Những Thùng Khẩu Trang Ân Tình

Nhiều người đã biết về Chương Trình Micro Finance của VINAHF giúp người nghèo được vay vốn không lãi (CTCVKL) để chống thoát nghèo và CTCVKL vừa tròn 6 năm kể từ khi bắt đầu thử nghiệm tại Quảng Nam, sau đó mở rộng ra khắp nơi như hôm nay, tuy nhiên nếu biết cuộc hành trình “Odyssey” của người phụ nữ khuyết tật dưới đây, thì có thể xem CTCVKL đã bắt đầu từ năm 2008, qua việc giúp vốn để cô gái khuyết tật theo đuổi ước mơ cao đẹp của mình, khi tôi gặp cô Yến đầu tiên hơn 12 năm về trước.

Được giới thiệu của cô Hạ Nghi trong nhóm những người có chung sở thích, Hoàng đã chở tôi tìm đến tiệm may của cô Yến ở sâu trong một hẻm tại Đa Kao, cô thuê một phòng chật chội ngay trên “kênh nước đen” hôi hám của vùng Thị Nghè.

Tôi vẫn còn nhớ rõ câu chuyện Yến kể lúc đó, Yến có tật bẩm sinh đôi chân, không đi được từ bé và mỗi khi đến tiệm để được may áo quần, Yến luôn bị thương tổn vì cái nhìn, hay sự trêu chọc, cho nên từ nhỏ ước mơ của Yến là được học may để tự mình may cho mình áo quần, tránh bị tổn thương, xúc phạm mỗi khi phải đến tiệm may.

Yến thông minh, nên nhanh chóng thành một người thợ may rất khéo tay, nhiều người đã đến nhờ Yến may, từ đó Yến có một cuộc sống tự lập, thoải mái với thu nhập nhờ vào tài năng của mình. Tuy nhiên, Yến không dừng lại ở đây, nhớ lại những gì mình đã trải qua, những tổn thương, nỗi khổ về thân và tâm của bao nhiêu người khuyến tật (KT) đã chịu đựng, mà Yến tin rằng nếu có cơ hội, thì họ cũng sẽ sống tự lập được như Yến. Cho nên, Yến ước mơ có một cơ sở may để vừa làm việc và cùng lúc dạy may cho các người khuyết tật giúp họ có cuộc sống với đầy đủ nhân phẩm và có lẽ Yến là một trong những người tiên phong với việc lập một xưởng may đầu tiên thực sự cho người KT.

Xưởng may của Yến sẽ cạnh tranh với mọi cơ sở khác dựa trên chất lượng của sản phẩm theo qui luật thị trường, bởi Yến tin cô sẽ làm được điều đó, và tôi đã tin Yến ngay trong lần nói chuyện đầu tiên. Khi chúng tôi tìm đến, Yến đã và đang được giúp các em khuyết tật, Yến nói là hiện cô đang thiếu máy may, số máy hiện đang có chỉ đủ để sản xuất, nếu dạy các em khuyết tật thì không có máy để làm, cho nên cô rất cần thêm máy may để vừa làm hàng đảm bảo sự sống cho “cả nhà” và cho việc dạy may cho các em KT. Yến mong ước mua được thêm 4 máy may nữa và nói chỉ muốn mượn tiền thôi, chớ không xin, vì Yến không mượn đâu được.

Yến cần Hội chúng tôi giúp Yến, giúp các em KT, rồi sau này cô sẽ từ từ trả lại cho Hội. Đó chính là ý tưởng (idea) của Micro-finance.

Lắng nghe câu chuyện và hoài bão của Yến, tôi cảm nhận được nhiệt huyết, sự đam mê (a burning desire) của cô gái này và được tận mắt chứng các em KT đang chăm chú làm việc trong căn phòng chật chội, tôi nhanh chóng đồng ý sẽ “trút ống” số tiền của Hội để trang bị cho Yến thêm 4 máy may.

