Trưởng Nguyễn Đức Quang đã Lìa Rừng

Năm nay chúng tôi về Washington D.C để xem Hoa Anh Đào nở nhưng thời tiết đúng vào ngày thứ Bảy không đẹp như các năm trước, bầu trời ảm đạm, không trong xanh, nắng ấm để thấy vẻ đẹp của “Hoa Đào Cười Gió Đông”. Phải chăng nó cũng là cái tâm trạng của tôi khi nhớ rằng hôm nay cũng là ngày đám tang của một nhạc sĩ mà tôi đã lớn lên với các bài hát của anh, Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, tôi ngậm ngùi, thương tiếc vì sự ra đi quá sớm của anh.

Mây đen bao phủ và trời đổ mưa, chúng tôi vội vã vào trốn mưa tại đài tưởng niệm Thommas Jeffeson. Nhìn trời mưa, các cành hoa anh đào tả tơi trong gió làm tôi liên tưởng đến anh NĐQ, anh đã sống qua một thời khó khăn của quê hương, đất nước tả tơi như cánh hoa trong gió nhưng anh đã “xin chọn nơi này làm quê hương” và dùng lời ca, tiếng hát của anh đã mang đến cho bao người niềm hy vọng “vươn dậy như triều dâng cho buồm căng xuôi trường giang” về một tương lai tốt đẹp.

Tôi tập tểnh hát các bài ca của Nguyễn Đức Quang khi mới học từ lớp 8, 9 nhờ sinh hoạt Hướng Đạo, hay ở các trại hè học sinh của Bộ Giáo dục Thanh niên. Những bài hát của Nguyễn Đức Quang khi cùng hát vang trong những sinh hoạt tập thể, các chuyến đi cứu trợ, hay khi làm các công tác xã hội gây luôn tạo ra một không khí sôi nổi, thúc giục mọi người hành động. Thế hệ tôi lớn lên có lẽ ai cũng ghi nhớ một câu hát nào đó của Nguyễn Đức Quang. Càng trưởng thành, tôi càng yêu thích các bài hát của phong trào Du Ca mà Hướng Đạo cũng đã sử dụng để giáo dục, khuyến khích cho tuổi trẻ phục vụ, những bài hát với nhịp điệu hay, lời nhạc rất dễ đi vào lòng người, các bài hát của NĐQ luôn gợi lên những tình cảm rất trong sáng, kêu gọi sự dấn thân, phục vụ.

Trải qua bao nhiêu năm, mỗi lần hát lại các ca khúc “khai phá” năm xưa, tôi vẫn còn cái nhiệt tình cho dù ngọn lửa thanh niên nay đã từ từ chuyển qua tráng niên.

“Ôi quê hương ơi đẹp tươi đứng trong trời đất,

Ta yêu quê ta thì đâu có bao giờ mất.

Yêu giống nòi mình lầm than mãi rồi!

Yêu khiến lòng chẳng biết sao nguôi”.

Năm 1973, lớp 12, vốn là một học sinh chỉ biết học, chưa bao giờ hát trước đám đông, hay làm văn nghệ, nhưng tôi cũng liều mình, cầm đàn lên hát trong chương trình văn nghệ ở trường Trần Qúi Cáp bài “Chiều Qua Tuy Hòa” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, cũng từ đó khi gọi tôi, các bạn gắn thêm “cái đuôi”, “Khiết, Chiều Qua Tuy Hòa”.

Sống và lớn lên ở miền Trung, bên cạnh dòng sông Thu Bồn, gần như mỗi năm tôi đều chứng kiến cảnh lụt lội gây tang tóc cho những người dân nghèo sống trong các làng ven sông. Lúc nhỏ, từ phía Hội An, tôi đã nhìn thấy dòng nước xiết cuốn đi các mái nhà tranh, tôi đã thấy những điêu tàn, xơ xát sau các cơn lũ lụt, cho nên khi nghe lần đầu tiên bài “Chiều Qua Tuy Hòa” tôi rất xúc động. Nhạc sĩ Nguyễn đức Quang, diễn tả rất trung thực với tình cảm xót xa “Ôi cùng đau lòng cùng hoang mang giữa khi khó khăn”. Đúng như câu nói: “Một bài hát hay giống như một bài nói chuyện của thiên thần”.

