Giỗ Ba 49 Ngày

GioBa

Cách đây mấy năm, khi nghe tin Trưởng Nguyễn Đức Quang (NĐQ) lìa rừng, ngậm ngùi thương tiếc cho sự ra đi tương đối sớm của trưởng NĐQ, người mà những bài hát của ông đã góp phần hình thành nhân cách của tôi, nhớ ơn trưởng Quang, tôi viết bài để vĩnh biệt từ xa gởi Trưởng NĐQ trong ngày hoả táng

27 tháng 3 là ngày giỗ của Trưởng Nguyễn Đức Quang và cách đây hơn một tháng, tôi rất buồn thương để tiễn đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng một trưởng hướng đạo khác, lão thành hơn, mà các bài ca và dòng thơ của ông đã tạo nên tính cách của tôi ngày hôm nay. Trưởng Nguyễn thanh Viêm, tên rừng “Ngựa Nhà Trời” nay đã xong trò chơi lớn Hướng Đạo để bay về trời vào ngày 23 tháng 2 năm 2016.

Hướng Đạo: Trò chơi lớn suốt đời.
Trò chơi thẳng thắng mãi vui tươi.
Chơi cùng bạn hữu tâm chân thật,
Chơi với trẻ em miệng nở cười.

Trưởng Viêm tuy không sáng tác được những bài ca Hướng Đạo hùng tráng để đời cho nhiều thế hệ về sau như các Trưởng HĐ Lưu Hữu Phước, Hoàng Quí, Nguyễn Đức Quang,... nhưng đối với tôi thì những vần thơ giáo dục về đạo làm người, về nghĩa tình, về tinh thần Hướng Đạo, cùng với các bài ca của Trưởng Nguyễn Thanh Viêm hay hát, đã trở thành một phần thân thiết của cuộc đời tôi, luôn trong trái tim tôi. Tôi sẽ ghi nhớ suốt đời, để nhắc nhở phải sống “cho xã hội rạng ngời chúng ta một lòng”.

Trưởng Nguyễn Thanh Viêm là Ba tôi, ông là một người cha đáng kính, đầy lòng yêu thương con cái, nhưng tôi không viết ở đây về một người cha gương mẫu, người chồng chung thủy, một người bạn chân tình, một nhà thơ nhân bản, mà viết về người cha như một Trưởng Hướng Đạo chân chính, kỳ cựu, một hướng đạo sinh tiêu biểu của: “Hướng đạo một ngày, Hướng đạo mãi mãi”.

Trưởng Viêm dẫn tôi nhập bầy sói con Nguyễn Trãi vào buổi họp đầu tiên lúc tôi còn mới 7 tuổi và từ đó tôi theo hướng đạo cho đến khi lên thiếu đoàn Lê Lợi.

Quãng đời hướng đạo tôi chỉ từ tiểu đến hết trung học, nhưng đời Hướng đạo của Trưởng Viêm bắt đầu từ lúc còn rất trẻ, khi giới thanh niên bắt đầu chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp và ông đã theo đuổi phong trào HĐ cho đến những ngày cuối cùng trên giường bệnh. Hướng đạo là một đam mê suốt đời của ông, ông luôn nghĩ đến và tìm cách giáo dục thanh niên sống theo tinh thần Hướng Đạo.

Danh lợi tiền tài Trưởng chẳng ham,
Tre già ham giữ gốc ViệtNam,
Quyết tâm đào tạo lớp niên thiếu,
Nên sáng lập ra Hướng Đạo đoàn.

