các đóng góp, ủng hộ của Nhóm tennis, VINAHF có thêm nguồn lực giúp đỡ cho các đồng bào kém may mắn bên quê nhà, dù chỉ một thùng mì gói khi cứu trợ khẩn cấp, một học bổng cho em học sinh nghèo tiếp tục học, một chiếc áo ấm cho em bé mồ côi, một bát cơm cho một người tàn tật, không nơi nương tựa qua cơn đói lòng.

Các bạn đã làm vì có tấm lòng, đúng như đến hai câu kết của bài thơ mà ba tôi làm tặng cho buổi cơm gây quỹ vừa qua của chúng ta.

Không gian dẫu cách muôn trùng,

Xa quê vẫn giữ thủy chung cội nguồn.

Viết tặng Nhóm Tennis – 23/10/2009 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to top
Share via
Copy link
Powered by Social Snap