Người Bạn VINAHF Chung Thuỷ

Người Bạn VINAHF Chung Thuỷ
Năm 2008, tôi và anh Phạm Văn Dũng trong một chuyến đi cứu trợ Quế Sơn, miền núi Quảng Nam.

Từ ngày ở Việt Nam về, tôi định sẽ viết gì đó về người bạn cũ thời trung học – Phạm văn Dũng – và thỉnh thoảng có nhận email về các hình ảnh công việc của anh, nó cứ nhắc lại ý định này, nhưng chưa bao giờ đặt bút để viết cho dù luôn có nhiều suy nghĩ về anh. Hôm nay lại được một email nữa, không phải từ anh mà từ một học sinh – Lương Một – đúng hơn, em là sinh viên, em đang học năm cuối cùng, năm thứ năm tại Đại học Đà Nẵng để trở thành một kỹ sư công chánh (civil engineer).

Cháu Một lớn lên trong trại mồ côi, không còn ai thân thuộc ngoài bà ngoại già làm nông ở Quế Sơn, nhưng đã cố gắng học xong trung học. Cho dù gia đình sẽ không đài thọ nỗi việc em học đại học, em Một vẫn thi và đã đậu vào Đại học Đà Nẵng. May mắn, Một gặp được “chú Dũng” và số phận đã mĩm cười với em, nhờ “chú Dũng” ước mơ theo học đại học của em đang trở thành hiện thực.

Email của Một viết cho tôi hôm nay ngắn gọn, cho biết nhờ sự giúp đỡ từ hai người hảo tâm ở Úc – chú Hoàng Trung và cô Thanh Tuyết – đã chu đáo dùng quen biết riêng gởi gấm, em đã nhận được vào làm tập sự (thực tập) cho một công ty xây dựng tại Đà Nẵng, giúp một sinh viên nghèo, không “gốc gác“, có cơ hội kiếm được việc khi ra trường sang năm và trong email em báo tin chú Dũng đã đến trao cho học bổng của người bảo trợ cho năm cuối, em viết nhìn “chú Dũng vội vàng ra đi trong cảnh trời mưa, hai bà cháu con rất cảm động.

Chú Dũng vừa lặn lội đến để giao tiền học bổng cho kịp, rồi vội vã đến nơi khác để giúp những người khác. Một viết câu kết là cháu “sẽ ghi nhớ hình ảnh này để mai sau sẽ cùng VINAHF tiếp tục công việc mà chú Dũng đã làm cho cháu.”

Đọc email của em tôi xúc động vì lời lẽ chân thật của Một. Khi có dịp tôi luôn đến thăm gia đình các học sinh đang nhận được học bổng của VINAHF, nên tôi đã lần theo Dũng đến thăm ngoại của em Một, tại xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn, trong vùng núi của Quảng Nam. Thời chiến tranh, Quế Sơn là một trọng điểm ngay trên đường mòn HCM trên Trường Sơn, là nơi có những trận đánh khốc liệt vì sát biên giới Lào-Việt và rất nhiều chất độc da cam đổ xuống khu vực này.

Chuyến đi của chúng tôi vào ngày khô ráo, nên tôi có thể hình dung được cảnh lầy lội mà anh Dũng đã phải đi qua trong cảnh mưa dầm. Với cảm xúc từ email của Một, tôi có cảm hứng viết bài này và nhớ lại chuyện xưa.

Trong một chuyến đi lên Quế Sơn giúp người nghèo.

Tôi trở lại Việt Nam vào năm 2002, lúc đang đi dạo phố với con gái nhỏ của tôi ở Hội an, tình cờ gặp anh vì anh lại tiếp tục ở chính căn nhà, làm cái nghề cũ của cha mình mấy chục năm về trước. Anh ngưng làm và sau vài câu thăm hỏi, anh nói sẽ cho tôi xem một cái mà tôi có thể sẽ thích thú, anh bước ra sau nhà, tôi phân vân trong khi cùng con gái ngồi đợi, sau đó anh mang ra một cuốn sổ đã bạc màu, cũ kỹ và khi mở ra tôi thật sự ngạc nhiên thích thú.