Má tôi kể lại câu chuyện lúc xưa, khi Ba Má tôi quen nhau, biết Má tôi có cảm tình với Ba tôi, cậu Trần Ngọc Liễn, người anh cả - quyền huynh thế phụ - hỏi Má tôi về Ba, Má tôi nói: “Ảnh là một hướng đạo sinh”, Cậu Liễn tôi nghe và trả lời bằng tiếng Pháp: “Il est scout, lI est un homme” (“Anh là là một hướng đạo sinh, nghĩa là anh ta là một con người”) và câu nói đơn giản này quả thực đúng một cách sâu sắc cho Ba tôi, vì Trưởng Nguyễn thanh Viêm đã sống như “một con người”, “Một sĩ phu của thế kỷ, một người Việt Nam biểu tượng, gương mẫu” như Thượng tọa Thích Quảng
Ba, sư trụ trì Chùa Vạn Hạnh ở Canberra đã nói khi tiễn đưa Trưởng Viêm đến nơi an nghĩ cuối cùng. Trưởng Nguyễn thanh Viêm, “một con người”, một Hướng Đạo Sinh với đủ phẩm chất của một bậc “trượng phu”, với cuộc sống dài gần một thế kỷ, Trưởng Nguyễn thanh Viêm đã sống qua bao nhiêu thăng trầm, nhiễu nhương của thời cuộc nhưng luôn: “bần tiện bất năng di, phú quý bất năng dâm, uy vũ bất năng khuất”.

Trưởng sống đơn giản, vô cùng thanh liêm, đạo đức, giữ được sự liêm khiết khi ở các chức vụ rất dễ dàng lạm dụng để làm giàu. Trưởng sống sót qua các trại cải tạo, vẫn giữ vững sĩ khí, không hề đánh mất tính tự trọng và với sự lạc quan, vì Trưởng luôn có “Nguồn Thật là đây sức sống vô biên.” Không ai tước đoạt được của Trưởng Viêm cái “sức sống vô biên, sống cùng tạo vật” và đó cũng là bài ca các trưởng Hướng Đạo đã hát để tiễn Trưởng Viêm lìa rừng. Những bài thơ, bài hát Hướng Đạo ngân lên nhưng lần này, Trưởng Viêm đã nằm yên bất động, dù vậy, tôi tin ông đang nghe và vui vì đời Hướng Đạo của Trưởng đã mở rộng thêm con đường để “anh em chúng ta chung một đường lên, chung một đường lên đến nơi Nguồn Thật”, con đường mà Trưởng Viêm đã dìu dắt bao nhiêu người tìm được “niềm vui Hướng đạo muôn đời” trong sự dấn thân, phục vụ và sống “Ái Nhân Như Ái Thân.

Tinh thần Hướng đạo của Trưởng Viêm không chỉ dành cho những sinh hoạt với bầy sói Nguyễn Trãi của ông, hay chỉ riêng với các hướng đạo sinh, mà còn cho bất cứ trẻ em nào ông có thể giúp được.

Gần 50 năm qua, bạn bè hàng xóm ở đường Cường Để, Hội An ngày xưa vẫn còn nhớ lại lúc đó Trưởng Viêm đã dùng cái sân thật rộng rãi phía sau nhà để tập trung hết trẻ em trong xóm tổ chức cho các em các ngày Trung Thu, dạy các em những chơi các trò chơi tập thể, tập các bài hát,... bởi vì không phải trẻ em nào cũng có đủ điều kiện để được tham gia sinh hoạt Hướng đạo. Trưởng Viêm luôn dạy chúng tôi không chỉ san sẻ may mắn mình cho những người kém may mắn, mà còn chia sẻ cả “niềm vui Hướng đạo muôn đời” và luôn nhớ điều luật thứ ba: “Hướng đạo sinh có bổn phận giúp ích mọi người”.

Những người hàng xóm ngày xưa, nay đều đã lục tuần vẫn còn nhớ, nhắc đến Trưởng Viêm, người đầu tiên đã cho họ biết niềm vui của hoạt động tập thể và nhắc đến lòng thương yêu trẻ với các sáng kiến để giáo dục các em qua các sinh hoạt vui, bổ ích của trưởng Nguyễn Thanh Viêm. Người hàng xóm vui tánh, hiền lành, yêu trẻ. Sống nhân ái, giúp người nghèo, bảo vệ người cô thế, đó vừa là cuộc đời làm việc của ông, vừa là sự giáo dục xuyên suốt cho chúng tôi trong quá trình trưởng thành từ Trưởng Nguyễn thanh Viêm.