Nghe bài hát này, dễ cảm nhận được cái tình thương và nỗi đau của anh đối với cảnh thê lương của những người dân, anh diễn tả nhẹ nhàng nhưng rất cảm động, nỗi lòng của anh với những đau khổ của người dân đang gánh chịu cả vì chiến tranh lẫn thiên tai.

“Đường đi đưa tới phía Nam nhưng lòng triền miên ray rứt theo miền Trung.

Cầu xưa xơ xác sau cơn bão tố Người dân tan tác bên đường ngẩn ngơ!

Ôi bước buồn theo với không gian buồn Một đêm qua biết bao sầu thương…”

Không chỉ trong các sinh hoạt tập thể, những năm lớp 11, lớp 12, cả bốn, năm đứa bạn thân của tôi nhiều đêm khuya ngồi trong cảnh cúp điện, muỗi chích nhưng cùng nhau hát đến khuya những bài nhạc của Nguyễn Đức Quang. “Bên Kia Sông” là bài hát khá phổ biến của anh, nhưng ít phổ biến hơn là bài “Người Yêu Tôi Bệnh” mà chúng tôi rất thích ngân nga hai câu cuối của bài hát, như nhiều bài hát khác của anh, tôi thích nhạc Nguyễn Đức Quang ở các câu kết:

“Giờ còn có nhau giúp nhau cho thật nhiều,

Ngày nào mất nhau sớt chia chẳng được đâu…”

Như mọi người ở tuổi mới lớn, yêu lý tưởng, có hoài bão, rất tự nhiên, tôi yêu thích và hát theo các bài hát của các đàn anh, các trưởng Hướng Đạo, những bài ca ngợi tình yêu quê hương, lên án bất công xã hội, kêu gọi sự dấn thân, đấu tranh cho một trật tự mới, mà sau này mới biết được các bài ấy phần lớn là của Nguyễn Đức Quang, như các bài “Xin Chọn Nơi Này Là Quê Hương”, “Cho Đồng Bào Tôi”, “Im Lặng Là Đồng Lõa”, “Hy Vọng Đã Vươn Lên”, “Về Với Mẹ Cha”, “Không Phải Là Lúc”, “Nỗi Buồn Nhược Tiểu”, “Ruồi và Kên Kên”…

Bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” hùng tráng, vốn quá phổ biến và mọi người và mọi người đều biết tác động tích cực của nó. Có lúc tôi nghĩ bài này cũng có thể chọn làm bài quốc ca, bởi vì cứ mỗi lần hát lên nó làm cho mọi người thấy dâng lên niềm tự hào dân Việt để “khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người”, một ước muốn giữ cho dòng máu Việt bất khuất “từ thành Văn Lang dồn lại” không ngừng chảy qua bao thế hệ, cho dẫu đất nước có bị khốn khó, gian nan đến đâu rồi chúng ta cũng vượt qua được bởi do “còn Việt Nam triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng”.

Tuy nhiên bài hát “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” bị cấm sau 75 với sự đi “cải tạo” của Nguyễn Đức Quang, nhưng không phải là ngẫu nhiên sau mấy chục năm bài hát này cho dù không được nhắc đến, bỗng nhiên vang dậy ngay chính giữa Sài Gòn trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” lại được cất cao để nhắc nhở mọi người là “Ta như nước dâng, dâng tràn có bao giờ tàn” trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ lãnh thổ.

