Tưởng Nhớ Người Thầy Việt Văn – Nguyễn Công Trợ

Nhìn vào điện thoại, tôi thấy có hai lần của anh Dũng, đang phân vân không biết có nên gọi lại vì đã quá khuya, thì lại được anh gọi lần nữa và báo tin thầy Nguyễn Công Trợ, thân phụ của người bạn thân Nguyễn Công Tâm của tôi, vừa mới qua đời tại Hội An.

Tôi bàng hoàng và xúc động vì sự ra đi của thầy, cũng đột ngột như sự ra đi của thầy hai thầy đã dạy ở trường Trần Quí Cáp trẻ hơn – thầy Mai Chánh Trí, thầy Hồ văn Thông – trong hai năm trước đây mà tôi cũng quí mến.

Tôi ở xa nên trông cậy vào các bạn học Trần Quí Cáp lo việc phúng điếu cho thầy, nhớ đến thầy là nhớ đến một quãng thời trung học êm đềm, nhiều kỷ niệm, cho dù đó là lúc chiến tranh khốc liệt, cho nên tôi gạt bỏ mọi việc định làm, sẽ dành đêm nay để tường nhớ đến Thầy. Người đã dạy tôi qua thơ ca nhiều quan điểm sống trong đời.

Hội An lúc tôi đi học, chỉ có hai trường trung học, đó là Nữ Trung học Hội An và lâu đời hơn là Trần Quí Cáp và giáo sư thường dạy cho cả hai trường, cho nên các anh em chúng tôi hay cùng học các thầy cô.

Cũng như tất cả các thầy cô khác, họ đều để lại cho tôi những kỷ niệm rất đẹp trong những năm tháng dưới mái trường Trần Quí Cáp, riêng với thầy Trợ lại còn những “nhân duyên” đặc biệt để Thầy luôn là người tôi luôn ghi nhớ và quí mến.

Nguyễn Công Tâm là con trai của thầy và là người bạn “nối khố” của tôi học chung từ lớp đệ thất (Tâm đậu thủ khoa) cho đến lớp 12 và cùng nhau thăng trầm thời đại học khó khăn, khốn đốn của những năm tháng sau 75. Hơn nữa, Tâm cùng các bạn Nguyễn Minh Trung, Nguyễn Đức An, Lê Nho Tứ,… là nhóm ganh đua “điểm tốt” rất sôi nổi trong các giờ học Việt văn của thầy Trợ.

Thầy Trợ là người dạy cho chúng tôi biết nét đẹp của thơ ca Việt Nam, lối chơi chữ, câu đối, những bài thơ Đường bất hủ, những bài thơ yết vận độc đáo, mà cho đến giờ này, tuy quên đi nhiều rất chuyện nhưng những bài thơ, những điển tích thâm thúy ngày xưa vẫn luôn luôn nằm trong tiềm thức của tôi.

Giờ học của thầy luôn luôn thú vị, nhất là thầy kể các giai thoại văn chương, những bài thơ văn khẩu khí, tài ứng đối như “Ai công hầu, ai khanh tướng… Thế Xuân Thu, thế Chiến Quốc”, về Cao Bá Quát với sự ngạo mạn “Câu thơ Thi Xã, con thuyền Nghệ An” và cái mộng đồ vương để rồi “Một chiếc cùm lim chân có đế, Ba vòng xích sắt bước thì vương!” Thầy dạy chúng tôi biết yêu truyện Kiều để hiểu ưu tư của Nguyễn Du “Bất tri tam bách dư niên hậu – Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”, những chữ Hán đầu tiên tôi học lý thú, say mê từ Thầy để cảm được các câu văn đối ý nhị như:

Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách

Sắc bất ba đào dị nịch nhân.

Tạm dịch nghĩa không đối:

Mưa gió tuy không có khóa xích nhưng vẫn cầm chân được người,

Sắc đẹp dù chẳng có phong ba mà dễ nhận chìm người.

Hay trữ tình như:

Giang thâm chung hữu để

Tương tư vô biên ngạn !

Sông sâu còn có đáy,

Nhưng nỗi nhớ nhung là vô bến bờ.

