Bài Học Công Dân Giáo Dục của Thầy Đỗ Kiệm

Mùa hè luôn là thời gian đẹp để đi thăm Canada, nhất là tháng Bảy là tháng hội hè (festival) ở Montréal.

Tôi trở lại Montreal để thăm gia đình người cô tốt bụng, cô Dung & chú Có. Cô là người đầu tiên đến thăm chúng tôi lúc mới “chân ướt chân ráo” qua được đến Mỹ. Chuyến đi Montréal này cũng để xem đại nhạc hội Jazz Quốc tế và xem Hồng Kông,Trung Quốc trổ tài pháo bông của họ trong cuộc thi Pháo bông Quốc tế. Tuy nhiên, trong các cuộc đi chơi xa, thăm viếng bạn bè, người quen để có niềm vui “thiên lý tha hương ngộ cố tri” là điều không thể thiếu, do đó, tôi và anh Trần đình Khải, bạn học cũ Trần Qúi Cáp, cùng đến viếng thăm thầy Đỗ Kiệm. Thầy dạy vẽ, dạy công dân giáo dục và là giáo sư hướng dẫn năm lớp 9/2 của chúng tôi.

Thường lúc nào đến Montréal, chúng tôi tôi cũng ghé đến thăm Thầy, nhưng lần này hơi khó gặp, Khải phải điện thoại nhiều lần mới gặp được để hẹn đến thăm Thầy. Thầy vui mừng, căn dặn đến sớm để chuyện trò vì sau 10 giờ Thầy có việc phải đi.

Đến hẹn, Thầy vồn vã và niềm nở đón tiếp tuy không còn nhanh nhẹn như lần trước tôi gặp nhưng Thầy vẫn còn tráng kiện ở cái tuổi 87. Tôi nghĩ là Thầy nhận ra khi tôi giới thiệu, nhưng để chắc ăn tôi thêm: “Ba con là ông Viêm”, thì Thầy nói ngay: “Tôi không thể nào quên dáng cao gầy của anh Viêm được!” Vừa ngồi xuống, Thầy đã vội vã đi vào nhà bếp, lục đục gì đó và mang ra cho chúng tôi một mâm chè hạt sen Hội An chính cống, rồi Thầy lo đi nấu trà, tôi và Khải cố giữ lại nhưng Thầy phải cố cho có được tách trà mới là “đầu câu chuyện”.

Trong phòng khách vẫn với các hình ảnh cũ của gia đình Thầy và hình ảnh các giáo sư TQC năm 1956, trên kệ sách tôi thấy có Đặc San Kỷ Niệm 70 TQC, tôi báo tin thầy Nguyễn công Trợ đã qua đời, Thầy đã biết và còn nhắc lại cái nghiệp thơ làm thầy Trợ đi cải tạo với bài: “Trái Ớt” mà nay tôi mới biết, cũng oan uổng như việc Thầy  Kiệm phải đi cải tạo vì là “sĩ quan biệt phái”.  Cùng đi với tôi có người chú vợ, chú Có. Thầy, Ba tôi và chú Có đã từng bị đi cải tạo ở Quảng Nam. Thầy nhắc lại vào chuyện cải tạo và còn nhớ rõ: “Hai mươi ba tháng, là gần đúng hai năm”.

Thầy thăm hỏi gia đình tôi và nhắc lại nhiều chuyện cũ lúc dạy học ở Trần Quí Cáp. Tôi nhắc lại là năm lớp 9/2 chúng tôi có làm đặc san 9/2, không biết Thầy còn nhớ nhưng Thầy cười và nói: “thời đó vui quá, nhiều sinh hoạt”. Chúng tôi hỏi thăm về cuộc sống bây giờ của Thầy và Thầy tâm sự cho biết cô đã vào viện dưỡng lão vì Thầy yếu và không có điều kiện chăm sóc cô được như trong viện, tuy nhiên, hàng ngày Thầy vẫn đón xe bus đến đó và ngồi chơi với vợ cho đến chiều tối mới về nhà. Ngày nào cũng vậy, Thầy không muốn vợ mình cô đơn trong viện dưỡng lão, chính vì vậy mà đến chiều tối Khải mới gọi gặp được Thầy và chúng tôi nhìn đồng hồ cũng sắp đến giờ Thầy phải đi, trong lúc câu chuyện hàn huyên vui vẻ cũng còn kéo dài.

Có tiếng chuông điện thoại reo, đó là anh Hạnh con trai Thầy báo tin anh trên đường đến thăm mẹ cho nên may quá, Thầy có thể đi trễ hơn và tiếp tục chuyện trò. Thầy chu đáo hỏi thăm về Ba Má tôi, khi biết Ba tôi nay đã 94 tuổi, Thầy nói: “Không biết tôi có theo kịp anh Viêm không?” và kể thêm nhiều về cuộc sống hiện nay, nhất là về người vợ hiền “gái có công, chồng chẳng phụ”.

Thầy sống tự tại, an lạc, nhắc lại vài lần về cuộc sống hôm nay: “Tôi không thấy có điều gì phải than phiền cả” và nói thêm “đến 90 tôi sẽ suy nghĩ có về sống ở Hội An vĩnh viễn hay không?”.

Chúng tôi ra về vì cũng không muốn làm Thầy trễ hơn việc vào thăm người vợ hiền của Thầy, người mà đã chung thủy, đảm đang và quán xuyến cho nhiều việc để cùng Thầy xây dựng một gia đình hạnh phúc.

