Chuyện Người Học Trò ở Trung Tâm Seatic

Phong

Vào đầu thập niên 80, sau khi Sở Giáo Dục buộc tôi nghỉ việc, tiếp theo mấy năm tận tụy làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu, rồi lại phải mất việc vì lý lịch “có vấn đề”, tệ hơn nữa là tôi suýt bị vạ oan sau chuyến đi Đông Âu. Công ty lúc đó bị một “scandal” lớn ở thành phố, và tôi có thể là vật tế thần (scapegoat), cho nên tôi biết mình sẽ không thể là một “công nhân viên” cho bất cứ công ty quốc doanh nào. Làm gì để nuôi sống gia đình bây giờ khi lý lịch tôi vẫn là một trở ngại để tôi có được công việc thích hợp.

May mắn, lúc đó chính phủ mới bắt đầu cho mở trường tư. Nắm lấy cơ hội này, tôi tham gia cùng với các người bạn đàn anh đã từng làm việc máy tính điện tử (IBM mainframe) ở Phủ Thủ Tướng từ những năm 60, mở một trung tâm dạy vi tính (tin học – PC computing). Đây là môn học còn rất mới đối với đại đa số thanh niên và “Trung tâm tin học SEATIC” là một trong những trung tâm (TT) đầu tiên ở Sài Gòn dạy tin học ( và có thêm Anh Ngữ) tên gọi thì lớn “trung tâm” nhưng khi bắt đầu chỉ có vài phòng học thuê được trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận Một.

Nhớ lại những năm tháng dạy ở SEATIC, tôi đã làm việc rất say mê, tôi dạy với trái tim nhiều hơn là từ kiến thức mà tôi cũng “vừa học vừa dạy”. Do việc phòng vi tính chúng tôi ở công ty Xuất Nhập Khẩu quận 3 đã làm được thành công việc điện toán hoá công việc kế toán và kiều hối, nên tôi đã được các trung tâm mời đến dạy với đề nghị “anh muốn giá nào tôi trả giá đó” nhưng tôi vẫn trung thành với SEATIC vì tôi thích mọi người làm việc ở đây, hơn nữa tôi cũng không đủ thời gian để đáp ứng với sự lớn mạnh của TT SEATIC.

Đa số học sinh là những người chuẩn bị đi xuất ngoại, họ học về máy tính (tin học) và lái xe theo lời khuyên của thân nhân, cho nên lớp học tôi có nhiều học viên cỡ tuổi của thầy giáo. Trong số đó, Phong là một học sinh trẻ, nhỏ tuổi. Phong ít khi gặp tôi sau các giờ học để hỏi như các học viên khác, tôi biết đến Phong do Phong thích làm bạn và đi chơi với Hoàng, Chánh là các nhân viên trẻ phụ trách phòng thực tập, phát hành các giáo trình của tôi. Vài lần chuyện trò với Hoàng, Chánh, tôi biết là Phong ham chơi và “quậy”, nhưng tôi không quan tâm.

Thực sự khá tốn kém để theo học các lớp vi tính, nhưng đối với những người sắp đi xuất cảnh thì họ có thể theo học được, có người học thử “vi tính là cái gì”, có người thật sự chuẩn bị cho tương lai. Tôi có nhiều học sinh rất nghiêm chỉnh, chăm chỉ nhưng không có Phong trong số đó.

 Không nhớ vì lý do gì, Phong có đưa tôi đến gặp Ba của Phong, trong buổi nói chuyện hôm đó, tôi rất có ấn tượng về thân sinh của Phong. Ông là một cựu sĩ quan cao cấp của chế độ cũ, đang chờ đợi ra đi HO trong đợt đầu tiên. Không phải vì thái độ rất “tôn sư trọng đạo” của ông dành cho tôi, nhưng phong cách và lối nói chuyện từ tốn của ông, cho tôi một sự kính nể ngay từ lần gặp đầu tiên. Ông rất quan tâm và hỏi tôi về việc học của Phong, làm tôi hơi bối rối, bởi vì tôi không thấy Phong xuất sắc trong lớp, chưa kể vẫn nghĩ Phong là “thằng Phong ham chơi”, không nói cho ông một “sự thật phũ phàng”. Khi ra về, ông nói tôi hãy gắng giúp cho cháu, vì ông đã biết: “Nó cũng còn ham chơi lắm.”