Hoặc để hiểu được cái hay, thú vị của câu đối rất bay bướm:

“Hài thêu Phượng, hài hành Phượng vũ

Phiến họa Long, phiến động Long phi.”

Tạm dịch nghĩa:

Đôi hài có thêu hình chim Phượng Hoàng khi bước đi như chim Phượng đang múa.

Quạt có vẻ trang trí hình Rồng, khi vẩy quạt tựa như Rồng đang bay.

Thầy dạy tôi Việt Văn tiếp hai lớp 8 và 9, tôi hiểu biết và cảm nhận được giá trị của các bài thơ Đường luật qua các lớp học của thầy, từ thơ của Bà Huyện Thanh Quan, nhẹ nhàng , lắng đọng: “Gác mái ngư ông về viễn phố – Gõ sừng mục tử lại cô thôn” cho đến Hồ Xuân Hương ví von: “Một đèo, một đèo lại một đèo, khen ai khéo vẻ cành cheo leo” hay “Tang bồng hồ thỉ Nam nhi trái” của Nguyễn Công Trứ, hoặc cả chuyện hóm hỉnh trong đêm tân hôn khi ông 73 tuổi:

Tân nhân dục vấn lang niên kỉ ?

Ngũ thập niên tiền, nhị thập tam.

Tạm dịch nghĩa:

Trong đêm tân hôn, thiếp hỏi chàng bao nhiêu tuổi ?

Chàng là một thanh niên mới 23 tuổi, năm mươi năm trước.

Có lúc Thầy cao hứng với những bài thơ của Nguyễn Công Trứ về “Chí tang bồng – phải có danh gì với núi sông” và đùa rằng phải chăng “Nguyễn công Trợ” đây là một hậu duệ.

Một danh nhân đã nói là một thầy giáo giỏi thì biết cách diễn giải, nhưng người thầy xuất sắc là người biết gây được cảm hứng (inspiration), khơi dậy được ngọn lửa tâm hồn trong học sinh, thì thầy Trợ là người đã đốt cháy lên được ngọn lửa tâm hồn đó trong các giờ Việt văn của Thầy.

Không chỉ đưa chúng tôi vào một vườn văn thơ với đặc sắc đủ loại hoa, mà còn dạy cho chúng tôi biết vun xén, đắp bồi, yêu quí và từ đó mang theo hương thơm của vườn thơ trong suốt cuộc đời.

Qua văn thơ, Thầy còn lồng trong đó những bài học về đạo đức, sự liêm khiết, nghĩa khí của một kẻ trượng phu “Uy vũ bất năng khuất”. Những đức tính để xứng đáng là kẻ sĩ của “Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt, dân hữu tứ sĩ vi chi tiên”, cái nhân nghĩa và chung thủy bàng bạc trong thơ ca Việt Nam “Qua đây mới biết nguồn cơn ấy – Khá trách chàng Trương khéo phủ phàng”.

Dạy cho biết hai chữ “Dại & Khôn”:

“Khôn nghề cờ bạc là khôn dại, Dại chốn văn chương ấy dại khôn!”

Thầy là người đầu tiên cho tôi biết thế nào là “Văn Dĩ Tải Đạo”.

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà! ( NĐC)

Hay:

Bút giấy tôi ai cướp giật đi

Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá. (PQ)

Một trong những đề luận văn mà tôi nhớ lâu do đề Thầy ra. Hãy bàn về câu nói: “Cảnh (nghèo) khổ là một nấc thang cho bậc anh tài, một trường học cho người khôn ngoan, là vực thẳm cho kẻ yếu đuối.

Lúc trả bài, Thầy nói nhiều về những thành công của các danh nhân mà lúc thiếu thời họ khốn khó, như chuyện thuở hàn vi của Hàn Tín với “bát cơm Phiếu Mẫu” thời Hán Sở Tranh Hùng. Những năm khốn khó sau 75, tôi vẫn còn nhớ câu nói này và tôi cũng đã từng lập lại bao nhiêu lần mỗi khi có dịp muốn khuyên những người em học sinh đang nhận học bổng VINAHF để chiến đấu thoát nghèo “Có lẽ ta đâu mãi thế này?”, tôi tiếp tục “tải đạo” với Thầy.