Cuộc đời công chức thanh liêm, công minh chính trực, Trưởng Viêm luôn đứng về phía người nghèo để bảo vệ cho họ, nhất là trong những cuộc tranh chấp đất đai mà các người nông dân luôn luôn bị cô thế, chịu bất công trước thế lực của đồng tiền và sự quen biết của các chức sắc, cường hào. Có nhiều câu chuyện đã được kể đi, kể lại trong thành phố Hội An về sự thanh liêm, bảo vệ cho sự công bằng xã hội của Trưởng Viêm và nhân đây nhắc lại câu chuyện về sự thanh liêm đã cứu gia đình mà Trưởng Viêm là con trai cả trong gia đình.

Một toán Việt Minh được lệnh chận bắt gia đình ông nội tôi khi gia đình tìm cách trốn khỏi vùng tản cư, về lại Hội An, nhưng khi người nông dân dẫn đầu toán này nhận ra ba tôi, ông chính là người công chức điền địa trước đây đã đứng về phía của anh nông dân nghèo này, chống lại cả một thế lực cường hào, để bảo vệ công lý cho người nông dân, giữ được cho anh không bị mất miếng đất “hương hoả”. Nhớ ơn về việc làm chính nghĩa của Ba tôi, người nông dân Việt Minh đã tìm cách cứu gia đình ba tôi và còn kín đáo tặng thêm một rỗ khoai lang để gia đình “ấm lòng” trên con đường xuôi về lại Hội An.

Trưởng Viêm được Tổng Thống VNCH đích thân gắn Huân Chương Bội Tinh Hành Chánh cao nhất tại Dinh Độc Lập vì cuộc đời công chức rất thanh liêm, đức độ, chí công vô tư của ông. không ngạc nhiên khi Trưởng Viêm đã đặt tên các con trai của “Liêm - Khiết - Trung - Nghĩa” và cuộc đời Trưởng Viêm đã sống đúng như vậy qua bao thăng trầm của thời thế.

Phải biết Ái nhân như Ái thân” là lời bài ca mà Trưởng luôn hát ở nhà. Năm mươi năm sau, tôi vẫn nhớ hình ảnh tôi đi theo các đoàn cứu trợ Hướng đạo của Trưởng Viêm qua bên kia sông Hội An (Xuyên Long, Cẩm Kim) phát hàng cứu trợ để giúp cho các gia đình nạn nhân bão lụt. (Sau trận lụt năm Thìn, các hàng cứu trợ của Hoa Kỳ, hay các hội NGO quốc tế hay gởi đến Hội HĐVN để hội HĐVN giúp nạn nhân thiên tai mà không qua chính phủ VNCH.)

Không những dạy sống tháo vát, Trưởng Viêm còn dạy chúng tôi phải sống có tình người, biết giúp đỡ người khác, nhất là khi họ trong cơn hoạn nạn, nguy nan. Tết năm Mậu Thân 1968, nhà của Trưởng Viêm trở thành nơi tạm trú cho biết bao gia đình hoạn nạn vì chiến cuộc, tôi vẫn còn nhớ hình ảnh gia đình các nhân viên làm việc cho Ba tôi và bà con nằm ngủ sắp lớp từ phòng khách nhà tôi cho đến phía sau nhà của căn nhà dài gần 50 thước, gia đình Trưởng Viêm cưu mang họ đúng như bài ca quen thuộc Trưởng hay hát: “sẵn sàng ra tay giúp ích quanh ta...”, không chỉ giúp lúc hoạn nạn, ông luôn nâng đỡ và đối xử chân tình với các nhân viên thuộc quyền, nhiều người đã làm việc cho Trưởng vẫn nhớ đến người cấp trên đáng kính, một tiểu biểu của người công chức Việt Nam Cộng Hoà. Trung thành với người cộng sự cũng là một điều luật Hướng Đạo.

