Tưởng Nhớ anh Trương Văn Minh

Đang ngồi uống cà phê sáng với các bạn tennis, tôi nhận được điện thoại của chị Lan, chị báo tin tôi biết Minh bị stroke (tai biến) và đưa vào bệnh viện, nghe nói não đã chết nên không hy vọng sống. Tôi bàng hoàng báo hung tin đến các bạn vốn đã quen biết Minh lúc anh ở New Jersey trước khi qua Cali để theo đuổi cơ hội tốt đẹp hơn cho gia đình.

Các bạn ra sân tennis tôi còn lại bàng hoàng nghĩ đến anh, vốn rất thân với tôi trong một thời gian ngắn vì có duyên với nhau.

Tôi gặp Minh trong một buổi tiệc ở nhà anh Cự và anh dễ dàng nhận ra đồng hương do giọng nặng Quảng Nam của tôi. Tôi ở Hội An, còn Minh sinh ra, lớn lên ở Đà Nẵng, quê ngoại của tôi. Từ đó, mỗi buổi sáng cuối tuần Minh, Đạt và tôi thường đều đặn gặp nhau ở tiệm cà phê trên đường 34, trò chuyện lý thú cho đến khi tôi và Đạt ra sân tennis, còn anh thì về lo việc nhà và vẫn hay với câu nói đùa quen thuộc: “Tôi đâu có được ‘sung sướng’ như các anh.”

Càng hiểu nhau, tôi biết Minh là người đã nhiều năm thực hành “mindfulness” và thiền nên Đạo Phật là một đề tài thường xuyên trong các buổi nói chuyện của chúng tôi. Minh kể tôi nghe những chuyện tuy bình thường nhưng khi chú tâm sẽ thấy thú vị như lúc cắt hành, tỏi, nấu ăn, hay cảm nhận được các bánh xe tiếp xúc với mặt đường khi lái xe. Cái cảm giác khi thực sự tỉnh thức lúc hiện tại. Anh hay kể cho tôi nghe các câu chuyện và kinh nghiệm thiền của anh, vì thế tôi và Đạt hay gọi đùa anh là “Minh thiền sư”. Tôi vẫn còn giữ cuốn sách “Thoughts without a thinker” của Mark Epstein mà anh cho mượn.

Trong một buổi đi thăm chùa Linh Sơn về, vì đường lên chùa khá xa, Minh là một người trong nhóm đã nảy ý định lập ra một ngôi chùa nhỏ ở tại địa phương này để đỡ cho bao nhiêu người phải lái xe quá xa khi đi lễ Phật, nhất là đối với các người lớn tuổi, trong mùa Đông tuyết lạnh và cùng là để “hoằng dương Phật pháp”. Từ suy nghĩ đó chúng tôi bắt đầu có một nhóm các bạn cùng chung quan tâm và đã ra đời “Cộng đồng Phật tử miền Trung New Jersey (VBCCNJ)”. Minh là một thành viên của Ban Quản Trị (Board of Directors) cho đến khi anh rời New Jersy đi Cali. Xa VBCCNJ nhưng anh vẫn nhớ, chuyến về Việt Nam vừa qua, Minh không quên mua tặng cờ Phật giáo và gởi cho VBCCNJ các áo lam để mặc khi làm lễ.

Tôi quí Minh vì anh là người có tinh thần xã hội rất cao, lúc nào anh cũng quan tâm đến việc giúp đỡ cho cộng đồng. Khi ở Canada anh tự nguyện tham gia dịch vụ điện thoại giúp những người tuyệt vọng với quyết định tự tử, hàng tuần lắng nghe những người có những ý định rất sai lầm trong lúc tuyệt vọng để giúp họ. Minh đã dành thì giờ học về tâm lý học hiểu biết thêm để giúp ích được nhiều hơn. Tâm lý học là một đề tài anh rất thích tìm hiểu, cũng như về cái tâm thức (mind) của con người, chính vì vậy mà anh càng thích đạo Phật và xem Phật thật sự như là “người kỹ sư tâm hồn”.

Khi biết chúng tôi có một nhóm bạn muốn làm các việc nhỏ giúp các mảnh đời bất hạnh ở Việt Nam, anh đã cùng chúng tôi trao đổi nhiều lần về việc này.

Trong trận bão lụt lớn ở Việt nam năm 2006, chính anh Minh đã động viên tôi hãy làm một cuộc gây quỹ cho nạn nhân bão lụt, lúc đó nhóm chúng tôi chỉ gồm những bạn VN đồng nghiệp thích làm từ thiện chớ chưa hội, nhóm không tên, tạm gọi là “Nhóm thân hữu New Jersey”.