Lúc đó là năm lớp 7, lớp 8 ở Trường Trung học Trần Quí Cáp (năm 69, 70) anh là người giữ sổ để theo dõi điểm tốt, điểm xấu của cả lớp và lật ra từng trang cho tôi và con tôi xem, tôi lướt nhanh qua danh sách các bạn học năm đó, chỉ nhớ được hơn phân nửa. Nhiều đứa chết trong chiến tranh, đi lính tử trận, bị mìn, bị pháo kích, có đứa chết ở trại cải tạo, đứa chết trôi, chết vì tai nạn lao động, có đứa “nó tự nhiên mất biệt“, “nó chắc chết ở Miên“, “chết ở biên giới phía Tây“, “thằng này giờ khá lắm ở Sài gòn“, “nó là công an, hồi đó nằm vùng đó mi!“, “thằng này giờ làm nông, cực lắm“, … Anh giúp tôi nhớ lại phần lớn các bạn còn lại, đứa còn đứa mất. Anh cũng không quên giải thích cho con gái tôi hiểu các dấu cộng màu đỏ là “điểm tốt“, dấu trừ màu xanh là “điểm xấu“. Tôi nhìn xuống vẫn còn nhớ các đối thủ của tôi, bật nổi với các hàng dấu cộng đỏ dài sau các tên Nguyễn Công Tâm, Nguyễn Minh Trung, Nguyễn Đức An, Lê Nho Tứ.

Trước ngày rời Hội An, tôi có một buổi gặp vài bạn học cũ TQC tại một quán cà phê. Chuyện phím dẫn đến một việc tôi vừa làm mấy ngày qua, tôi đã đến một vài nơi ở Hội An và Thanh Hà, để chuyển số tiền khiêm tốn của hội VINAHF đến cho các người tàn tật, kém may mắn. Trong khi các bạn khác rất đồng tình về việc này, anh Dũng trầm tĩnh không nói, bỗng hỏi tôi: “Khiết thực sự muốn làm các việc từ thiện, giúp cho người khốn khổ?” Tôi gật đầu, anh Dũng ngắn gọn chỉ hỏi tôi có nếu thì giờ, hãy đi với anh một ngày, cho ý muốn của tôi, anh nói mình đi qua phía bên kia của sông Thu Bồn chớ chẳng đi đâu xa. Tôi nói mai là ngày cuối cùng của tôi tại Hội An và tôi đã có các dự định khác, anh Dũng nói thôi hẹn dịp khác, nhưng tự nhiên có cái gì đó khiến tôi rất chú ý đến đề nghị của anh, nhất là khi anh nói: “Tôi không biết Khiết về có ý định giúp các người nghèo?” Tôi có cảm giác anh có điều gì muốn nói nhiều hơn nhưng không tiện giữa đông bạn bè. Một cái gì sai khiến làm tôi quyết định đổi chương trình ngay lúc đó. Tôi nói ngày mai sẽ đi với anh, Dũng hỏi lại vài lần, và ái ngại về đề nghị của anh làm tôi thay đổi chương trình, hay để chắc là tôi không hứa cuội.

Hôm sau, đúng hẹn, tôi với anh Dũng và anh Thọ trên hai chiếc Honda đi qua phà để đến Xuyên Long. Anh Dũng nói có hai xe honda thì yên tâm hơn nếu có gì thì một người sẽ đưa Khiết về được đến nhà để không trễ chuyến bay vào Sài Gòn.

