Viết về Má Tôi

Nghe trên TV loan tin việc chiếc cầu ở Minesota bị sập. Do có quen với một người bạn ở gần đó và biết hàng ngày họ thường đi lại qua cầu này nên tôi gọi điện thoại hỏi thăm. Câu chuyện tình cờ đưa đến một số người Việt Nam ở trong vùng mà tôi có thể quen biết. Sau đó tôi nhận được điện thoại, bắt lên tôi nghe một tiếng vui mừng trong phone, "Anh Khiết, chị Dương hả, em đây, út em đây, anh nhớ em không?". Tôi nhớ ngay ra cô bé ngày xưa, gia đình em thật khó khăn do cha bị đi học tập cải tạo và chết trong trại, bà mẹ với một đàn con nheo nhóc ở nhà.

Lúc đó, tôi đã có bé Na, đứa con đầu lòng và cũng đang "chạy cơm từng bữa" nhưng cũng gắn "lá rách đùm lá nát". Vợ tôi - Thuỳ Dương - muốn cô bé thỉnh thoảng chạy qua để vo gạo, nấu cơm, hay giặt vài cái áo của con tôi. Câu chuyện vui vẻ vì "tha hương ngộ cố tri", Út em hỏi tôi nhiều về bé Na và nhắc đến các chuyện cũ, em nói là em nhớ hoài và mong gặp lại anh chị và bé Na. Tôi nghe giọng nói biết em vẫn còn nhiều xúc động khi nhớ lại câu chuyện lúc em còn "hàn vi".

Chiều hôm đó, sau một ngày dạy học, tôi ghé qua nhà bà ngoại để chở bé Na và Thùy Dương về nhà, ban ngày tôi đi làm hay gởi bé Na bên bà ngoại, đến tối mới về cái phòng mà gia đình người bạn - Hải & Trang - thương tình đã cho chúng tôi tá túc nhiều năm ở cư xá sỹ quan, đó là "mái ấm gia đình" của chúng tôi. Trước khi về, Bà ngoại nhắc Thuỳ Dương, "nói cho Khiết biết nghe!"

Tối hôm đó, Thuỳ Dương với vẻ "nghiêm trọng" nói với tôi, "Con Út nó ăn cắp đồ". Tôi luôn thương Út do hoàn cảnh gia đình nhà em. Ngoài việc làm cho gia đình tôi qua lại ở nhà bà ngoại thường xuyên, Út cùng với các chị em còn đi bán thuốc lá và vé số. Có lần tôi thấy chỉ có một vài bao thuốc lá trong cái thùng bán rong của gia đình em, tôi hỏi em chỉ có chừng đó thì bán được gì? Út em nói, em chẳng có tiền mua thêm, tôi rút hết số tiền ít ỏi trong túi cho Út và nói em lấy đi về mua thêm, số tiền tôi đưa chắc cũng chỉ mua được thêm 2 bao thuốc nội địa, em ngần ngại. Tôi nói cứ lấy đi và em nhận lấy, lời cám ơn tôi nhận được qua ánh mắt thơ ngây ấy.

Việc Thuỳ Dương nói Út "ăn cắp" làm tôi hơi ngạc nhiên về em, em qua lại nhà bà ngoại như người nhà, nơi tất cả những đồ đạc gì của chúng tôi cũng ở bên đó và không bao giờ tôi để ý, coi chừng.

Tôi muốn hiểu rõ hơn vì không tin Út em là "đứa ăn cắp". Tôi hỏi Thuỳ Dương: "Út nó lấy gì?", Thuỳ Dương nói bà ngoại "bắt quả tang Út lấy thuốc bổ của Má gởi về cho anh".

Tôi hơi bàng hoàng, như vậy là có thực rồi. Thỉnh thoảng, ba Má tôi ở Úc vẫn gởi về các thùng quà để "cứu trợ" cho gia đình chúng tôi, Ba Má nghĩ chúng tôi vì ăn uống thiếu thốn nên sẽ cần thuốc bổ. Quả thực là vậy, nhưng phần lớn tôi đều bán hết để mua sữa hay các thứ cần thiết nuôi bé Na và cố giữ lại một hộp nhưng lại cũng không uống thường xuyên vì tính tôi vẫn không thích uống thuốc. Út biết mọi thứ trong nhà vì toàn bộ tài sản chỉ "đếm trên đầu ngón tay." Không hiểu sao, sau khi nghe việc này, đầu óc tôi lại liên tuởng ngay đến một câu chuyện khác của Má tôi. Một câu chuyện thật xưa lúc bà còn trẻ, nhưng tôi vẫn còn nhớ mãi từ lúc nghe bà kể.

Má tôi kể rằng, ngày xưa ở Tùng Lâm, gia đình ngoại tôi là người có ruộng đất và cứ mỗi năm đến mùa gặt là bà ngoại phải thuê nhiều người tá điền đến phụ giúp để gặt và đưa lúa vào trong các bồ chứa. Má tôi, các cậu, dì luôn luôn phải tham gia làm việc đồng án và đồng thời "giám sát" quản lý những người đến phụ việc. Má tôi kể lại, một hôm Má tôi "bắt quả tang" một chị nông dân đã lén giấu thóc trong người để mang về nhà. Má tôi biết được nhưng nhìn cái vẻ nghèo nàn của chị bỗng động lòng thương và nói với chị: "Lần này chị cứ giữ đem về đi, nhưng chị phải cẩn thận nghe, nếu mẹ tôi mà biết được, thì chị sẽ không còn được làm việc nữa đâu!"

Má tôi để người đó đi về với số thóc gạo "ăn cắp" của bà ngoại và giữ kín việc đó. Câu chuyện tôi nghe không biết lúc mấy tuổi nhưng vẫn còn nhớ như cái hạt giống về lòng nhân ái của Má đã gieo trong trái tim tôi, biết thông cảm và xót thương người nghèo.