Chúng tôi chưa hề làm việc gây quỹ, quỹ từ thiện là từ việc các đồng nghiệp hẹn gặp nhau đi ăn trưa rồi gấp đôi tiền trong hoá đơn, gom lại để dành, rồi gởi về VN, cho nên không biết nhân danh gì và ít ai biết đến ngoài các bạn làm trong lãnh vực telecom, tôi không biết cách gây quỹ như thế nào, e ngại biết có ai đến dự, nhưng Minh khuyên nên mạnh dạn và vỗ vai tôi nói: “Anh Khiết làm được mà!”

Kết quả là buổi gây quỹ được thực hiện với sự ủng hộ nồng nhiệt trong cộng đồng người Việt nhỏ bé ở đây. Đó là buổi gây quỹ từ thiện đầu tiên mà chúng tôi thực hiện được nhờ sự động viên và niềm tin của Minh vào tôi. Với tôi, đây là kinh nghiệm đầu tiên, quý báu để tôi biết cách gây quỹ như thế nào.

Số tiền quyên góp sau đó cũng nhờ mẹ anh cùng các sư chuyển tận tay đến các nạn nhân bão lũ. Anh rất quan tâm đến việc học hành và giáo dục tinh thần nhân ái và vị tha cho con cái. Có lần anh tâm sự, tưởng là Nam con đầu anh lơ là việc học, mà vì anh “lo cả việc nước việc nhà” không kèm được cháu, nên anh đã gởi cho Na, đứa con gái tôi, dạy kèm cho Nam. Na sau đó cho biết Nam không “lơ là” như anh nghĩ nhưng chỉ vì không “tune in” đúng chủ đề và cho biết Nam rất thông minh và mau hiểu. Nam rất thích thú trao đổi với Na việc học, đặc biệt về “Social Studies” (xã hội học) và các “current events” (thời sự). Trong thời gian ngắn các bài viết tiếng Anh của Nam rất tiến bộ. Anh còn mong Nam tháo vát và có tinh thần xã hội nên khuyến khích Nam đi Hướng Đạo và tôi 100% đồng ý với anh.

Tôi tin là hôm nay Nam tuy còn nhỏ nhưng sẽ đủ tháo vát, nghị lực để thay thế anh, lo cho em, cho việc gia đình. Vợ anh, Lanasy, hay chở Nam đến học nên bà xã tôi – Thùy Dương – cũng hay chuyện trò và cảm mến nhau hơn, nhất là lúc sau này anh chị hay gởi các cháu ở nhà tôi khi phải đi công việc ở xa.

Tình thân và thời gian cùng nhau làm việc gián đoạn khi trong một buổi cà phê sáng, anh báo tin mừng đã được công ty dược phẩm GenenTech nhận và sẽ dọn đi Cali, anh nói cũng tiếc là mới vài buổi làm quen tennis và tưởng sẽ tham gia lâu dài dưới sự hướng dẫn của coach Đạt.

 Tiễn anh đi Cali bạn bè có một buổi tiệc tại nhà tôi, chúng tôi mừng cho anh được làm việc cho Genetech, một trong những công ty hàng đầu của Mỹ. Bạn bè ở New Jersey đều mừng gia đình anh đã tìm được miền đất ấm Cali “đi dễ khó về”, anh cũng nhắc lại tiếc đã không tiếp tục cùng làm chung các dự án từ thiện của chúng tôi, nhất là không học được tennis với sự hướng dẫn của coach Đạt khi anh quyết định phải thu xếp để cùng chơi tennis.

 Minh vẫn hay liên lạc với tôi khi đến Cali, anh nhiều lần mời chúng tôi ghé đến nhà anh chơi khi có dịp đi Cali và bạn bè New Jersey (NJ) không ngờ rằng buổi tiệc hôm đó là ngày cuối cùng chúng tôi gặp anh.

Ngày gia đình anh đi Cali, anh đã tặng gia đình tôi một bức tượng Bồ Tát bằng đá mà tôi biết cả hai đều rất quí vì tôi thích và khen bức tượng trong lần đầu tiên đến nhà anh.

Lanasy cẩn thận chỉ vẽ vị trí đặt tượng trước nhà để vị Bồ Tát này sẽ bảo vệ và mang đến may mắn cho gia đình tôi, nhưng với tôi tượng này là để nhớ đến tấm chân tình của gia đình anh và tôi nói với anh Minh nếu ngôi chùa mình định làm thành hiện thực thì tôi sẽ hiến lại cho chùa này.

Sau đó, Na cho tôi biết là hai anh chị cũng chu đáo, không quên tặng Na một món quà tạm biệt rất hào hiệp vì đã kèm cho cháu Nam con anh.

Nhóm bạn NJ và Minh còn nhiều “chuyện ngắn, chuyện dài” mà phần lớn là những chuyện vui, tôi cũng tiếc anh rời NJ quá sớm nếu không chúng tôi và anh còn nhiều kỷ niệm vui hơn nữa.