Nhớ lời gởi gấm và cảm tình của ông dành cho, tôi bắt đầu để ý đến Phong hơn nhưng quả thật Phong thích chơi hơn là thích học. Tôi hay nhắc nhở Phong và dặn các cộng sự hay đi chơi với Phong, nên giúp cho Phong và cho em được ưu tiên dùng máy tính thực tập, vì giờ máy thực tập lúc đó rất quí và tốn kém.

Tôi rời SEATIC với sự bất ngờ của mọi người ở TT SEATIC, họ cứ nghĩ tôi rời SEATIC để nhận một công việc mới với lương rất “hậu hĩnh” mà tôi có chia sẻ với một nhóm nhỏ trước đó. Do tôi tốt nghệp thủ khoa lớp huấn luyện đầu tiên về “Khoa Học Thông Tin” (Information Science) của Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) cho Việt Nam kể từ sau 1975. Khoá đào tạo này đáng kể bởi vì Việt Nam bị quốc tế cô lập trong một thời gian dài. Tôi đã được tiếp xúc để chuẩn bị làm việc cho dự án tin học hoá sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng sự thực là tôi sẽ không đổi việc mà sẽ đi Mỹ, và chỉ chia sẻ với một nhóm rất nhỏ những người gần gũi đã làm việc với tôi ở TT SEATIC.

Tôi rời SEATIC khi TT bắt đầu chấp cánh, lớn mạnh, thêm nhiều phòng học và lớp học mở liên tục suốt ngày, Ban Giám Hiệu đang có chương trình phát triển mạnh hơn nữa. Từ lúc qua Mỹ tôi “bặt vô âm tín” với rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè, học sinh ở SEATIC bởi vì tôi quá bận rộn, dành hết nỗ lực “đấu tranh này là trận cuối cùng” cho tương lai gia đình tôi ở Mỹ.

 Sau 10 năm, tôi trở lại VN, trùng hợp với đám cưới con gái của của một người thầy dạy ở SEATIC, nên tôi đi dự, SEATIC nay có cơ sở rất “hoành tráng”. Tại đây, tôi gặp lại Hoàng, và qua Hoàng tôi biết tin các đồng nghiệp, học sinh cũ trong đó có Phong đang ở Mỹ.

Tôi liên lạc được Phong, và ngạc nhiên về “thằng Phong ham chơi” ngày nào, nay cũng đã ra trường ở một đại học có tên tuổi ở Boston, Massachusetts, và đang làm một công việc rất lý thú, đang rất “hot” (có nhu cầu cao). Phong làm về bảo vệ, an toàn mạng máy tính, cho một công ty tài chánh hàng đầu, đang quản lý các tài khoản tiết kiệm của các công ty ở Hoa Kỳ (Fidelity Investments). Tôi cũng thăm hỏi Ba em, và biết ông cũng đang sống thanh thản tại Boston.

Phong kể tôi nghe việc em đã chuyển từ “ham chơi” sang “ham học”, cũng là một vô thường trong đời và tôi rất mừng khi em đã biết tận dụng những ưu điểm của xã hội Hoa Kỳ này, nhất là các cơ hội quí báu dành cho những người di dân để xây dựng thành công cuộc sống mới, đạt được “Giấc mơ Mỹ”. Tôi nghĩ đến Ba Phong, ông sẽ rất vui khi Phong học hành thành đạt như ông hằng mong muốn, đó là điều tôi đã không làm được lúc cho Phong ở Việt Nam.

Phong luôn ghé thăm tôi mỗi khi Phong đưa gia đình đến New York chơi, hay đi xuống phía Nam. Chuyện trò nhiều với Phong về chuyên môn, tôi thấy cũng bắt đầu “lão lai tài tận” so với tuổi trẻ. Ngay việc lái xe và “parallel parking” ở thành phố New York mỗi khi đi chơi thì Phong: “Thầy để cho em!

 Tôi có các học trò thành công ở Mỹ nhưng tôi rất cảm kích về tấm chân tình của Phong, và kể cả cách đối xử rất “tôn sư trọng đạo” em đã dành cho tôi, mặc dù chắc gia đình em đã tốn tiền cho tôi nhiều hơn là kiến thức em thu thập được từ các lớp học ở SEATIC của tôi.

Tôi không ngạc nhiên lắm về sự trưởng thành, chững chạc của em, vì tôi đã có ấn tượng về Ba em “Like father, like son” (con nhà tông không giống lông cũng cánh). Từ đó, chúng tôi hay liên lạc với nhau. Trong cuộc đời dạy học, tôi có nhiều học sinh, nhưng cho đến nay, trong ngày nhà giáo, hay sinh nhật.. chỉ có vài học sinh gởi chúc mừng – Phong và Hoàng luôn luôn là người còn nhớ người thầy cũ SEATIC.

