Viết về Na

Sinh nhật Emily, Na thu xếp công việc lái xe về nhà để mừng sinh nhật em.. Lên xe của Na, để Na lái cho cả gia đình đi ăn tối, thấy một vết trầy dài trên chiếc xe Honda vẫn còn mới của Na. Ba hỏi: “Chuyện gì xảy ra vậy Na?” Na trả lời: “Con quên nói cho Ba, con sẽ kể…

Như thường lệ, Ba với Na vẫn luôn có những cuộc chuyện lý thú khi đi chung trên xe về đủ đề tài. Trên xe Na nói lại chuyện xảy ra.

Một buổi chiều trên đường về sau một ngày làm việc, lại là một ngày dài cho Na với vài chuyện không hài lòng, áp lực công việc và mệt mỏi với khối lượng công việc.

Trên đường về, một người tài xế của một chiếc taxi trong thành phố New York vì không ra tín hiệu (signal) đúng nên khi Na vượt lên, xe ông đã lấn sát và đụng vào xe của Na, gây một vết trầy dài vào sườn xe. Na quá giận và bước xuống xe, nỗi bực mình của một ngày dài làm việc nay lại có cơ hội để trút ra. Na hơi lớn tiếng với người tài xế, nhất là khi thấy vết trầy dài trên xe do sự bất cẩn và việc lái xe không thành thạo cần phải có của một người tài xế ở thành phố New York.

Nhớ lời Ba dặn gọi cảnh sát khi có tai nạn, nhất là đây hoàn toàn do lỗi của người tài xế kia. Na gọi cảnh sát sau khi chỉ rõ lỗi của người tài xế. Người tài xế biết lỗi của mình và chỉ trả lời vài câu ngắn tiếng Anh không rõ ràng, với tiếng Anh “broken” (không đúng) của anh, Na biết đó có thể là một người mới di cư qua Mỹ và anh dùng chiếc xe taxi của mình và chở người bạn gái đang ngồi trong xe. Bề ngoài và trang phục của họ, dễ dàng cho thấy họ là các người theo đạo Hồi (Muslim). Na nhận thấy vẻ lo âu của người tài xế và cô bạn gái ngồi trong xe. Cơn giận của Na nhanh chóng lắng xuống, thay thế bằng niềm cảm thông khi thấy hai người không nói rõ được tiếng Anh, hai chữ “xin lỗi” cứ lặp lại, nhưng quá trễ, cảnh sát sẽ đến trong vòng vài phút. Na nhìn chiếc xe bị trầy trụa, đoán biết đây tài xế là một người mới qua định cư, có lẽ mới hành nghề tài xế. Nhìn vẻ lo âu của hai người khi biết cảnh sát đến làm biên bản về lỗi của mình, biên bản này thể ảnh hưởng đến công việc mưu sinh của họ. Na muốn bỏ cuộc gọi.

Na kể tiếp…

Nhưng đã trễ, cảnh sát đến ngay. Theo thủ tục, cảnh sát phải ghi nhận cả hai lời khai và căn cứ vào hiện trạng để phán đoán, kết luận. Tuy nhiên sau cái nhìn ban đầu với hai người kia rồi thêm cái tiếng Anh “broken” của họ, người cảnh sát dường như không hề đếm xỉa gì đến họ hay lời khai, mà chỉ tin và ghi hết những gì con nói. Đến đây, thì con thấy cái gì đó không đúng, rõ ràng hai người kia đang bị phân biệt đối xử dựa trên cảm nhận của người cảnh sát về cái bề ngoài có thể nói lên cái background, về gốc gác hay tôn giáo của họ.”

Na từ việc cảm thông chuyển sang thái độ không bằng lòng về việc họ bị đối xử như vậy và thấy phải bảo vệ họ khỏi sự bất công này, không muốn gây cho họ bất cứ thương tổn nào thêm. Na nhấn mạnh và yêu cầu người cảnh sát ghi vào biên bản “không ai có lỗi”, cho dù người cảnh sát hơi ngạc nhiên và hỏi lại Na hai lần nếu Na muốn vậy, Na xác nhận – “No one’s fault” (không ai có lỗi trong tai nạn này). Na nói là chỉ gọi làm report, không hề có “complaints” (khiếu nại) hay buộc tội gì người tài xế kia. Na biết nói như vậy xe Na sẽ không được bồi thường, Na nói với Ba tiếp bằng tiếng Anh: “Lúc đó con có thể nói bất cứ điều gì để buộc tội người tài xế kia thì xe con sẽ được hoàn toàn bồi thường (của bảo hiểm phía người tài xế), nhưng nếu phạm lỗi này, họ có thể sẽ gặp khó khăn trong việc có giấy phép hành nghề taxi tại New York. Con thấy bất công vì người cảnh sát không đối xử họ một cách bình đẳng, chỉ vì con nói tiếng Anh lưu loát hơn và con trong trang phục của một professional đi làm ở NYC với badge (cái bảng tên) con đeo trong người về nơi con đang làm việc … Người cảnh sát chỉ nghe mình con, mà không thèm để ý gì đến ý kiến của hai người kia… Ngay ở NYC của mình mà vẫn còn như vậy…Con thấy tội nghiệp cho họ!