 Gần đây nhất là email anh báo chúng tôi biết, năm ngoái theo lời kêu gọi cứu trợ nạn nhân bão lụt của VINAHF, anh quyên góp từ các bạn bè tại nơi làm việc được một số tiền đóng góp vào quỹ cứu trợ bão lụt, sau đó anh nhận được biên lai trừ thuế, theo người làm thuế anh cho biết, anh được miễn trừ thuế từ số tiền này, anh email báo cho tôi biết là sẽ gởi bằng check số tiền miễn thuế này đến VINAHF, check anh vừa nhận được chưa kịp deposit, thì được tin anh đột ngột qua đời.

Cô kế toán VINAHF, khi biết Minh vừa qua đời, hỏi tôi VINAHF có nên deposit check này, tôi nói hãy deposit vì tôi biết rõ Minh giúp làm cho giảm sự đau khổ của các người bất hạnh ở VN, luôn luôn là ước muốn của Minh, nên hãy làm theo ý anh.

 Hai công việc mà anh đã cùng các bạn ở NJ muốn thực hiện, việc xây một ngôi chùa, mà mỗi khi email hay điện thoại anh vẫn hỏi VBCCNJ vẫn còn âm thầm cố gắng làm việc và kiên nhẫn chờ đợi nhân duyên. Việc thứ hai là chuyện từ thiện, từ một nhóm không tên tuổi, nay chúng ta đã có một tổ chức từ thiện hợp pháp, được công nhận.

Trong năm 2009 hội VINAHF đã gây quỹ để tổ chức được cuộc cứu trợ nạn nhân bão lụt từ Tuy Hòa đến Quảng Nam và giúp duy trì học bổng dài hạn cho 60 học sinh nghèo và kỷ niệm đáng nhớ là cuộc gây quỹ trong tháng Sáu, năm 2010 gây được con số cao nhất, việc gây quỹ VINAHF ngày càng tốt hơn, vươn lên từ cái hạt giống ban đầu do sự động viên và khuyến khích của anh Minh.

Vô thường” đã không cho anh và tôi gặp nhau tại Việt Nam trong năm này và cùng đi đến những nơi VINAHF đang giúp đỡ như mình đã dự định.

Năm ngoái, Minh gởi bức hình gia đình nhân ngày sinh nhật và hỏi “Minh có già không?” Hôm nay là ngày sinh nhật của anh và ngày mai là ngày hoả táng, “cát bụi trở về cát bụi” anh ra đi nhưng để lại ở NJ này hai công việc, một căn chùa nhỏ cho các phật tử có nơi để tu tập, một Hội VINAHF để tiếp tục làm những việc mình cùng tâm nguyện. Việc chùa tôi không dám hứa, vì nhiều khó khăn trong cộng đồng VN nhỏ bé này, nhưng khó hơn, có lẽ tôi nên lo ngôi chùa trong Tâm trước đã, xem có được chưa, trước khi lo đến một ngôi chùa ngoài đời.

Còn việc thứ hai “làm phước cứu cho một người” của VINAHF, chúng tôi hứa sẽ tiếp tục, sẽ có những người đến rồi đi với VINAHF, nhưng thay cho một lời vĩnh biệt anh, tôi hứa là VINAHF sẽ còn mãi mãi với tôi và sẽ quyết tâm xây dựng cho lớn mạnh để làm được những việc mà tôi và anh cùng mong muốn, cho đến một ngày rồi tôi cũng “về làm cát bụi.

Cho đến khi đó, tôi sẽ tiếp tục với công việc VINAHF, sẽ nhớ đến anh mỗi lần gây quỹ, trong mỗi chuyến cứu trợ, trong mỗi kí lô gạo cho người già, mỗi học bổng cho học sinh, mỗi căn nhà cho người nghèo, và tin rằng “Minh thiền sư” đang ở đâu đó, vẫn luôn luôn mĩm cười, tâm đắc cùng VINAHF và tôi luôn nhớ cái vỗ vai của Minh: “Anh Khiết làm được mà!” trong việc giúp người nghèo theo tinh thần câu nói của mẹ Terasa: “We all can’t do the big thing but we can do small things with big love”.

Đã quá 2 giờ sáng, mấy giờ nữa là lễ thiêu xác của anh. Không bay được qua Cali nhìn anh lần cuối, tôi xin tiễn anh bằng mấy câu thơ (trong chuyện cầu cơ) mà anh vẫn thích nghe:

Kiếp sinh hóa kẻ sau người trước

Dắt dìu nhau mà bước qua cầu

Mấy lời tâm sự nhỏ to

Hồn ai qua đó thấu cho tấm lòng.

Vĩnh biệt “Minh thiền sư”
Đêm trước ngày hỏa táng anh Trương Văn Minh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to top
Share via
Copy link
Powered by Social Snap