Đó là chuyến đi mở mắt của tôi. Tuy chỉ đi được trong hai thôn trong ngày, nhưng tôi đã chứng kiến cảnh thống khổ của các người già, tàn tật neo đơn và mới hiểu hết câu hỏi của anh Dũng hôm qua về tôi có ý định giúp người bất hạnh. Tôi thầm nghĩ, nếu tôi biết được như thế này có lẽ tôi sẽ giữ lại số tiền khiêm tốn của VINAHF mà tôi đã cho các nơi khác để đến giao tận tay các người này. Hoá ra, những người trong trại tế bần đã rất khổ rồi, mà cảnh các người già cả, những người tàn tật, hiện đang sống như tôi vừa thấy trong chuyến đi là không diễn tả được.

Xuyên Long là vùng mà thuở nhỏ, khi đi theo các đoàn cứu trợ Hướng đạo, tôi có đến các gia đình mà nhà cửa họ bị lũ lụt cuốn trôi. Tôi cũng đâu thấy những cảnh như hôm nay, mà đó lại là lúc chiến tranh, đằng này đất nước “rừng vàng biển bạc” đã hòa bình trong mấy chục năm. Tôi nhớ câu nói của một chính trị gia Mỹ – Hamilton Fish: “Đất nước mà đáng cho chúng ta chết để bảo vệ khi có chiến tranh, thì nó nhất định cũng phải xứng đáng để sống ở đó khi hòa bình” và tôi xót xa khi hòa bình mà bao nhiêu người chưa có cuộc sống như cha ông, hay chính gia đình họ đã hy sinh để bảo vệ.

Đêm đó ở nhà anh, tôi tìm hiểu thêm và không ngờ từ bao năm anh đã âm thầm làm nhiều việc để giúp cho các người bất hạnh bị bỏ rơi. Tôi thầm mừng vì đã quyết định đúng để có dịp biết những điều cần biết qua chuyến đi này vì đưa giúp đỡ của VINAHF đến đúng người thật xứng đáng là mục đích của Hội.

Tôi có dịp nói chuyện với anh về VINAHF và sung sướng được anh vui vẻ nhận lời cộng tác để đạt hiệu quả cao nhất với số tiền quyên góp khiêm tốn VINAHF nhận được từ các nhà hảo tâm. Từ đó, anh là người TNV cộng tác đắc lực cho VINAHF, anh đi khắp nơi, giúp nhiều chương trình, dự án. Từ việc giúp đỡ cho các nạn nhân bão lụt ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình cho đến việc đi tìm hiểu giúp cho từng hoàn cảnh học sinh như của em Một để bắt đầu chương trình Học bổng của VINAHF. Nhiều năm sau, trong một chuyến đi khác với anh, khi dừng chân ăn tối ở một quán trên vùng núi Sơn Phước, anh Dũng tâm sự khi nghĩ đến đoạn đường sẽ phải đi qua để về đến nhà: “Không biết mình còn đi được như thế này bao lâu nữa“.

Trên đường tối đen về nhà, tôi ngồi sau honda Dũng, tôi biết anh thường xuyên có những chuyến đi khuya, anh tâm sự là những lúc thế này anh có nhiều suy nghĩ muốn diễn tả mà không biết làm sao. Tôi đã biết anh, người chỉ làm theo cái Tâm, rất ít khi nói và viết về công việc mình làm.

Khi số người già, tàn tật, học sinh nghèo gia tăng, tôi đề nghị anh nên thay thế các cuốn sổ ghi chép chi tiết của anh về hoàn cảnh của từng người, địa chỉ, lịch sử số tiền cho, tiền do ai đóng góp bằng cách dùng spreadsheet trên máy điện toán và bắt đầu tập sử dụng email vì chúng tôi phải có hình ảnh gởi nhanh qua email để cập nhật cho các nhà hảo tâm. Tội nghiệp cho anh, cũng chịu khó học, các công việc làm bằng tay anh đã thành thạo bao năm, nay chuyển sang làm trên máy điện toán, làm anh mất thì giờ, lo lắng và có khi làm cả ngày trời, bấm cái gì đó nó mất hết. Có lúc anh phải nói với tôi: “VINAHF nhờ chuyển cái gì đến đâu tôi cũng sẽ đi đến, nhưng xin đừng bắt tôi dùng computer nữa!