Chú Trừng, em út Trưởng Viêm kể lại một câu chuyện, khi chú tôi còn nhỏ, Trưởng Viêm là anh trai đầu, hay đọc chuyện cho cả nhà nghe, trong câu chuyện “Vô gia đình (Sans Famille)” của Hector Malot có đoạn xúc động, chú tôi muốn khóc nên chạy trốn xuống nhà dưới vì sợ bị các anh chị sẽ giễu cợt, nhưng Trưởng Viêm nhận biết và chạy xuống nói với em mình, đang rơm rớm nước mắt: “Em không có gì phải xấu hổ, hay phải che dấu sự xúc động của em với nỗi đau của người khác, em biết thương yêu, xót xa cho những người người bất hạnh là điều đáng quí.”

Trong nhiều cuốn sách ông chỉ chúng tôi đọc, cuốn “Tâm Hồn Cao Thượng” là cuốn với nhiều kỷ niệm, ông khuyến khích và thưởng cho chúng tôi cho mỗi câu chuyện chúng tôi đọc xong và kể lại cho Trưởng.

Về tấm gương “Ái Nhân như Ái Thân” của Trưởng, thời gian trôi nhanh, con cái không nhớ hết những gì cha mẹ dạy, nhưng nhớ rất lâu và bắt chước những gì cha mẹ đã làm, mấy chục năm sau, đứa “sói con” ngày nào chạy theo Akela Viêm, nay đã tiếp tục công việc yêu thích của Trưởng, VINAHF (Tổ chức Nhân Đạo Việt Nam), một hội từ thiện được ra đời từ hạt giống Trưởng Viêm gieo hơn nữa thế kỷ trước để tiếp nối công việc “ái nhân như ái thân” và nguyên tắc VINAHF về sự tôn trọng danh dự, lời nói, việc làm, việc giúp ích mọi người cũng từ các luật Hướng Đạo, để ai cũng có thể tin được lời nói của VINAHF, qua các công việc của VINAHF, tôi có dịp kể những câu chuyện mà Trưởng luôn luôn vui khi được nghe, khi được biết rằng “Đoàn chúng tôi mang tình thương đến gieo cho muôn người”.

Năm 2009, VINAHF có tổ chức cuộc quyên góp để đi cứu trợ nạn nhân bão lụt, một trận bão lụt khủng khiếp ở miền Trung, Trưởng Viêm đã động viên chúng tôi các Mạnh Thường Quân qua một bài thơ, sau đó tôi có báo tin cho Trưởng chuyến cứu trợ sẽ lên vùng Nông Sơn và giúp cả khu vực “Hòn Kẻm - Đá Dừng”, một địa danh gợi nhớ nhiều nỗi gian khổ với Trưởng Viêm và gia đình ông vì hơn 8 năm “cải tạo” Trưởng bị đoạ đầy tại nơi hiểm trở như câu ca dao:

Ngó lên Hòn Kẻm Đá Dừng.
Thương cha, nhớ mẹ thì về,
nhược bằng nhớ cảnh nhớ quê xin đừng!

Tuy sống sót qua các trại cải tạo ở Quảng Nam, nhưng bệnh sốt sét rừng đã làm Trưởng không còn nghe rõ như xưa và khi trở ông phải chứng kiến một bất công khác là căn nhà ông mua được năm 1960 do cả một đời làm việc thanh liêm, bị nhà cầm quyền tịch thu với lý do đó là “tài sản Mỹ ngụy” (cho dù mãi đến 1965 người lính Mỹ đầu tiên mới đến Đà Nẵng).

Cùng đoàn cứu trợ VINAHF, tôi trở lại đây sau hơn 30 năm, nhớ lại “cảnh cũ người xưa”. Vùng này sau 75 có những trại cải tạo đáng sợ có tiếng của Quảng Nam vì sự hiểm trở, cô lập, bệnh sốt rét rừng vì nằm sâu trong vùng Trường Sơn, gần biên giới với Lào, nơi Trưởng Viêm được thử thách “uy vũ bất năng khuất”. Trong một chuyến đi thăm nuôi ông, vì bị lỡ đường, ba anh em chúng tôi Khiết, Trung, Tuyết phải ở lại giữa rừng núi gần ngã ba Phước Lâm. Sau khi ăn cơm vắt, uống nước bên dòng suối, ba anh em tôi phải đi tìm nơi an toàn để ngủ qua đêm, vì vẫn nghe kể chuyện thú rừng cọp, gấu... từ những người dân hay người đi thăm nuôi người bị “cải tạo”. Rải rác có các nhà dân, chúng tôi tìm đến để chỉ xin được nằm bên ngoài trước hiên nhà, nhưng không một gia đình nào cho chúng tôi ngủ gần nhà họ, bởi vì chúng tôi là con cái của “gia đình cải tạo”, họ bị giáo dục để không có sự thương xót nào cho ba đứa thanh thiếu niên lạc giữa núi rừng, âm u khi tìm cách đi thăm cha vì nghĩa tình phụ tử.