Nếu đỉnh cao giáo dục chính là sự tự giáo dục, thì những bài dạy đạo đức, luân lý, nhân nghĩa qua thơ văn của thầy đã đạt được mục đích đó, Thầy cũng đã phản ánh trung thực nền giáo dục nhân bản, dựa trên lòng yêu thương và tình người, ít nhất đối với tôi, các bài giảng, thơ văn đạo lý, nhân nghĩa của thầy không chỉ dừng lại sau khi tôi rời mái trường thân yêu Trần Quí Cáp, mà cho đến lúc ngồi viết bài này hôm nay tôi vẫn còn tiếp tục âm vang, nhắc tôi “Bần tiện bất năng di, phú quí bất năng dâm”. Cố gắng làm theo lời thầy dạy và cho đến tuổi này thì mới ngộ được: “Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp, nhìn xem phú quí tựa chiêm bao!

Thầy dạy Việt văn hay, có thể vì chính thầy cũng là một nhà thơ. Thầy làm đủ các thể loại thơ, vợ thầy – cô Bùi Thị Trọng Cơ – cũng làm thơ và là cô giáo nên quả “như Rồng mà được cả đôi” và thơ ca của Thầy luôn luôn ca ngợi tình cảm trong sáng, sự thủy chung, tình gia đình, yêu bạn bè, đậm đà tình quê hương và không hề có một dòng thơ nào về đả kích, hay hận thù. Thầy là một nhà thơ nhân bản.

Tôi nghe câu nói sau đây lần đầu tiên từ trong lớp của Thầy: “Làm thấy thuốc sai lầm, giết chết một người, làm chính trị sai lầm giết chết một thế hệ nhưng làm giáo dục sai lầm là tai hại đời đời.

Tôi nhớ trong năm lớp 9, Thầy tập cả lớp làm thơ Đường và bài tập về nhà là nộp cho Thầy một bài thơ Đường. Tôi về cố gắng hết sức, tuy có ý nhưng không sao làm đúng được niêm luật, Tôi phải nhờ Ba tôi sửa lại, nộp bài thơ, Thầy đọc, quá ấn tượng (impressed) về bài thơ hoàn chỉnh này. Thầy hoàn toàn chưa biết Ba tôi cũng là một người rất yêu thích và hay làm thơ Đường và rồi sau đó “đồng khí tương cầu” trong cái Hội An nhỏ bé, thân tình , dễ có duyên lành. Ba tôi và Thầy đã trở thành bạn thơ với nhau, tuy nhiên cũng nghiệt ngã và oan ức cho Thầy, cái “nghiệp” làm thơ của Thầy làm Thầy phải sống mấy năm trong trại cải tạo.

Năm 1991 trước khi rời VN đi Mỹ, tôi về lại Hội An ghé thăm Thầy, có lẽ đó là thời gian rất khó khăn của Thầy, tôi ái ngại với cuộc sống lúc đó của Thầy, nhưng Thầy vẫn làm thơ, có lẽ cũng như Ba tôi, Thầy đã sống sót qua được những ngày cải tạo gian nan, chính nhờ có hồn thơ là một sức mạnh để Thầy vượt qua nhiều gian nan, nghịch cảnh trong đời và nhân tôi đến thăm, Thầy làm tặng Ba tôi bài thơ Đường như sau:

Gởi mấy vần thơ, chúc Bác Viêm

Luôn luôn sức khoẻ, mãi bình yên

Quê người, vẫn nhớ tình bằng hữu

Đất khách, nào quên gốc tổ tiên.

Mừng bạn thong dong ngày lão cảnh

Xót mình lận đận buổi tàn niên

Xa nhau ngàn dặm lòng mong ước,

Tái ngộ hàn huyên thỏa nỗi niềm.