Có lần, Phong có tâm sự với tôi về nỗi buồn của vợ chồng trong việc khó khăn để có con, và em ý định xin con nuôi vì nghĩ có thể không còn hy vọng, và nỗi đau của mỗi lần hy vọng rồi thất vọng. Tôi rất tán thành với ý định xin con nuôi, vì đó là một nghĩa cử cao quí, làm phước cho một người. Trong lần đó, tôi chia sẻ với em về công việc của Hội VINAHF đang giúp định kỳ cho vài trại mồ côi ở VN, mà tôi đã đến thăm tận nơi, và hứa, khi em quyết định xin con nuôi, tôi cố gắng hết sức để giúp cho em.

Phong biết nhiều hơn về hội VINAHF, và từ đó Phong thường xuyên đóng góp giúp đỡ cho hội VINAHF nhưng biết em theo đạo Phật, tôi khuyên em thỉnh thoảng đến Chùa và cầu nguyện vì tôi có nghe nhiều phép lạ về chuyện lên chùa “cầu tự”. Tôi vẫn mong gia đình em có được một đứa con.

 Và “phép lạ” đã xảy ra, tôi vui mừng ngày em có được cháu gái đầu tiên, và hôm nay cháu đã 3 tuổi, rất kháu khỉnh. Phong gởi hình cháu đều đặn cho tôi, và Phong vẫn tiếp tục giúp cho các trẻ em mồ côi ở VN qua VINAHF hàng năm, ủng hộ tôi trong các cuộc gây quỹ VINAHF. Trời chìu lòng người, Phong nay không cần con nuôi nữa.

Thêm một cháu gái, tôi vui mừng với hạnh phúc của gia đình Phong. Em vẫn thường gọi nói chuyện với nhau. Phong biết lắng nghe, và hay hỏi ý kiến tôi về những quyết định quan trọng trong công việc, tôi luôn luôn chia sẻ với em các kinh nghiệm có thể giúp em đi lên, hay đối phó với những bất lợi, nhất là với các “politics” ở các công ty lớn, ngược lại, em cũng giúp tôi với những nhận định, phân tích trong việc đầu tư ngắn hạn, và dài hạn vì em rất am hiểu và “guru” trong lãnh vực này.

Cách đây mấy hôm, Phong cho biết sẽ gởi tiền cho một bà cụ già nào đó qua hình chụp của Hoàng mà tôi không hiểu rõ lắm. Sau đó, Hoàng giải thích là Hoàng đi tập thể dục rất sớm mỗi sáng và thấy cảnh bà cụ đang loay hoay với đủ các loại tạp hóa rẻ tiền trên một chiếc xe đẩy. Hoàng chụp hình và post lên facebook. Phong xem được và cảm thương bà cụ nên nhờ Hoàng qua VINAHF chuyển đến số tiền giúp Bà ăn Tết.

Một đoạn trong email của Hoàng cho Phong:

Sáng nay anh đã tìm thấy bà cụ, câu chuyện của bà như sau:

Bà tên Trần thị Bê, 81 tuổi, là một cư dân sông nước Sài Gòn từ nhỏ đến lớn, bà có 4 người con 2 trai, 2 gái nhưng tất cả đều quá nghèo khổ nuôi con không nổi nên bà cụ phải tất bật sớm hôm, nhiều lúc bà còn phụ những đồng tiền ít ỏi kiếm được của mình để nuôi cháu. Cụ phải thức dậy từ lúc 4 giờ sáng đẩy chiếc xe hàng từ Vĩnh Hội (cuối đường Tôn Đản, quận 4) đến chợ Xóm Chiếu gần 1 tiếng đồng hồ để bán, vì tuổi cao cụ chỉ bán được 1 buổi sáng, mỗi buổi kiếm được từ 50 đến 80.000 VND.

Tuy vậy, sức khỏe cụ khá tốt, trí óc minh mẫn, tai thính, mắt tỏ, không đau nhức gì cả, nhà cụ khá nhỏ nên mỗi ngày khi đi bán về, cụ phải đi lang thang ngoài đường để dành chỗ cho các con buôn bán trước nhà. Chỉ đến tối khuya cụ mới nghỉ ngơi được và 4 giờ sáng lại phải dậy đi bán rồi.

