Tấm Thiệp Giáng Sinh

Khi còn nhỏ, đôi lần tôi có nghe ba tôi kể chuyện về một người dì của ba tôi – Trần thị Hạnh, chắc nhờ “Ơn gọi” dì trở thành một ma sơ và nguyện hiến dâng cả tuổi thanh xuân và cuộc đời để phục vụ cho các người bệnh phong (cùi).

Gia đình có một vài lần đến thăm dì ở trại cùi nơi dì tận tụy phục vụ và sau năm 1975 vì vất vả thiếu thốn, gia đình nghe tin dì mất và cũng được chôn cùng với nghĩa trang các người cùi. Một trong nhiều câu chuyện của Ba tôi kể về lòng nhân ái, về sự phục vụ tha nhân trong gia đình mà tôi mà tôi nhớ lâu.

Cứ mỗi lần đi xe đò trên đèo đến Qui Nhơn, hay khi có dịp dừng trên đường đèo nhìn từ xa thấy “Đảo Cùi”, tôi liên tưởng đến câu chuyện của dì Hạnh. Nhìn cái đảo nhỏ biệt lập tôi cứ tự hỏi không các người cùi này sống như thế nào? Trong tiểu thuyết tôi rất ưa thích của Henri Charrière và cả cuốn phim “Người Tù Khổ Sai” (Papillon) dựa vào truyện này, có một đoạn khi Papillon, người tù vượt ngục, bị lạc vào một làng cùi, tuy họ xấu xí, mặt mày bị biến dạng vì cơn bệnh nhưng họ là người có tấm lòng rất tốt, họ đã giúp cho các Papillon chiếc thuyền và cho cả tiền để các người tù đi đến Houduras tìm cuộc sống tự do mà chế độ hà khắc, bất công đã cướp mất của họ. Do đó, tôi mong có dịp đến một làng cùi để xem có giống như những gì tôi nghĩ trong đầu.

Khi dự định lên Daklak, tôi yêu cầu các thiện nguyện ở địa phương cố vấn cho đoàn VINAHF nên đến thăm và giúp đỡ nơi nào, với ưu tiên đến giúp được những nơi xa xôi, cô lập và thiếu thốn nhất. Khi được Lan Anh, một cộng tác viên trẻ rất năng nổ ở Daklak đề nghị đếm thăm Trại Phong Eana với mô tả ngắn: “Trại Phong (cùi) Eana, ở huyện Krong Ana, tỉnh Daklak, do Sơ Tâm phụ trách. Tại đây có hơn 100 bệnh nhân (người cùi) ở cách ly xã hội trong sâu xa của vùng núi rất thiếu thốn”, làm tôi chú ý ngay, thật là may mắn “nhân duyên” đưa đẩy cho tôi có được một dịp đi đến thăm một làng cùi để biết những việc mà trong tiềm thức tôi luôn luôn muốn đến để biết.

Chúng tôi đến trại phong ở EaNa là điểm viếng thăm thứ hai trong ngày. Lan Anh phải thu xếp phương tiện riêng với sự giúp đỡ của các thiện nguyện viên, bởi vì ngay cả taxi, nếu gọi đi đến trại phong thì họ sẽ từ chối và cũng không trách họ vì vẫn còn rất nhiều quan niệm không đúng về người cùi làm mọi người sợ và xa lánh họ. Đúng như Lan Anh mô tả, trại phong Eana ở xã Dray Sáp, buôn Trấp, huyện Krông Ana, trại có 100 bệnh nhân do sơ Tâm quản lý. Lúc chúng tôi đến sơ Tâm cũng vừa xong công việc hàng ngày là đi băng bó cho các vết thương lở loét của người cùi. Tôi ngạc nhiên thú vị khi thấy ảnh lớn của Mẹ Theresa ở phòng khách. Công việc phục vụ người nghèo của Mẹ Therasa là nguồn cảm hứng cho các hoạt động của VINAHF. Sau khi được nghe ma sơ Thu Tâm tóm tắt về lịch sử và “đoạn trường” của làng phong này từ trước 75 đến nay, chúng tôi được ma sơ dẫn đi xem để hiểu về cuộc sống của các người bị bệnh phong ở đây.

Khi ma sơ đi ra phòng sau để cất giữ số thuốc men và dụng cụ y tế khiêm tốn của VINAHF tặng cho làng, tôi nói với 4 người trong đoàn: “Khi đến thăm, tụi mình sẽ đến nói chuyện và tiếp xúc trực tiếp với các người cùi, nếu bạn nào không thích thì có thể chờ đợi tại phòng khách này.”, nhưng không có ai e ngại và mọi người đều cùng đồng ý đi thăm và sẽ tiếp xúc với các bệnh nhân.