Nói đến thơ Đường, thì thế hệ TQC chúng tôi không thể nào quên được thầy Thích Tuệ Không, một tu sĩ “bí ẩn”, đa tài xuất hiện ở Hội An. Thầy Tuệ Không nay cũng đã an nghỉ nghìn thu, trong nghĩa trang được chăm sóc bởi các học sinh TQC mến mộ tài năng của thầy, cũng là đạo lý vì không còn ai chăm sóc mộ phần cho Thầy Thích Tuệ Không. Thầy Trợ và Thầy Tuệ Không vốn hai tay “cự phách” về thơ Đường, có những cuộc đối thơ rất ly kỳ, thú vị, nhất là những bài thơ độc vận để ép nhau “chiếu bí”. Đó là những ngày đẹp “thơ mộng” của nhóm chúng tôi Tâm, Trung, Quang, Tùng, Khiết,… Chúng tôi đều học thầy Công Trợ và theo Thầy Tuệ Không, lúc Thầy Tuệ Không trụ trì ở chùa nhỏ bên cầu An Hội, cạnh sông Hội An (Thu bồn). An Hội lúc đó rất êm đềm, thanh vắng, khác hẳn thành phố du lịch bây giờ, với những đêm tịch lặng trên sông chúng tôi như sống trong cảnh “Phong Kiều Dạ Bạc”, với lác đác những thuyền câu khuya không xa mái chùa ở An Hội nơi chúng tôi hay đến ở lại với Thầy Tuệ Không. Cảnh này như là “Cô Tô thành ngoại Hàn San tự – Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền!” (Con thuyền đậu bến Cô Tô, nữa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.)

Thầy Tuệ Không, người làm thơ Đường tuyệt vời, cũng là người qui y cho tôi với pháp danh “Thiện Thanh”, và các cuộc tranh tài thi phú giữa các nhà thơ Đường ở Hội An đã để lại một bài thơ Đường bất hủ về Hội An. Ai đã từng học thơ Đường thì đều biết, làm thơ Đường đúng niêm luật đã khó, làm thơ Đường hay, lãng mạn lại còn khó hơn, mà làm thơ Đường để có thể đọc ngược xuôi vẫn đúng niêm luật thì chỉ có: “Văn như Công Trợ vô tiền Hán, thi đáo Tuệ Không thất thịnh Đường!” Nay cũng xin chép lại đây bài thơ Đường đọc xuôi ngược, để các bạn cùng tưởng nhớ cả hai người thầy, hai nhà thơ Đường Hội An nay đã vĩnh viễn ra đi:

An Hội khách hoài cảm nước non,

Phố thi hồn mộng phải chăng còn?

Ngàn mai cánh nhạn tin hồ hải,

Khách lữ đường xa ý sắt son.

Chan chứa tứ thơ trời đất mộng,

Luyến lưu tình ngọc lối đường mòn.

Lan tràn nước sóng triều dương động,

Nhàn tác cảm đề vận ví von.

(Thầy Thích Tuệ Không)

Lúc nào về lại quê nhà Hội An, tôi không bao giờ quên ghé đến thăm thầy Trợ, thầy luôn chu đáo thăm hỏi cha mẹ và anh chị em tôi vốn cũng là học trò cũ của thầy. Hội An thay đổi nhiều và tôi chỉ nhắm hướng “cây Da Kèn” để đi đến thăm Thầy và vừa đi vừa nhớ lại câu thơ về “tình đời” học ở Thầy để sống cho có tình nghĩa, chớ không mỉa mai như: “Bần cư náo thị vô nhân vấn, Phú tận thâm sơn hữu khách tầm.” (Nghèo thì dù ở nơi thị tứ, cũng chẳng ai buồn viếng thăm. Giàu thì nơi cùng cốc thâm sơn cũng có người ghé đến.)