Không chỉ sống và lớn lên với cảnh “trời hành cơn lụt mỗi năm”, cảnh chiến tranh, bom đạn, khủng bố, pháo kích, gài mìn,… làm cái tuổi thơ lúc nào cũng lo âu. Con chó Nhật (Medor) nhỏ dễ thương của gia đình tôi còn phân biệt rõ tiếng đại bác mỗi đêm, tiếng nào là của “phe ta”, hay tiếng pháo kích khủng bố để chạy vô hầm trước khi còi báo động, thế mà cuối cùng nó cũng bị chết vì mảnh đạn pháo kích ngay trước cửa nhà.

Có lẽ không ai trong chúng ta không có người thân, bạn bè đã chết quá trẻ trong cuộc chiến qua, thường là bi thảm hơn trong các vùng “xôi đậu”. Bài “Người Anh Vĩnh Bình” của Nguyễn Đức Quang đã kể lại một câu chuyện rất thực, rất tiêu biểu. Cũng như bài “Chiều Qua Tuy Hòa”, bài “Người Anh Vĩnh Bình” được anh diễn tả rất cảm động, gợi lên niềm cảm thương cho biết bao nhiêu “Người anh Vĩnh Bình” không tên, thương cho cả gia đình anh, người vợ trẻ thành góa phụ, người mẹ già mất con, đứa con thơ mất cha, nỗi đau chung của cả dân tộc:

“Đêm lòng nghe lòng quặn đau lên giữa cơn mộng lành,

Ôi vì thâm tình cùng con dân sống trong chiến tranh.”

Năm lớp 12, đứa em gái tôi, Thanh Tuyết làm hoạt cảnh “Người Anh Vĩnh Bình” trong chương trình văn nghệ của trường nữ Trung học Hội An, đó cũng là một kỹ niệm rất dễ thương và đáng nhớ. Không nhớ Tuyết có được gọi là “Tuyết – Người Anh Vĩnh Bình” không?

Nếu như Plato đã nói: “Âm nhạc là sự rung động của âm thanh để thấm vào tâm hồn cho việc giáo dục các đức hạnh” (tạm dịch từ “Music is the movement of sound to reach the soul for the education of its virtue”) thì nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đã làm được điều đó. Những bài hát của anh không những đi vào lòng người, khơi dậy những tình cảm trong sáng, yêu đất nước, yêu quê hương, cảm thông nỗi khổ đau chung mà anh còn giáo dục được tinh thần dấn thân, phục vụ, đấu tranh cho một xã hội công bình, bác ái. Lời nhạc của anh như một bài công dân giáo dục, khi nhẹ nhàng khi hùng tráng khiến mọi người phải suy nghĩ về thái độ và trách nhiệm của mình, nó đi vào tâm hồn người hát và nghe để trở thành một chỉ nam hành động:

“Xin nhận nơi này làm quê hương dẫu chiến tranh

Xin nhận nơi này làm quê hương dẫu cho khó thương”.

Nhạc Nguyễn Đức Quang không than thở, chỉ nêu ra một thực tế đau lòng và kêu gọi tuổi trẻ hãy hành động để thay đổi, không chấp nhận “status quo”:

“Một địa cầu mới hãy mọc lên

Một thế giới mới hãy ra đời

Một nền hòa bình vĩnh viễn mau đến cùng ngưòi

Một đoàn người mới hãy vùng lên

Bài ca tranh đấu hãy vang rền

 và người vì người hãy chủ động nuôi lớn quê hương”

Nhạc của anh, người hát và nghe là một, chỉ là tiếng nói chung để mọi người cùng tham gia để làm thay đổi như chính lời của anh: “Loại thể nhạc của tôi không phải nhạc cho thu âm, mà là những bài hát về thanh niên, dành cho những sinh hoạt cộng đồng. Tiếng nói của tôi là tiếng lòng chung của người cùng thế hệ”.

Lời bài hát “Không Phải Là Lúc” là bài tôi rất yêu thích vì có sức mạnh thúc giục để hành động cho điều chúng ta mong muốn.

“Không phải là lúc ta ngồi mà cãi suông

Không tin nơi nhau thế ta định nhờ ai dẫn đầu

Thế giới ngày nay không còn ma quái

Thần tượng tàn rồi, còn anh với tôi

chúng ta đi tới bằng cái tầm thường thôi.