Tôi rất hiểu, bao nhiêu email anh đã “kêu cứu“, vì “đang làm tự nhiên nó mất hết“, việc làm qua máy tính khiến anh mất rất nhiều thời gian lại không tự tin được như việc ghi chép chi tiết bằng tay, anh khá nản chí, học vi tính trong hoàn cảnh, điều kiện của anh ở VN là chuyện “không tưởng“. May mắn VINAHF có Hoàng thành thạo về máy tính, bao nhiêu cầu cứu của anh tôi đều bấm nút để “forward” cho Hoàng. Trải qua một thời gian vật lộn, tôi vui mừng thấy anh dần dần tự tin hơn khi sử dụng máy điện toán.

Từ đó, các hình ảnh nhóm của anh đi phân phối cứu trợ đã gởi về rất nhanh cho chúng tôi, giúp ích thật nhiều cho việc quyên góp, gây niềm tin cho các người ủng hộ cho VINAHF. Những tấm hình sống động do anh gởi về tình cảnh của đồng bào trong thiên tai, về các cảnh cứu trợ dã chiến cấp thời, các tiến triển và tình huống bất ngờ của việc nhóm anh theo dõi việc xây nhà cho người nghèo với Lửa Việt, hình về gia cảnh của các em học sinh xứng đáng để giúp học bổng, nhiều tình huống cần giúp đỡ nhân đạo khẩn cấp hay các email báo tin về cơn sốt gạo khiến số tiền cứu đói thường xuyên nay không còn cứu được nhiều như trước nữa. Những thông tin anh gởi qua email cập nhật, rất hữu ích để VINAHF chia sẻ với các thân hữu, các nhà hảo tâm mong muốn làm một điều gì đó cho các người nghèo, người bất hạnh.

Tôi ngạc nhiên thú vị, khi thấy các email gần đây anh viết tiếng Việt có bỏ đấu đàng hoàng, viết rõ hơn tôi nhiều. Không những giúp cho VINAHF, anh còn giúp cho Hội VOSA, Bút Nhóm Lửa Việt. Như anh đã tâm sự: “Nếu các anh chị bên đã đó có tấm lòng quyên góp tiền cho người nghèo, thì tôi sẽ cố gắng chuyển, tận tay đến người xứng đáng được nhận, đến đâu tôi cũng sẽ đi.“, và anh đã giữ lời hứa, lặn lội đi âm thầm trong bao năm, chuyển hết số tiền của VINAHF đến tận tay người kém may mắn trong các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Qua nhiều năm giúp đỡ cho VINAHF đến nay, anh cũng như các bạn thiện nguyện khác, chưa hề nhận bất cứ chi phí nào của hội VINAHF, cho dù đã có lần đề nghị và các chi phí đi lại này cũng chỉ “gọi là” chứ không làm sao bù đắp lại thời gian, sức lực của các công việc âm thầm của anh và các bạn thiện nguyện.

Tôi đã trả lời email cho em Một với một lời khuyên là em hãy cố gắng giữ lại trong ký ức hình ảnh chú Dũng khuất trong mưa bùn lầy lội sau khi đã cố gắng đến để trao em số tiền học bổng cho kịp thời hạn với trường. Đây là hình ảnh của một tấm lòng, suốt năm năm qua không riêng gì chú Dũng, có bao nhiêu người khác đã âm thầm giúp em từ học bổng, cái laptop cũ, cho đến những lời động viên, hay gần nhất là việc chu đáo gởi gấm của người bảo trợ giúp em việc đi thực tập. Tất cả đều làm vì họ có chung “một tấm lòng“.

Anh Dũng giao học bổng cho Lương Một tại nhà bà ngoại của em.

