Hoạ Hổ Hoạ Bì Nan Hoạ Cốt

Cách đây mấy hôm tôi nói chuyện với một cô bạn trẻ hơn nhiều, cô có tấm lòng nhân ái, vốn đã cùng tôi trong các dự án từ thiện gần 15 qua, cô chuyên nghiệp hơn tôi vì được đào tạo chuyên môn để làm các công việc phi chính phủ (NGO), nhân đạo, từ thiện và cô có Hội với các chương trình dự án riêng.

Vì cùng chia sẻ quan tâm chung, nên chúng tôi đã hợp tác với nhau trong các dự án có cùng mục đích. Cô vừa gọi để báo tin về một người cộng tác viên mà cô đã nâng đỡ, tin tưởng và làm việc cùng cô hơn 8 năm qua, thế mà hôm nay vì những việc xảy ra, cô đã không thể để anh tiếp tục trong các công việc mà cô đang theo đuổi. 

Cô giải thích cho tôi rõ lý do cho quyết định của cô. Tôi cũng hơi ngạc nhiên vì cô đã giới thiệu anh này cho tôi để nếu chúng tôi (VINAHF) có cần một cộng tác viên (CTV) nhiệt tình và năng lực thì anh này là một ứng viên tốt, nhưng tôi chưa “có duyên” để gặp và có cơ hội làm việc chung, thì bất ngờ nay nghe một tin không vui. 

Cô bày tỏ sự thất vọng về những việc đã xảy ra, tôi lắng nghe, cảm thông nhưng không quá “bàng hoàng”, cho dù biết anh đã từng là một người được ưu ái, tin tưởng trong những người đang làm việc cho Hội của cô. 

Tôi hiểu tâm trạng và tổn thương vì sự thất vọng gây ra do người mình đã đặt tin tưởng, nâng đỡ, yêu mến. 

Trên 20 năm làm nhiều việc “ăn cơm nhà, vác ngà voi”, tôi cũng không tránh được những “sự cố về niềm tin” trên hành trình này, tôi không ngạc nhiên về sự đến đi của “bá tánh” vào các công việc chẳng có gì ràng buộc ngoài cái TÂM và tôi cũng trải qua đủ “the good, the bad, the ugly” của các cuộc chia tay. 

Nay đã quá cái tuổi “Lục thập nhi nhĩ thuận”, thường suy ngẫm để hiểu thêm về cái lẽ “vô thường”, để biết là việc hợp-tan, đến-đi, cũng chẳng qua một chữ “duyên” khiến hai người không nhảy hết một bản tango (It takes two to tango). Tuy không ngạc nhiên, nhưng tôi rất đồng cảm với cô bạn trẻ, lắng nghe và vì cô là một Phật tử thuận thành nên tôi an ủi cho cô là: “Quán Tâm vô thường”, như trong 4 điều Phật khuyên nên quán chiếu, để đối phó với những việc bất toại nguyện trong đời: “Quán Thân Bất Tịnh, Quán Pháp Vô Ngã, Quán Thọ Thị Khổ.”

 Mình nên “Quán Tâm Vô Thường” để bớt khổ Tâm khi mình cảm thấy niềm tin của mình bị phản bội, vì đó là chuyện bình thường trong cái thế giới ta bà, với sự thật mà Dale Canergie đã viết là: “Bản chất con người là vô ơn.” Lòng biết ơn chỉ có ở những người được giáo dục hay tự giáo dục. Tâm của con người cũng vô thường và thay đổi nên cũng đã có câu “không ai học được chữ Ngờ” do đó hãy bình thản chấp nhận, và biết đâu sự chia tay mình không muốn sau này trở thành một may mắn lớn cho mình như chuyện “Tái Ông thất mã”. 

Có hai câu đối chữ Hán tôi được học và nhớ lâu là từ thuở trung học, trong các giờ Việt văn (của Thầy Nguyễn công Trợ) và nhớ đến mỗi khi thấy “thế thái nhân tình”:

Họa hổ hoạ bì nan hoạ cốt, 

Tri nhân, tri diện bất tri Tâm. 