Chúng tôi phải thức giữa rừng đến quá nửa khuya, mới may mắn được một toán công nhân đang khảo sát làm đường, đi đâu đó về khuya, bắt gặp và dẫn chúng tôi về lán trại của họ ngủ an toàn qua đêm.

Đó là câu chuyện 30 năm trước và trong kế hoạch cứu trợ, tôi nói với Trưởng Viêm Nông Sơn, “Hòn Kẻm – Đá Dừng” là nơi mà chúng tôi sẽ đến để cứu trợ cho đồng bào, họ là nạn nhân bão lụt.

Tôi nhớ chuyện ngày xưa, nhưng học theo cái Tâm của Trưởng Viêm, không hề có sân hận mà chỉ muốn giúp người, giúp đời. Hơn 8 năm ở trại tù cải tạo, ông có làm nhiều bài thơ làm lúc bị giam cầm, nhưng ông không hề có một vần thơ thù hận nào về sự bất công ông và gia đình đã chịu đựng.

Khi xong cuộc cứu trợ từ dài từ Quảng Nam đến Quảng Bình, tôi qua Úc đưa Trưởng Viêm xem các hình ảnh cứu trợ, ông rất vui lòng. “Hòn Kẻm – Đá Dừng” đã thay đổi nhiều, đã có đường sá tốt hơn, không trèo đèo vượt sông như xưa, nhưng cảnh nghèo của người dân vẫn không khác. Tiếc thay, hậu quả của các cơn sốt rét rừng trong trại cải tạo làm thính giác của Trưởng ngày càng xấu đi, khó nghe, tôi không kể hết cho ông được những công việc mà tôi biết là ông rất thích, cho nên từ đó, mỗi khi đi cứu trợ, hay các chuyến đi từ thiện, tôi bắt đầu tập viết, ghi lại như một tường thuật với các hình ảnh để ông đọc. Đó luôn là những niềm vui tôi mang đến cho ông mỗi lần về thăm và bên cạnh Trưởng Viêm, để muốn nói với Trưởng Viêm là “sói con nghe lời sói già!

Tôi vẫn còn giữ các bài thơ Trưởng làm để kêu gọi mọi người cùng tham gia cứu trợ với VINAHF, hay động viên tôi trong công việc này. Những ngày về cùng các anh chị em để chăm sóc Trưởng Viêm, tôi ngủ trong phòng làm việc của ông, chung quanh phòng làm việc là các hình ảnh, câu nói của cụ Baden Powell (B.P). Trưởng vẫn thường hay trích dẫn các câu nói của cụ P.B để tập cho chúng tôi luôn có cái nhìn tích cực, lạc quan, nhìn phía sáng của sự việc, như xem bức tranh hãy nhìn từ phía trước, chớ đừng nhìn, hay tìm dán nhện đàng sau, trong quan hệ hãy luôn nhìn cái tốt của mọi người. Tôi nhớ một câu nói Trưởng treo trong phòng để nhắc nhở ai muốn tham gia vào tổ chức, phục vụ cộng đồng thì hãy làm gì để có hiệu quả thiết thực, nên không chỉ với phong trào Hướng Đạo, ông đã mang tinh thần này đến mọi hội đoàn mà ông tham gia, ông động viên để các hội đoàn không “chỉ còn là một tổ chức”, những việc tích cực Trưởng Viêm đã mang đến cho các hội đoàn đã thể hiện rõ qua tình cảm dành cho Trưởng khi mọi người đến khi tiễn đưa ông. “Phải biết vui tươi khi khó khăn” lời ca theo sau “Phải biết ái nhân như ái thân”, những ngày cuối cùng trên giường bệnh, ông vẫn còn hát những bài ca Hướng Đạo, những bài quen thuộc với anh em tôi từ nhỏ. Trưởng luôn muốn ai cũng vui tươi cho dẫu trong tình huống nào và luôn luôn “Hát với tôi trong lúc vui hay trong khi buồn...” Bài ca ông hát ru cho từng đứa con, trong 7 đứa con trai gái của ông: “Đàn chim bay trong mùa thu cây vang mờ mờ”. Đó là bài “Có Một Đàn Chim” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu viết cách đây hơn 50 năm, có mang tính Hướng Đạo: “Thanh niên ơi mau cùng chim tung bay...” và tôi cũng đã hát ru cho các con tôi cũng bài này: “...Hỡi Châu Á đang khổ đau ta đứng lên vì người vì Hoà Bình”. Không chỉ hát khi ru con ngủ, nhớ những buổi sáng trời lạnh ở miền Trung, Trưởng đánh thức anh em chúng tôi sáng sớm dậy đi học cũng bằng tiếng hát: “Dậy! Dậy! Dậy là dậy cho sớm. Dậy xin đừng ngủ ráng, nghe còi thúc tung mền ra” và đến đó Trưởng lấy mền ra để chúng tôi phải thức dậy.