Thầy cũng bước ra đến tận cửa xe để tiễn đưa chúng tôi, tôi thấy sự xúc động của Thầy khi tôi bắt tay tạm biệt Thầy, cái khoảnh khắc rất ngắn ngũi nhưng thật chân tình. Nhìn Thầy quay về, tôi chạnh lòng nhưng vui và thầm cám ơn bạn Khải đã giúp tôi đến thăm được Thầy theo tinh thần “tôn sư trọng đạo” và có lẽ chúng tôi đã mang lại Thầy một niềm vui trong tình nghĩa thầy trò.

Sau đó, Khải đãi chúng tôi bữa ăn ở một tiệm phở ngon tại Montréal và đưa tôi đến thăm chị Bạch Liên, người bạn thân chị Tú của tôi, là một ngôi sao của Trung học TQC của những năm 1970. Hát rất hay, học rất giỏi. Lần cuối cùng tôi gặp là lúc chị còn ở Hội An trước khi chị vào Sài Gòn và đi du học Canada năm 1972, cho đến 40 năm sau tôi mới gặp lại, cho dù nhiều năm trước đây tôi và chị đã liên lạc qua email khi chị tham gia vào chương trình học bổng VINAHF, giúp cho các em học sinh nghèo được tiếp tục học, có em được chị giúp nay đã tốt nghiệp Đại Học. Chiều hôm đó là lần gặp mặt và chị đưa chúng tôi đến xem nhạc hội Jazz ở trung tâm Montreal.

Pháo bông biểu diễn của Trung Quốc và Hồng Kông không đẹp như pháo bông của Macys’ bắn trên sông Hudson ở Thành phố New York mỗi lễ Độc lập Hoa Kỳ, nhạc Jazz rất hay nhưng chúng tôi lại có quá ít thì giờ nên chỉ mới được một hưởng một chút hương vị. Ưu tiên chuyến đi là gặp lại các bà con nay đã ở tuổi “hoàng hôn cuộc đời” tại Ottawa, như đại gia đình hạnh phúc của cô Dung, cô là người đầu tiên đến thăm gia đình tôi khi chúng tôi vừa mới qua Mỹ, vợ tôi vẫn còn giữ lại cái xoong cũ, chiếc áo dress được cô mua cho hơn 20 năm trước đây, trong lần shopping đầu tiên khi chúng tôi không sắm nổi.

Gặp chị Bạch Liên sau 40 năm lại là một niềm vui, nhưng điều khiến tôi viết bài này là câu chuyện của Thầy Đỗ Kiệm, cái nghĩa tình trọn vẹn của Thầy với người vợ đang trong viện dưỡng lão “Trăm năm tình viên mãn – Bạc đầu nghĩa phu thê”.

Năm xưa Thầy Kiệm dạy chúng tôi về công dân giáo dục, tôi vẫn nhớ bài công dân giáo dục của Thầy về “Lòng Tự Trọng” và câu hỏi khó của Thầy, lớp 9 khi tôi trả bài, Thầy hỏi: “Người trốn quân dịch có lòng tự trọng hay không?”. Bài học năm xưa tôi vẫn không quên, gần 50 năm sau đến thăm Thầy, Thầy vẫn còn một bài học khác, bài học về sự thủy chung, nhân nghĩa trong đạo lý vợ chồng. Như Thầy chân tình tâm sự, không chỉ là tất cả số tiền cấp dưỡng cho hai vợ chồng Thầy, Thầy dành gần như toàn bộ cho việc chăm sóc chu đáo người vợ, ở tuổi 87, việc di chuyển đi lại không dễ dàng nhưng Thầy hàng ngày đều đặn đến với vợ cho đến chiều tối. Những chi tiết được Thầy kể lại như một bài học “công dân giáo dục” mới.

Năm xưa Thầy dạy về: “Thiên thu ghi tạc tình sông núi” và hôm nay là “Hạnh phúc muôn đời nghĩa phu thê”. Buổi hàn huyên tâm sự với Thầy và biết được sự chăm sóc nghĩa tình, tận tụy của Thầy đối người vợ hiền, làm tôi suy ngẫm về tình nghĩa phu thê trong nhịp sống mới hôm nay, về đạo đức, thủy chung, “nghĩa tào khang” qua câu ca dao:

“Đèn nào cao bằng đèn sở Thượng,

Nghĩa nào trượng bằng nghĩa phu thê”.

Thầy Đỗ Kiệm đã sống trọn vẹn qua công việc hằng ngày của Thầy và rất tha thiết, “êm ái ru tình già” như vần thơ:

Vợ chồng nghĩa nặng tình sâu

Thương nhau đến lúc bạc đầu vẫn thương”.

Khổng Tử có lần nói rằng: “Đạo của người quân tử bắt đầu từ quan hệ vợ chồng”.

Thầy Kiệm không chỉ dạy chúng ta về công dân giáo dục, mà còn về cách sống trọn vẹn nghĩa tình của con người. Thầy đúng là một nhà giáo chân chính và đó là điều khiến tôi viết bài này để chia sẻ với các bạn học cũ năm xưa, đã có lúc cùng nhau trong lớp học, dưới mái trường Trung học Trần Quí Cáp – Hội An, từng lắng nghe các bài giảng về công dân giáo dục của Thầy Đỗ Kiệm.

Học sinh trường Trần Quí Cáp niên khóa 1967-1974
      New Jersey – Trong cơn nóng bức (heatwave) tháng 07/2013

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to top
Share via
Copy link
Powered by Social Snap