Đúng vậy, thành phố New York – NYC – hay nói chung vùng phía Đông của nước Mỹ này, luôn luôn được nổi tiếng là nơi có rất nhiều cộng đồng các sắc tộc sống hài hòa và được đối xử bình đẳng mà sự việc vừa xảy ra ở Na cho thấy vẫn còn rất lâu và nhiều nỗ lực nữa mới thật sự có công bằng xã hội như luật pháp Mỹ đã khẳng định.

Na hỏi Ba bây giờ sửa thì tốn bao nhiêu, nếu Na nói đúng sự thật, hay để chứng tỏ người kia có lỗi còn mình đúng (to be right) thì sẽ không tốn đồng nào, nhưng vì Na đã nói đó với cảnh sát cũng không phải lỗi của tài xế (to be kind), cho nên mình phải trả trước $500 đô la (deductible) và bảo hiểm sẽ trả phần còn lại. Tuy nhiên, thấy vết trầy này chỉ là thẩm mỹ chớ không ảnh hưởng đến sự vận hành của chiếc xe, nên tôi nói với Na – tùy con, muốn sửa thì sửa nhưng phần tôi thì không muốn, tôi muốn giữ vết trầy của chiếc xe để nhớ đến việc làm tốt của Na. Na luôn luôn có đam mê (passion) về sự công bình xã hội. Na có nhiều quyết định rất đúng và trưởng thành để tìm niềm vui, hạnh phúc trong việc phục vụ cho người khác. Con luôn nhớ ước mơ của Ba với con và Emily: “Hãy cố gắng hết mình để thành đạt và dùng sự thành công của mình để phục vụ người khác.”

Việc Na tự nhận vết trầy này cho xe mình cũng là một quyết định Ba rất hài lòng vì đó là những quyết định Ba muốn Na có trong những tình huống không còn có Ba để hướng dẫn cho Na. Ba nhắc lại với Na, người thanh niên Hồi Giáo đó thì cũng giống như Ba con hơn 20 năm trước, lúc Ba qua mới qua, Ba xin đứng bán ở cây xăng, họ cũng không thuê vì tiếng Anh của Ba cũng “broken”, không đủ tiếng Anh để trao đổi với khách hàng.

Vết trầy trên xe tuy làm mất vẻ đẹp của chiếc xe của Na, nhưng nó được bù lại bằng một vẻ đẹp khác trong tâm hồn của Na mà Ba vẫn luôn dạy cho các con là nhiều khi tốt hơn là nên “Better to be kind than to be right”. Có khi không cần phải cố chứng minh người ta sai và mình đúng (to be right), nhưng “lòng tốt” (to be kind – sự tử tế) sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp hơn và con đã làm đúng như vậy. Không cần phải “mình đúng” để được hoàn toàn bối thường, nhưng tốt hơn là giúp cho người tài xế kia khỏi bị phạt để có cơ hội để hành nghề sinh sống.

Ngày lễ Thanksgiving là lúc để Ba suy nghĩ lại nhiều điều mình phải biết ơn trong cuộc sống. Ba dậy sớm và nhìn qua phòng, Na còn ngủ say sau khi cố gắng lái xe về nhà kịp lúc cho ngày Thanksgiving trong thời tiết rất khắc nghiệt hôm qua. Nhớ lại câu chuyện đụng xe của Na, Ba cũng thầm cám ơn Trời Phật đã cho Na có tấm lòng thương người bởi vì: “Cha mẹ sinh con Trời sinh tính”, cùng các đức tính khác để hướng dẫn cho con những quyết định, có khi không dễ dàng, như khi phải chọn “Better to be kind than to be right”. Ba tin các đức tính này sẽ là hành trang quí giá nhất trong cuộc sống cho Na, như Ba vẫn lặp lại câu nói: “Tính cách tạo nên số phận cho mình.” (Your characters create your destiny) cũng là tựa của một cuốn sách mà Ba đã bỏ vào vali con, ngày con rời nhà đi vào đại học. Những việc như vậy của Na đã cho Ba không chỉ một ngày Thanksgiving mà cả những năm dài tháng rộng để cám ơn đời, “ và như thế tôi sống vui từng ngày. (TCS)”

Viết cho Na – Sáng ngày Thanksgiving 11/25/2014

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to top
Share via
Copy link
Powered by Social Snap