Tôi khuyên em Một hãy nhớ hình ảnh này bởi vì có ngày em sẽ không còn trong cảnh hàn vi, có lẽ ngoại em cũng không còn để nhắc lại em câu chuyện “Bát cơm Phiếu Mẫu” năm nào trong căn lều tranh lụp xụp. Hãy giữ các hình ảnh này để em đừng quên là lúc nào cũng có bao nhiêu người như em thưở xưa và mong em có “tấm lòng của chú Dũng” để giúp họ, tôi vui mừng khi đọc email của Một với lời hứa sau này sẽ “làm như chú Dũng để giúp đỡ mọi người“.

Tôi sung sướng vì VINAHF đã giúp em tốt nghiệp đại học, nhưng “đỉnh cao của sự giáo dục chính là lòng biết ơn“, chỉ có em tự giáo dục cho mình để có lòng biết ơn, nên tôi mừng hơn việc em được nhận vào công ty để thực tập, là em đã có “lòng biết ơn” trong suy nghĩ “làm như chú Dũng” cho người khác. Tôi nghĩ đó là sự cám ơn đầy ý nghĩa cho chú Dũng và những ai đã giúp em được ngày hôm nay. Cũng khá lâu, có lần em Một email cám ơn VINAHF và nhờ tôi chuyển đến các ân nhân của chương trình học bổng VINAHF đã giúp em theo đuổi giấc mơ đại học, tôi đã sao chép lại một câu trả lời có lần tôi đã nghe, nhận được: “Cách cám ơn tốt nhất là khi ai đó cần cháu giúp đỡ, cháu hãy làm cho họ như những gì cháu nhận được hôm nay” và tôi vẫn muốn lặp lại lần nữa.

Email của Một gởi cho riêng tôi, nhưng liên tưởng đến trăn trở của Dũng khi không biết mình còn lặn lội đi được bao lâu khi đã quá cái tuổi “tri thiên mệnh“, tôi nghĩ rằng Dũng có thể yên tâm, những cái nhân Dũng đã gieo thì sẽ có lúc nở quả và khi đến thời gian đó, anh có thể yên tâm và mãn nguyện khi thấy những cây măng mới như Một sẽ mọc lên.

Từ  email của Một, tôi viết lại câu chuyện và cám ơn số phận đã đưa tôi gặp lại người bạn học cũ của trường Trần Quí Cáp năm xưa, nhại một câu hát: “thời học trò, ngồi cùng lớp, bây giờ chung ý muốn“. Tôi tìm trong anh những câu trả lời về chữ “Tâm” mà tôi luôn muốn hiểu được. Tôi phải nhờ sự diễn đạt của mẹ Therasa để nói được điều anh đã làm: “Không phải mọi người đều có thể làm được việc lớn, nhưng ai cũng có thể làm được việc nhỏ với tình yêu lớn.”

Tôi biết rằng nếu không có “tình yêu lớn“, hay bằng các tên khác như là lòng từ bi, bác ái, tình người, mà tôi gọi chung là “tấm lòng“,  thì anh không thể  làm được rất nhiều việc cho các người bất hạnh chung quanh và tôi vì luôn nhớ đến tấm lòng của anh cũng như bao nhiêu người khác, cho nên câu nói này đã được đặt ngay trên đầu trang web của VINAHF: “We can’t all do the big things but we can do small things with big love.” (Mẹ Therasa). Câu nói để tặng cho anh và bao nhiêu TNV VINAHF âm thầm khác trong việc dấn thân giúp người nghèo mà luôn sẵn sàng vì có “một tấm lòng“.

Về điều này, chắc anh còn nhớ thầy Nguyễn Công Trợ dạy tôi và anh môn Việt văn năm lớp chín hai (9/2), ông giảng hai câu thơ Đường, mà đến nay tôi vẫn thuộc:

Nhân sinh tự cổ tùy vô tử.
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.
(Xưa nay thử hỏi ai không chết,
Lưu lại đời sau một tấm lòng.)

Buổi sáng đầu Thu – New Jersey 2009.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to top
Share via
Copy link
Powered by Social Snap