 Mình chậm chân theo sau người ta, còn ngồi đây nghĩ lo viễn vông

Thắc mắc, ngại ngùng đến lúc nào mới làm xong?”

Điều rất đáng buồn là mấy chục năm qua bài hát “Chuyện Việt Nam” của anh vẫn còn đúng cho dù chiến tranh đã chấm dứt từ lâu:

Chuyện Việt Nam ôi mấy mươi năm, mấy trăm năm hay đã hơn ngàn năm.

Mấy ngàn năm chưa thấy vẻ vang, trên đường đi vẫn còn tối tăm

Người sáng lập phong trào Hướng Đạo thế giới, cụ Baden Powell đã nói: “Hướng đạo một ngày, Hướng đạo mãi mãi!” Nguyễn Đức Quang là một tiêu biểu của cái Hướng đạo Mãi Mãi. Bắt đầu chơi HĐ từ năm 15 tuổi, anh viết ca khúc đầu tiên với ca khúc “Gươm thiêng hào kiệt,” dành cho phong trào Hướng Ðạo “Người đứng chống gươm thiêng, vì đại nghĩa quên mình” mãi cho đến cuối cuộc đời, trong tim anh vẫn luôn giữ lời hứa của một Hướng Đạo sinh, với ngọn đuốc thiêng soi đường:

…“Anh em ơi kìa nước non đang chờ, Anh em ơi Đại Nghĩa luôn tôn thờ, Chúng ta nguyện kiên tâm tiến lên”…

Tôi có ý định mời anh Quang qua New Jersey để giúp cho một chương trình gây quĩ cho hội VINAHF. Dù rằng tôi chưa bao giờ gặp mặt, hay nói chuyện trực tiếp với anh nhưng tôi luôn tin rằng khi sẵn sàng để mời anh, anh sẽ không từ chối bởi đó là tinh thần Hướng Đạo “Giúp đỡ mọi người không cứ lúc nào”. Tôi cứ nghĩ mình còn thời gian, trong khi cứ mãi lo nghĩ đến chuyện kế hoạch này nọ thì cuộc đời vẫn trôi theo cái lẽ “Vô Thường”.

Anh ra đi ở tuổi 68 cho dù vẫn được xem là “thọ” hơn những người đồng hành Du Ca với anh, nhưng vẫn quá sớm để ngọn lửa chất chứa trong các tiếng hát, bài ca của anh vội tắt vì một ngọn lửa khác “Ngọn Lửa Vô Thường!

Với tin buồn về sự ra đi đột ngột của anh, Internet nhanh chóng đưa tin về các hoạt động ở khắp nơi để tưởng niệm đến anh, những bài hát của anh đồng loạt được làm sống lại, tôi vui mừng vì thấy không phải chỉ thế hệ từ “tri thiên mạng” trở lên, mà hôm nay nhiều bạn trẻ cũng đã tiếp nối lời ca: “Không phải là lúc ta ngồi mà đặt vấn đề nữa rồi, Mà phải cùng nhau ta làm cho tươi mới”, những bài hát mà tôi cũng đã một thời sống với nó, hát với tất cả cái nhiệt tình của thanh niên, cho đến nay trí nhớ quên trước quên sau nhưng vẫn còn thuộc lòng nhiều bản nhạc của anh mà sinh hoạt ngoài trời thì không thể thiếu được, bởi nhạc Nguyễn Đức Quang “Đến đây không hát thì hò, không phải con sò ngậm miệng ngồi nghe” mà nhạc của anh thì đến con sò cũng mở miệng hát theo.

Anh tuy đã ra đi nhưng tiếng ca từ những bài hát của anh sẽ còn ở lại mãi mãi. Nhạc của anh, không những cho thế hệ đàn anh, thế hệ chúng tôi, mà còn cho những thế hệ kế tiếp, cho tất cả những ai chung một ước mơ muốn được:

“Cùng đi lay Trường Sơn. Cùng đi xoay Hoành Sơn,

Cùng đi biến ruộng hoang ra lúa thơm.