 Nhìn hình ảnh bà cụ trên 80 còn phải buôn bán tảo tần từ sáng sớm đến tối khuya, tôi nhớ đến chuyện Mạnh Tử khi nói về việc trị quốc, Mạnh Tử đã khuyên vua, hãy nhìn vào những người già, khi trên đường vẫn còn những người già quá tuổi mà còn phải làm lụng vất vả để mưu sinh thì đó là dấu hiệu của một xã hội không được quản lý tốt đẹp.

Tôi nhớ đến câu này để xem đất nước mình ra sao mỗi khi về VN và suy ngẫm câu nói của Khổng Tử: “Trong một đất nước được quản lý tốt đẹp, tình trạng nghèo nàn là điều đáng hổ thẹn, còn trong một đất nước nhiễu nhương thì sự giàu có là một điều hổ thẹn.”

 (In a country well governed, poverty is something to be ashamed of. In a country badly governed, wealth is something to be ashamed of. )

Như đã nói Phong hay gởi lời chúc Tết đến tôi, nhưng tết Quí Tỵ này Phong đã gởi sớm cho tôi một thiệp Xuân có rất ý nghĩa, đó là món quà Tết bất ngờ cho một bà cụ già bán rong suốt trong một ngày dài trên đường phố Sài Gòn. Với tôi đó là một hương vị Tết ngọt ngào còn giữ được lâu.

Tôi không những vui mừng khi thấy nụ cười rạng rỡ của bà cụ già khi nhận món quà tết bất ngờ từ Phong, nhưng điều tôi vui hơn là thấy người học trò cũ của tôi đã có một tấm lòng nhân ái, sẵn sàng chia sẻ may mắn của mình và luôn giúp người kém may mắn khi có dịp, đây không phải là lần đầu tiên Phong đã làm, nên tôi tin sự Phong càng thành công thì sẽ có thêm nhiều người nghèo được giúp đỡ..

Tôi cũng tin rằng, sẽ đến một tuổi nào đó, Phong nhìn lại cuộc đời mình, bên những thành đạt khác trong công việc, cùng với niềm tự hào chính đáng cho những thành quả trí tuệ của Phong đã góp phần để bảo vệ an toàn cho các hệ thống máy tính, còn có sự mãn nguyện khác, đó là niềm vui lâu dài từ việc em đã âm thầm giúp cho một vài cuộc sống vô danh, để họ bớt khổ hay giúp để bảo vệ nhân phẩm cho những người nghèo không hề quen biết, không tên tuổi, mà em và họ chẳng khi nào gặp nhau. Em sẽ tìm thấy niềm vui hạnh phúc trong cuộc sống qua các công việc âm thầm này, theo nghĩa: “We make a living by what we get, we make a life by what we give.” (Churchill).

Phong cũng cho tôi niềm vui và niềm hãnh diện khác khi tôi giới thiệu những người bạn tôi đến Phong, lúc Phong về VN, hay các bạn bè qua Mỹ gặp Phong, sau đó luôn nhận được những lời khen tặng tốt đẹp về tính tình, phong cách và cách cư xử của Phong đến những người bạn của tôi. Phong luôn làm tôi hài lòng mỗi khi có việc phải nhờ đến em. Tôi từng là thầy của em, nhưng thực ra tôi cũng học lại từ em trong cách xử thế, cách đón tiếp, xã giao với những người chưa hề quen biết.

Tôi vẫn yêu thích nghề đi dạy học, và nếu may mắn tôi còn trở lại đứng lớp thì có lẽ tôi đã có bài học từ Phong, để có một cái nhìn khác về các em học sinh “ham chơi hơn ham học”. Nhân duyên tôi gặp lại Phong, và chúng tôi có một quan hệ rất tốt đẹp giúp cho cuộc sống cả hai đều phong phú, tôi tin rằng việc giáo dục chân chính, nhất là việc làm từ trái tim, nếu không mang lại kết quả ngay trong một năm học, qua một kỳ thi, thì vẫn hy vọng, chờ đợi là nó sẽ mang lại các kết quả lý thú bất ngờ mấy chục năm sau.

Chuyện Phong đã âm thầm giúp cho một bà cụ già ăn Tết, đã gây cảm hứng, tôi ghi lại vài dòng về một việc làm có ý nghĩa, một chuyện vui trong ngày, nhất là những phần thưởng cho người thầy giáo khi có được một người học trò có lòng biết ơn và tình nghĩa.

New Jersey - Những ngày gần Tết Quý Tỵ

Phong

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to top
Share via
Copy link
Powered by Social Snap