Nói theo Đạo Phật thì Tâm của tôi đã được tích luỹ và huân tập (xông ướp) từ việc chứng kiến nhiều việc làm của Má tôi, mà câu chuyện "ăn cắp thóc" này chỉ là một tiêu biểu trong bao nhiêu chuyện khác mà tôi đã nghe và chứng kiền khi lớn lên.

Tôi trở lại khi nghe Thuỳ Dương hỏi tôi "Anh nghĩ sao?" Tôi biết Thùy Dương cũng thương Út em lắm. Tôi nói qua loa "Để xem, có gì anh hỏi Út em". vài ngày sau khi đi làm về, gặp Út em tôi kêu lại và hỏi riêng: "Em có cần thuốc bổ không?" Em rưng rưng nước mắt ấp úng nói chị hay mẹ em bị đau cứ ấp úng không nói hết lời. Hộp thuốc "ngoại" này cũng gần hết, tôi trút ra cho em phân nửa và giữ lại một nửa. Tôi chỉ biết là em "ăn cắp" vì thương chị hay mẹ đang đau, gia đình quá nghèo nên chắc em hy vọng mấy viên thuốc bổ ngoại quốc này sẽ làm cho mẹ hay chị em mau lành bệnh. Tôi cũng có thể làm như vậy khi tình thương gia đình, sự hiếu thảo bắt buột.

Một lần nữa, tôi đã nhìn và giải quyết công việc theo cái Tâm mà Má tôi đã huân tập. Sau đó tôi nói với Thuỳ Dương và bà ngoại bé Na, tôi cho Út em thêm thuốc và cứ giữ Út lại làm việc, Thùy Dương đồng ý với tôi.

Út tiếp tục qua lại giúp đỡ gia đình tôi cho đến ngày chúng tôi được rời Việt Nam. Khi về Việt Nam cách đây 7 năm, tôi có ghé thăm gia đình em nhưng nghe hàng xóm nói gia đình được đi diện HO và họ nói gia đình nghe nói nay khá lắm, tôi thầm mừng cho gia đình em "sông có khúc, người có lúc" và mãi đến nay mới được điện thoại của em từ Minessota nhờ quen biết qua người bạn cũ từ ngẫu nhiên của câu chuyện chiếc cầu gãy.

Hôm nay, Út không còn như xưa và tôi tin rằng gia đình em sẽ còn thành công hơn như nhiều người khác đến với "thiên đường Mỹ quốc" qua diện HO vốn đã từng trải qua "con đường đau khổ". Út nhắc lại chuyện cũ, cũng là một thời "hàn vi" của gia đình tôi, tôi vẫn nhớ em đã cùng với gia đình tôi sống qua những tháng ngày thiếu thốn, tuy nhiên chúng tôi đã không thiếu thốn tình người, lòng nhân hậu mà Ba Má tôi đã gieo những hạt giống từ khi chúng tôi còn rất nhỏ.

Ngày Vu lan sắp đến nhớ đến Má tôi, người đã nuôi dưỡng cái Tâm Từ cho tôi, không chỉ là lời răn dạy, mà còn từ các suy nghĩ và việc làm trong bao năm sống gần Má. Cái TÂM mà tôi được Má nuôi dưỡng đã mang lại cho tôi biết bao sự thanh thản, bình an và giúp tôi vượt qua nghịch cảnh.

Tuy cố gắng tâm niệm việc giúp đỡ đúng như "Tam Luân" của đạo Phật, tôi vẫn thường hay nhận được cách biểu lộ lòng cám ơn chân tình hoặc qua thư từ, ánh mắt, hay bằng lời như câu chuyện với Út em. Cứ mỗi khi như vậy, tôi thầm nghĩ những lời cám ơn này nên dành cho Má tôi và tôi chỉ cầu mong sao những hạt giống nhân ái truyền từ Má tôi, lại sẽ còn tiếp tục gieo vào các con tôi, mà tôi biết sẽ đến một lúc nào đó, các con tôi cũng như tôi hôm nay, ngộ được không phải là tài sản, không phải địa vị, chẳng phải bằng cấp mà là lòng nhân ái trong tim là suối nguồn hạnh phúc và tôi không thể diễn tả hết được sự biết ơn đến Ba Má tôi đã khơi mạch cho giòng suối đó từ thuở ấu thơ.

Cũng là một qui luật của lẽ vô thường, tất cả những gì thân thương, qui giá nhất đối với mình rồi cũng thay đổi và sẽ chia tay. Tôi không còn may mắn còn được sống gần khi Ba Má tôi ở tuổi già, nhưng ở bất cứ nơi đâu, mạch nước trong tâm tôi cũng trở về nguồn tình thương vô tận của Ba Má, một sự trở về vĩnh viễn như câu thơ của Tản Đà: "Non xanh đã biết hay chưa Nước đi ra bể lại mưa về nguồn."

Mùa Vu lan sắp đến, lại có những sự việc ngẫu nhiên xảy ra, thành cảm hứng cho tôi viết lên vài dòng để nói cho Má biết lòng yêu thương và biết ơn của tôi, Má đã nuôi dưỡng cả thân lẫn tâm cho tôi đến hôm nay. Tôi dự định lên chùa ngày lễ này, gắn một hoa hồng lên áo và nghĩ đến Má tôi, người mẹ tuyệt vời mà anh em chúng tôi đã nói với Ba tôi rằng, quyết định sáng suốt nhất trong đời của Ba tôi là đã chọn cho chúng tôi một người Mẹ.

Đứa con thuở nhỏ hay bướng bỉnh của Má.

Mùa Vu lan 2007

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to top
Share via
Copy link
Powered by Social Snap