(Vẽ hình cọp, có thể vẽ được da nó, nhưng khó vẽ được bộ xương.
    Biết người, biết mặt, nhưng làm sao biết được lòng người.)

Tôi biết cô bị tổn thương nhưng thành thật khuyên cô khi giận người cộng tác viên mà cô đã nâng đỡ, ưu ái thì cũng nên nhớ là anh cũng đã những đóng góp nhất định cho Hội của cô trong nhiều năm qua, hơn nữa mọi việc xảy ra đều không là ngẫu nhiên, mà có lý do của nó, chỉ có thời gian, nhiều năm sau nhìn lại mới biết đó là điều may hay rủi, hay đó là một sự chuẩn bị, một cơ hội để chúng ta học được bài học quí giá trong bước đi lên vì “Ai nên khôn, không khốn nhiều lần” (chớ không phải “không khốn một lần”). 

Tuy khó thánh thiện để tha thứ (“To err is human, to forgive is divine”) cho người mình đặt tin tưởng đã phản bội niềm tin của mình, nhưng tôi khuyên cô, nếu không quên được thương tổn mà cộng tác viên đó đã gây cho Hội và làm cô thất vọng, thì cũng nên nhớ cả các việc tốt mà người bạn trẻ này đã làm cho Hội cô trong những năm qua và không vì những sai lầm mới đây mà quên đi những gì anh đã làm trong 8 năm qua với cô, vì phải chăng đó là một thể hiện của “Lòng Biết Ơn”. 

Với một quá trình làm việc lâu dài, tôi có cơ sở để tin rằng cô sẽ tiếp tục lèo lái để Hội cô ngày càng vươn lên, phục vụ nhiều hơn nữa những người nghèo, nhất là các trẻ em kém may mắn có một cơ hội để vượt qua các nghịch cảnh, vươn lên cho một tương lai tươi sáng, cho dù có những mất mác, tổn thất tạm thời do việc ra đi của người mà mình đã đặt tin tưởng, kỳ vọng, bởi vì vẫn còn có bên cô những người đáng tin cậy khác luôn trung thành và chung thuỷ và gắn bó với Hội như cô đã biết những người bạn đồng hành với hội VINAHF gần 20 năm qua, với quá trình làm việc lâu dài, gắn bó thì giữa chúng tôi niềm tin đặt vào nhau là: “Dù ai nói ngã nói nghiêng, lòng ta vẫn giữ như kiềng 3 chân”, cho nên đối lại hai câu “Hoạ hổ Hoạ Bì” ở trên còn có:

Ái mạo, ái tài vưu ái chi 

Tri nhân tri diện CÁNH tri TÂM. 

(Yêu vẻ, yêu tài, càng yêu chí

 Biết người, biết mặt, biết cả lòng) 

Với sự cảm thông và tôi cũng chia sẻ những trường hợp tương tự đã xảy ra trong lịch sử đi lên của hội VINAHF, tôi hy vọng sẽ giúp cô được bình an, thanh thản chấp nhận, vì dẫu lòng người có thay đổi chúng ta cố gắng giữ lòng biết ơn: “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”. Hợp tan, đến rồi đi chỉ là một chữ “duyên”. 

Cuộc điện đàm dài chấm dứt, nghĩ đến “Sông sâu biển thẳm dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người”. Tôi thấy hội VINAHF thật may mắn và tôi vô cùng biết ơn những người bạn đã rất gắn bó, chung thuỷ với VINAHF mà nhờ đó VINAHF đã mở rộng với các chương trình mới và được “luật hấp dẫn” giúp thu hút thêm nhiều nguồn lực bất ngờ để làm được các chương trình dự án vượt xa những hy vọng ban đầu, thật sung sướng và hạnh phúc khi biết rằng chung quanh mình có những người bạn đồng hành: 

Ái mạo, ái tài vưu ái chi,

Tri nhân tri diện CÁNH tri TÂM”. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to top
Share via
Copy link
Powered by Social Snap