Khi ông đã yếu đi nhiều, con cháu đến chung quanh Trưởng và hỏi Trưởng có điều gì muốn khuyên cho con cháu lúc này, Trưởng Viêm viết trả lời:“Sống vui, sống khoẻ, sống có ích và giúp đỡ người khác!” Rất ngắn gọn nhưng trọn nghĩa như là di chúc của Trưởng Viêm để lại cho chúng ta.

Vì những đóng góp cho phong trào Hướng Đạo Việt Nam, Trưởng Viêm đã được trao Huy Chương Bách Hợp của Tổng Hội Hướng Đạo, ông đã sống đời Hướng Đạo theo đúng luật và lời hứa Hướng Đạo, như ông hát bài này khi nhận Huy Chương Bách Hợp này.

Trong tâm trí: Sạch - sạch - sạch.
Có nói ra : Thật - thật - thật.
Trong nguy nan, nào ra tay sẵn sàng.
Cho ai khó: Rộng - rộng -rộng.
Thấy xót đau : Nhẹ - nhẹ -nhẹ.
Ta an nhàn làm những trái tim vàng!

Niềm vui HĐ cuối cùng của ông có lẽ là câu chuyện sau đây. vào vài tuần cuối cùng, ông yếu đi, ngủ nhiều và ông có thể ra đi êm ái trong những khi ngủ như vậy, lúc đó sắp Tết, Tráng đoàn Chi Lăng thuộc Đạo Quảng Nam muốn thực hiện việc tặng quà Tết cho người nghèo và cũng để giáo dục các sói con và thiếu sinh tinh thần “ái nhân như ái thân”.

Nhờ mạng lưới thiện nguyện hữu hiệu của VINAHF, chúng tôi nhanh chóng giúp ngân sách cho các Hướng Đạo sinh thực hiện việc đó như ý muốn của ông, khi anh Bình gởi các hình ảnh các HĐS đi tặng qua Tết đến, tôi đưa ông xem, ông rất chăm chú từng hình ảnh, ông không nói được nên viết lên câu hỏi. Ông hỏi tôi và Tuyết em tôi bên cạnh, đã giúp cho Tráng đoàn Chi Lăng bao nhiêu, Tuyết viết con số, ông đọc gật đầu ưng ý và từ từ nhắm mắt lại, nhìn khuôn mặt tuy ốm nhiều, nhưng thanh thản thiếp trong giấc ngủ, tôi nắm tay ông tôi thầm nói: “Ba ơi, sáu chục năm qua, con luôn làm đúng theo lời của Ba”.