Trên đường về tôi hỏi Hoàng, không biết mình quyết định có nhanh quá không? Lúc đó, số tiền là rất lớn đối với với một Hội chưa có tên tuổi. Gần 13 năm kể từ ngày gặp gỡ hôm ấy, tôi vẫn theo dõi hành trình của Yến với nhiều thăng trầm, chông gai mà cô gái tật nguyền này phải đương đầu để biến giấc mơ mình thành hiện thực, đó một cuộc chiến đấu không cân sức mà Yến đã tự nguyện dấn thân với mong ước giúp được những người KT đồng cảnh ngộ. Không thể kể hết những gì Yến đã trải qua trong 13 năm qua, từ việc bị lừa gạt, chịu đựng sự bóc lột và sự cạnh tranh, có lúc rất khắt nghiệt và bất công cho hoàn cảnh cô thế của Yến. Ngoài việc tận dụng “chất xám” của mình, Yến là một người rất ngoan đạo, nên tìm được thêm sức mạnh ở đức tin. Yến kể tôi trong những lúc nguy nan, Yến đặt niềm tin vào Đức Chúa Jesus và nhờ được đỡ đầu của các Cha, cơ sở đã vượt qua lúc khó khăn và phát triển được như hôm nay. Đúng là: Hãy tự giúp mình và Thượng Đế sẽ giúp cho (“Help yourself and God will help you.”).

Yến đã làm việc với một nghị lực phi thường, đã tận nhân lực để đạt được mong ước, với một mục đích nhân ái, cao cả. Mỗi khi về Việt Nam, tôi luôn ghé thăm “nhà mình” là chữ mà Yến chỉ xưởng may khi nói chuyện hay gởi email đến tôi. Tôi có những buổi ăn cơm tối với cả nhà, dự các buổi học Anh văn do tình nguyện viên đến dạy tận nơi, vì các em và Yến không đi lại được. Yến rất cầu tiến, nhạy bén và biết lắng nghe, Yến bắt đầu học sử dụng email, học vi tính để chuẩn bị kịp thời khi cơ sở lớn dần và mọi việc đều sẽ thực hiện qua mạng, với công nghệ thông tin sẽ đi nhanh vào lãnh vực may mặc. Tôi luôn có ấn tượng về các cuộc nói chuyện hay trao đổi với Yến, cô kể tôi cách tối ưu hoá hệ thống may bằng việc chuyên môn hoá điểm mạnh của mỗi em khuyết tật, những sản phẩm rất sáng tạo, Yến đã nói với các em: “Chúng ta khuyết tật nhưng sản phẩm của chúng ta phải hoàn hảo”, “chúng ta có nhiều khách hàng vì chất lượng sản phẩm của chúng ta chớ không phải vì lòng thương hại”.Đúng như ý định ban đầu khi cô muốn lập một xưởng may mặc, tôi vui mừng với những thành công, từng bước đi lên của xưởng may, nhưng cũng đau lòng khi biết Yến phải chịu đựng nhiều bất công. Một lần ghé thăm, khi thấy dòng chữ tiếng Anh trên sản phẩm của “nhà mình”: “Các bạn mua sản phẩm này là đang giúp đỡ cho các người khuyết tật”, tôi tưởng đó là điều tốt đẹp cho “nhà mình”, nhưng sự thật không phải như vậy, qua trung gian, một công ty đặt hàng, mà Yến nói là giá rất bóc lột, nhưng Yến đành chịu phải làm, Yến kể thêm các chi tiết liên quan về đơn đặt hang mang danh nghĩa giúp người KT nhưng thực sự “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, Yến đã xót xa khi nói là: “Anh ơi, Người khuyết tật hiện nay là đối tượng dễ dàng bị bóc lột nhất!”Tôi cũng đã xót xa khi Yến có những trăn trở, hỏi tôi lời khuyên, nhưng tôi cũng bó tay trong xã hội nhiễu nhương, không giúp được gì. Mong rằng một ngày người KT sẽ được bảo vệ như câu nói: “Hãy nhìn vào cách xã hội chăm sóc người tàn tật để biết bản chất của một chế độ.” Trong chuyến về thăm “cả nhà” trong tháng 12/2019 tôi vui mừng khi cơ sở ngày càng “hoành tráng” trong căn nhà 3 tầng và bây giờ là Công ty May mặc Hoàng Tâm và được biết Yến sắp nâng cấp thiết bị, tôi yêu cầu và Yến vui vẻ để tặng cho chùa, nhà thờ nơi có các nữ tu là Thiện Nguyện viên (TNV) VINAHF đang cần máy may bền tốt (công nghiệp) mà tôi hứa sẽ cho và Yến đã giúp tôi giữ lời hứa với các TNV VINAHF, cả cho một gia đình nghèo ở Quảng Trị đang cần máy may.