Ma sơ Tâm đưa chúng tôi đi và giải thích rất nhiều về cuộc sống “tự cung cự cấp” của họ và tuy sơ không nói, nhưng chúng tôi cũng hiểu được những khó khăn của các ma sơ phải lo toan hàng ngày để chăm sóc các người tại trại phong này. Chúng tôi ghé thăm nông trại, trò chuyện, họ rất vui vẻ và thích thú với công việc của mình. Sau khi chúng tôi đến thăm nơi ở và hỏi han chuyện trò với các người cùi “lành tính”, tuy các tay chân bị tê rồi rụng đi nhưng không bị lở loét, tôi hỏi sơ cho tôi đến thăm các bệnh nhân “ác tính”, ý tôi muốn nói các bệnh nhân bị lở loét.

Sơ Tâm hơi ngần ngại về yêu cầu của chúng tôi, Sơ hỏi lại để muốn biết chắc là chúng tôi có thật sự muốn (hay có dám) đến đó. Sơ Tâm báo trước, “Những bệnh nhân này vì lở loét cho nên ở đó có mùi rất khó chịu, không biết chú có chịu đựng được không?” Tôi trả lời: “Nếu sơ đến băng bó cho họ mỗi ngày được, thì chúng tôi đến chốc lát có gì mà không chịu được.” Sơ Tâm dẫn chúng tôi đi đến một căn nhà dài (đó là một căn phòng bằng gỗ được dựng theo kiểu nhà sàn) trong đó có từng giường dành cho các bệnh nhân bị lở loét. Bởi vì các vết thương thường xuyên rỉ máu, không lành cho nên tại đây luôn luôn có một mùi rất khó chịu, mà ngay các bệnh nhân lở loét phải ở chung nơi đây có khi cũng không chịu nổi. Nhưng một việc hàng ngày của sơ Tâm là đi thay băng cho các vết lở này trong căn nhà nồng mùi lở loét của da thịt. Tôi đến bên một giường nơi có bệnh nhân đang đau đớn bởi vết thương đang lở loét và sơ Tâm nâng lên một chân với máu đã loan thấm ra ngoài hết cả lớp băng thật dày và nói với tôi: “Sơ vừa mới thay băng xong đó mà bây giờ như thế này!” Nhìn bà cụ đang xoay trở để chịu đựng cơn đau hằn rõ trên nét mặt, khi vết thương tiếp tục rỉ máu, chúng tôi xót xa, không biết thân phận còn người có thể bị đọa đày hơn thế nào nữa.

Đoàn chúng tôi bước ra khỏi căn nhà vì những gì đã thấy có thể là cảnh một “địa ngục trần gian”. Tôi thầm nghĩ nếu không có sơ Tâm và các ma sơ thì các bệnh nhân như thế này sẽ ra sao? Có lẽ cảm nhận được tâm trạng chúng tôi, ma sơ muốn chúng tôi có một ấn tượng khác, nên đưa chúng tôi ghé thăm những người có cuộc sống may mắn hơn, cũng ở cùng trong một chung cư đó. Tôi nói chuyện với một cặp vợ chồng lớn tuổi nhưng trông họ “êm ái ru tình già”, họ sống vui vẻ và có con cái. Họ đã tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống cực kỳ đơn giản nhưng nhân phẩm được tôn trọng ở trong làng phong Eana này. Sơ Tâm tiếp tục dẫn chúng tôi xem những phương tiện mà sơ sử dụng để tận tay chăm sóc các bệnh nhân, thăm một phòng may của các người phong để họ tự may được áo quần và sau đó trở lại phòng khách. Bây giờ tôi mới để ý và đọc kỹ hơn, bên cạnh hình của Mẹ Theresa là hình một linh mục đã sống phục vụ cho người cùi, rồi linh mục này cũng bị cùi và qua đời và được chôn cất trong làng phong cùng với những người cùi. Tôi lại liên tưởng đến dì Hạnh của gia đình chúng tôi.