Vượt khơi ra đảo xa. Lướt ngàn nước non nhà.

Ta đắp bồi cho mẹ cha”.

Vĩnh biệt anh Quang, một Trưởng Hướng Đạo, con chim đầu đàn của “Phong Trào Du Ca”, anh đã vạch một đường bay trong bầu trời tối u ám, giông bão, như tia sáng trong cảnh tối tăm mang lại “Hy vọng đã vươn lên trong màn đêm bao ưu phiền”. Tôi viết bài này để cám ơn anh vì tôi đã may mắn trong số những con chim bay theo sự “hướng đạo” của anh, được anh giáo dục qua các bài ca, để “phải biết ái nhân như ái thân, phải biết vui tươi khi khó khăn” và cùng ngân nga theo những bài ca anh bắt giọng, nhưng rồi cũng như anh có lúc trái tim và cánh chim cũng sẽ ngừng đập, nhưng chắc chắn chim sẽ chẳng bỏ đường bay, vẫn theo anh, cùng với bao nhiêu người khác làm một gì điều đó cho cái ước mơ chung mà anh đã gói ghém trong các bài nhạc của anh.

Về ước mơ, tôi luôn nhớ đến các câu kết của bài hát về câu chuyện thương tâm của “Người Anh Vĩnh Bình”, tuy nhiên cái số phận bi thương của dân tộc cũng như cái bầu trời u ám, giông bão cũng sẽ qua, tôi tin rằng rồi sẽ có một ngày, tia nắng ấm mùa Xuân sẽ đến với quê hương, không phải ngẫu nhiên, mà nó đến từ những người theo tiếng ca của anh “Đi dựng lại cơ đồ, Giống da vàng là vua đấu tranh” họ từ khắp những nẻo “Đường Việt Nam ôi vô cùng, vô tận, đường ngang tàng ngoài biển Nam đến Trường Sơn” và sẽ viết tiếp bài hát của anh về điều mà “Người Anh Vĩnh Bình” mong muốn trong lá thư chưa kịp gởi cho gia đình :

Thư anh xa xưa định viết cho vợ đấy”

 Riêng câu sau đây theo ám theo tôi suốt ngày:Mong được thấy đàn bé, sống hạnh phúc lâu dài”…

Như trong bài “Giấc Chiêm Bao” của anh: “Qua ngày u ám sẽ sáng tươi trong nắng đầu”. Cơn mưa cũng vừa dứt, đám mây đen tan đi, bầu trời lại quang rạng với các tia nắng xuân, chúng tôi rời tượng đài Jeffeson tiếp tục đi hết một vòng quanh hồ Tidal Basin.

Tôi và Thùy Dương cùng rảo bước, nhìn những chùm hoa anh đào xanh trắng đã nở rộ quanh bờ hồ, sau cơn mưa dường như hoa còn tươi hơn lên trong ánh nắng, trả lại khung cảnh thơ mộng, hữu tình vốn có của mùa Anh Đào ở thủ đô, cảnh đẹp làm lòng tôi cũng lâng lâng, tôi hát thầm hát vài câu trong bài tình ca “Đứng Bên Tôi” của anh, khi đi bên bà xã :

“Đứng bên tôi, giữ lối đi dẫu cho chia vạn ngã

 Đứng bên tôi, giữ trái tim biết yêu thật đậm đà”

 và tưởng chừng như anh đang “Đứng Bên Tôi” với chiếc đàn guitar đệm theo tiếng hát thầm thì của tôi cho đến cuối bài.

Sẽ mang tình yêu này, vút bay về xa vời Đôi cánh uyên ương chứa chan nhiệm màu. Nối dài kiếp sau…”

Washington D.C Viết trước ngày hỏa táng Trưởng Hướng đạo,
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang Thứ Bảy ngày 2 tháng 4 năm 2011.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to top
Share via
Copy link
Powered by Social Snap