Lần cuối cách đây một năm, tôi ghé thăm nhìn chứng nhận thầy là “gia đình liệt sĩ” với tấm hình anh Nguyễn Công Thành, anh mất tích trong những cuộc chiến ở biên giới phía Tây, bao nhiêu năm sau sự hy sinh mới được công nhận, tôi ngậm ngùi vì thầy đã mất mát quá nhiều trong đời, anh Thành lại là một câu chuyện nữa trong nhân duyên gắn bó tôi với gia đình thầy. Anh Thành tốt nghiệp Cử Nhân khoa Toán (MGP) Đại Học Khoa học và rồi sau 75, “thế thời phải thế” anh đi Thanh niên Xung phong, rồi thành bộ đội, lần bị thương nặng sau khi xuất viện anh đến với tôi vài ngày tại Sài Gòn. Tiễn anh về lại đơn vị chỉ có ly cà phê đen nhỏ vì “hụt tiền cà phê đá” và đó là lần cuối. Nhìn ảnh anh Thành, tôi cũng không quên bài thơ Đường, thầy đọc trong lớp khi đứa con trai nhỏ của thầy qua đời “Bệnh sốt mấy hôm đã giảm thuyên, đến nay trở lại sốt liên miên…” Chắc thầy đã tìm đến thơ để làm nơi an trú, thanh thản cho bao nhiêu mất mát, đau đớn, “thương hải bến vi tang điền” của cuộc đời vô thường.

Lần thăm đó, tôi mừng vì thấy cuộc sống của Thầy khá hơn xưa nhiều, Thầy cho biết mới một tập thơ mới của Thầy đã xuất bản và ưu ái ghi tặng cho Ba tôi một cuốn. Tôi thấy Thầy còn khỏe mạnh, chuyện trò vui vẻ nhưng không ngờ đó là lần cuối tôi gặp Thầy.

Trời đất từ đây xa cách mãi ….

Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi (Tản Đà).

Thêm một người thầy khả kính của trường Trung Học Trần Quí Cáp ra đi, các thế hệ học trò của thầy Trợ, trẻ nhất nay cũng đã trên tuổi “tri thiên mệnh” nên cũng đã đủ để ngộ được sự vô thường của “đời người như gió qua”, bởi vì rất tiếc thế hệ sau 75 ( và thật đáng tiếc cho hai đứa em sau này của tôi) không còn được học Thầy, vì sau 75 Thầy không còn được tiếp tục theo đuổi cái nghề cao quý mà Thầy đã tâm nguyện phục vụ, lúc đó Thầy còn kiêm chức vụ Tổng Giám Thị của Trường Trần Quí Cáp.

 Thầy không còn nữa, nhưng tôi vẫn nhớ hoài và hay lặp lại một câu nói thầy đã dạy: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.” (Xưa nay hỏi có ai không chết? Hãy để lòng son chiếu sử xanh ).

Thầy ra đi để lại một tấm lòng son qua những tập thơ, lời thầy giảng dạy còn lưu giữ, truyền đi qua những người học trò. Chính nhờ tấm lòng, yêu nghề giáo và sự tận tụy dạy dỗ của Thầy, mà đêm nay, một người học trò lớp đệ ngũ, đệ tứ năm xưa, vẫn nhớ như in những bài Việt văn 40 năm trước trong lớp của thầy và sau hơn 20 năm sống xa quê hương, cho dù tiếng Việt không dùng trong công việc hay giao tiếp hàng ngày, khuya nay người học trò năm xưa, vẫn viết được những dòng chữ để vĩnh biệt người Thầy kính yêu với lòng biết sâu sắc, như một hiền nhân đã nói: “Chúng ta biết ơn cha mẹ cho ta cuộc sống, nhưng biết ơn Thầy là người đã làm cho cuộc sống chúng ta xứng đáng và phong phú.” Cho dù vẫn chưa biết làm thơ, đêm nay, với vài vần thơ (còn lạc vận) là một nén hương lòng gởi đến người Thầy đáng kính Nguyễn Công Trợ.

Năm xưa Thầy dạy làm thơ,

Yêu văn khí phách, yêu thơ truyện Kiều,

Quê nhà, Thầy đã ra đi,

Nghìn trùng không thắp nén hương tiễn Thầy.

Lòng con ghi tạc ơn đầy,

Lời thơ vĩnh biệt kính dâng đến Thầy

Thầy về tiên cảnh Bồng Lai

Ơn Thầy nhớ mãi đến khi bạc đầu!

Học trò Thầy Nguyễn Công Trợ, Trung Học Trần Quí Cáp Hội An,
niên khóa 1968-1969, (Lớp 8), niên khoá 1969-1970 (lớp 9)

New Jersey – Một Đêm Khuya – Mùa Đông 2013.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to top
Share via
Copy link
Powered by Social Snap