Ông đã vui khi xem được các hình ảnh các Hướng Đạo sinh đi tặng quà, nhưng ông không còn khoẻ để đọc tiếp email của anh Nguyễn Duy Bình, Tráng Đoàn trưởng Chi Lăng viết tiếp theo, gọi Trưởng Viêm thân mật là chú vì anh cũng là bạn học của anh Liêm tôi: “Khiết! Anh gởi thêm hình ảnh tráng sinh tráng Đoàn Chi Lăng đi giúp ích đến các cụ già neo đơn trong dịp tết Bính Thân nhớ cho chú thím xem và nói đám hậu duệ của chú đang tiếp tục dấn thân theo tinh thần của chú nghe!

Hướng Đạo đã mang đến cho Trưởng Viêm những niềm vui cho đến những ngày cuối cùng! Năm nay, tôi lại được Cty AT&T đề cử và được giải thưởng PVSA (Giải Thưởng Của Tổng Thống Hoa Kỳ Cho Các Hoạt Động Phục Vụ Công Ích), nhưng Trưởng Viêm đã thanh thản lìa rừng, tôi không còn dịp mang đến Trưởng một niềm vui nhỏ để Trưởng có thể cảm hứng thêm các bài thơ mới, nhưng thôi nhắc lại vài vần thơ cũ mà các Trưởng HĐ ở Sydney và Xóm Tùng Nguyên, đã đọc để tiễn đưa Trưởng Viêm

Vĩnh viễn ra đi Trưởng vẫn còn,
Vẫn còn lưu dấu tấm lòng son.
Gia đình Hướng Đạo luôn ghi nhớ
Trưởng có công ơn với nước non!

Đám tang Trưởng Viêm đã tổ chức như tinh thần ông đã sống, niềm thương tiếc lồng trong tiếng ca, những bài thơ đưa tiễn từ các hội, đoàn, các tôn giáo khác nhau, các thân hữu ở khắp nơi. Các bài thơ, các tiếng ca suốt từ lúc bắt đầu tang lễ, cho đến khi vòng tang Hoa Huệ Hướng Đạo là vòng hoa cuối cùng phủ lấp lên linh cữu tiễn đưa Trưởng Viêm trong tiếng hát “Giữ Chặt Mối Dây” mọi người nối một vòng tay lớn cùng Trưởng Viêm như bao lần tạm biệt trước, nhưng hôm nay vĩnh biệt một con chim đầu đàn Hướng Đạo với tinh thần: “Sông núi không ngăn tình thương, mưa gió không lay can trường, chúng ta hôm nay hiệp vầy. Giữ chặt mối dây...

Lòng thương tiếc và nỗi buồn về sự lìa rừng Trưởng Viêm, rồi cũng sẽ vơi đi với thời gian, nhưng các bài thơ, bài hát tôi sẽ không bao giờ quên và thỉnh thoảng mỗi đêm tôi vẫn nghe như văng vẳng đâu đây tiếng ca của Trưởng Viêm hát ru anh chị em chúng tôi như ngày xưa : “Ngoài kia ai nghe tiếng chim gọi đàn dập dìu, Đàn chim mang dâng cho đời hương men thương yêu!

Nhớ đến công ơn của Trưởng Viêm, tôi nguyện sẽ cố gắng là một cánh chim, tiếp nối theo đường bay của Trưởng để tìm niềm vui trong công việc “mang dâng cho đời hương men thương yêu!” Sẽ bay với đôi cánh mà Trưởng Viêm đã cố gắng tạo cho chúng tôi để đem niềm vui Hướng Đạo, mang tình người “bay qua vùng bao la, bay qua đồng xa, tuyết trắng phương trời Đông hay trời Tây.”

Cám ơn Ba đã cho con đôi cánh, con sẽ luôn theo Ba không bao giờ bỏ đường bay Ba đã vạch ra, cho đến khi ngừng đập đôi cánh, giống như Ba đã nay thanh thản “xé biên cương chim bay không hề mong chi ngày về!

Đầu Xuân 2016 – New Jersey.
Viết cho ngày giỗ 49 ngày của Ba tôi, Trưởng Nguyễn Thanh Viêm. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to top
Share via
Copy link
Powered by Social Snap