Trời lại về chiều mà chúng tôi còn đến một làng xa khác đang nuôi 28 trẻ em mồ côi, nên tuy tôi thích chuyện trò nhiều hơn với sơ Tâm, nhất là sơ cho tôi biết nhiều điều về cuộc sống, suy nghĩ và ước mơ của các người ở đây, nhưng chúng tôi phải tạm ngưng vì sơ còn muốn chúng tôi xem một nỗ lực của các sơ đang giúp cho các con em người cùi để các em không bị bệnh như cha mẹ của mình, lo các trẻ em được đi học và hội nhập vào xã hội bình thường. Các em thật vô tư, hồn nhiên nhưng không biết tương lai của các em ra sao vì có thể những quan niệm không đúng trong xã hội sẽ khiến các em sẽ cảm thấy bị xã hội xa lánh, ghê tởm và rồi như cha mẹ các em, họ đều tự nguyện tìm đến các làng cùi vì không chịu được sự tổn thương về tinh thần, về nhân phẩm do cách đối xử vô cảm của xã hội dành cho họ. Tôi liên tưởng một câu nói của Mẹ Theresa: “Căn bệnh lớn nhất hôm nay không phải là bệnh lao hay bệnh cùi mà chính là bệnh thờ ơ, lãnh đạm và không quan tâm (tính vô cảm đối với những người bất hạnh, người nghèo”. Đoàn chúng tôi chia tay các ma sơ và cầu chúc sơ Tâm và các ma sơ một Giáng sinh vui vẻ với đại gia đình làng phong Eana.

Từ câu chuyện xưa của Ba tôi, tôi luôn hình dung trong trí dì Hạnh là một ma sơ hiền, phúc hậu, nay có lẽ tôi đã gặp dì Hạnh của tôi qua một ma sơ Tâm điềm đạm, nhân từ và rất “hiền như ma-sơ”, tôi không biết dì Hạnh tôi, ngày xưa có đẹp như trong trí của tôi qua những bài thơ, bài hát lãng mạn về “dáng xinh xinh bao tiên kiều, quỳ ngân thánh vang ban chiều”, nhưng điều tôi biết chắc là dì Hạnh của tôi và sơ Tâm đều có một cái đẹp giống nhau, một cái đẹp mà chẳng bao giờ phai với thời gian, cái đẹp của tâm hồn và lý tưởng để phục vụ tha nhân. Có lẽ cả hai sẽ không có thì giờ để nói về công việc của mình, nhưng sự quên mình để phục vụ người khác của họ là một nguồn cảm hứng, sẽ giúp cho cho nhiều người khác noi theo để có cuộc sống phong phú hơn, hạnh phúc hơn, đặc biệt cho những ai muốn đi tìm một cái gì lớn hơn cả cuộc sống của chính mình.

Tôi về lại Mỹ sau hơn một tháng với một chồng thư từ phải đọc. Tôi lướt qua phần lớn các thơ “hậu xét” nhưng một thư gởi đến từ Việt Nam làm tôi chú ý, đó là thiệp chúc Giáng Sinh và Năm Mới từ sơ Tâm gởi cho VINAHF mà nhờ đó, nay tôi mới biết tên đầy đủ của sơ Tâm là Madeleine Trần thị Thu Tâm. Tôi nhớ lại, ma sơ có hỏi là làm sao VINAHF chúng tôi bên Mỹ mà biết được cái làng cùi ở tận vùng rừng núi xa xôi của Daklak này và ma sơ có yêu cầu tôi viết vào sổ lưu niệm và tên và địa chỉ của tôi và VINAHF nên nay tôi nhận được tấm thiệp này. Sơ Tâm thật chu đáo, nhưng tôi ái ngại cho số tiền cước lớn làng phong của sơ phải mất đi và công ra đến thành phố để gởi một thiệp Giáng Sinh đến cho hội VINAHF, tôi cảm động và nhớ lại chuyến viếng thăm, gặp sơ rồi chia tay, nhưng tôi sẽ nhớ mãi sơ Tâm, vẫn mỗi ngày tận tụy giúp cho các người bệnh phong chịu đựng được cơn đau đớn để sống hết cuộc đời bất hạnh, hay giúp mang lại niềm vui, hạnh phúc cho những gia đình khác trong làng phong mà xã hội đã ruồng bỏ và xa lánh họ.

Cám ơn “phần thưởng số mệnh” đã cho tôi gặp được dì Hạnh trong tâm trí của tôi qua sơ Thu Tâm. Tấm thiệp Giáng Sinh giản dị, chân tình của sơ Tâm làm tôi có cảm ứng để viết lên bài này với lòng thương yêu, sự kính phục và thầm biết ơn sơ Tâm và các sơ tại Eana, trong một buổi chiều trên vùng núi đồi cao nguyên, đã dạy cho tôi biết thế nào là lòng nhân ái và thế nào là phục vụ tha nhân.

Mùa Đông New Jersey 2014

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to top
Share via
Copy link
Powered by Social Snap