Hôm nay, tại Mỹ, tôi nhận được thêm 1 thùng khẩu trang từ “nhà mình” – Biết hiện nay cơ sở may của Yến, đang bị ảnh hưởng nặng vì nạn dịch Covid19, xưởng chỉ còn may “cầm chừng” các khẩu trang, sử dụng dưới 50% công suất của xưởng, cho nên tôi đặt khẩu trang tốt, nhấn mạnh là Yến phải lấy theo đúng giá thị trường và xin được từ chối số khẩu trang Yến muốn tặng thêm, mà hãy dùng nó để giúp cho các em KT đang không có việc làm hiện nay, nhưng khi chúng tôi nhận và kiểm tra thì Yến cũng đã tặng thêm cho 20% hơn số khẩu trang đã đặt may.

Khi đại dịch hoành hành nước Mỹ, những người bạn ở đây cảm thấy chúng ta cần phải làm điều gì để đóng góp, giúp đất nước này đang đau đớn trong cơn đại dịch, kết quả từ suy nghĩ này là mấy ngàn khẩu trang đã kịp thời gởi đến các bệnh viện New York và New Jersey với sự hỗ trợ đáng kể của Hội Lotus School Foundation, một tổ chức có quan hệ tốt đẹp với VINAHF.

Khi tôi báo tin cho Yến về việc tôi có thể sẽ nhờ “nhà mình” may và gởi gấp hàng ngàn khẩu trang tốt, Yến đã mau mắn, rất sốt sắng trả lời là sẵn sàng để đáp ứng và rất vui khi cả “nhà mình” được chung sức với chúng tôi trong việc cung cấp khẩu trang cho các bệnh viện tại đây. Số khẩu trang đặt thêm lần này và hy vọng sẽ là đợt đặt hàng khẩu trang cuối cùng, để tặng các bạn bè, các hội đoàn, nhất là thân hữu gần xa đã giúp VINAHF nhiều năm qua và bà xã lại muốn có khẩu trang màu hồng “tươi mát” cho các bạn phụ nữ. Với tôi, mỗi lần tôi đeo khẩu trang của “nhà mình” tôi luôn luôn thấy một niềm vui khi nhớ lại lịch sử vì đâu tôi có khẩu trang đeo hôm nay, tôi không ngờ rằng có một ngày cơ sở may của Yến, lại giúp chúng tôi đến nhiều như vậy và thật là “kỳ diệu” của sự liên kết, vận hành của vũ trụ, “circle of life”, những người KT từ một “ổ chuột” ở hẻm Đa Kao, nay đã giúp được cho đất nước Mỹ này những khẩu trang khi họ đang cần nhất.

Có ai ngờ, những giúp đỡ VINAHF chúng ta mang về cho các người tàn tật, bất hạnh ở quê nhà, nay trở nên một nguồn lực để giúp lại nơi đây. Chúng ta quả đều có liên kết với nhau – (We are all interconnected!).

Nếu bạn trong số nhiều người đã, đang hay sẽ sử dụng khẩu trang này của “nhà mình”, thì luôn nhớ rằng khẩu trang này không chỉ bảo vệ cho bạn, mà chính bạn đã thật sự bảo vệ cho nhiều người khuyết tật tại Công ty May mặc Hoàng Tâm và chúng ta cùng chung là một nhân loại, “Tôi cũng là em và em cũng là tôi (TCS)” (we all are one).

Viết trong lúc dịch COVID19 đang hoành hành tại New York & New Jersey.

New Jersey tháng 04 năm 2020.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to top
Share via
Copy link
Powered by Social Snap