Đoá Hoa Vô Thường

Thông báo từ Vietnam Airlines cho biết chuyến bay từ Đà Nẵng vào Saigòn dự định bay lúc 1:00 giờ nay hoãn lại đến lúc 4:00 giờ chiều. Tôi thấy một người nước ngoài lắc đầu ngao ngán và mỉa mai nói: “Welcome to Vietnam Airlines”. Tôi e ngại sẽ không giữ được hai cuộc hẹn ở Saigòn. Nhưng chưa hết, sau một giờ chờ đợi, thì một thông báo khác cho biết không phải 4:00 chiều mà đến 6:00 tối máy bay mới cất cánh được. Tiếng bất bình, phản kháng của bao nhiêu khách chờ, còn tôi thì thật sự “chới với”, tôi có hai cuộc hẹn rất mong đợi và cả hai đều đã trễ cho dù tôi có hơn 3 giờ để phòng hờ bất trắc.

Như vậy đến Sài Gòn sớm nhất cũng phải sau 7 giờ tối và tôi chỉ còn có thể chọn một trong hai, hy vọng thay đổi được giờ hẹn để cứu được một.

Một cuộc hẹn với Sư Nữ Tịnh Quang, tuy mang cái tên rất Việt Nam nhưng sư lại là một người Canada, trụ trì một thiền viện tại Montreal và gần như không nói được tiếng Việt. Tôi và Sư trao đổi với nhau nhiều email và duyên may cả hai đều có mặt tại Sài Gòn trong dịp sư đi dự hội nghị Phật giáo quốc tế tại Thái Lan. Chúng tôi rất muốn gặp nhau vì có nhiều việc cùng quan tâm, nhất là việc Sư muốn giúp đỡ cho các em mồ côi đang nuôi dưỡng tại Tịnh xá Ngọc Tuyền ở Bà Rịa. Sư đã dành cho cuộc hẹn trong lịch bận rộn của Sư. Cuộc hẹn thứ hai là với anh võ sư Hoàng Tùng, tôi cũng chưa bao giờ gặp mặt mà chỉ nói vài lần qua điện thoại. Anh lẽ ra giờ này phải ở Bình Định để chuẩn bị cho một công việc về võ thuật, nhưng anh đã hoãn lại để gặp tôi. Tôi cũng rất muốn gặp anh vì sau vài cuộc điện đàm ngắn ngũi tôi bỗng thấy có cái gì đó giữa anh và tôi cùng rất tâm đắc.

 Tôi phân vân chọn một trong hai, cuối cùng tôi quyết định chọn gặp anh Hoàng Tùng vì hy vọng tôi sẽ có dịp gặp Sư Nữ Tịnh Quang tại Canada.

Nhờ Hoàng, người học trò cũ, nay là người bạn đồng hành VINAHF, thu xếp lại, chúng tôi thay đổi điểm hẹn ở quán cà phê Sỏi Đá, đến quán “Vô Thường” để không mất thêm thời gian khi đến từ phi trường Tân Sơn Nhất.

Tôi chưa gặp anh Hoàng Tùng, cả hai đều không biết mặt nhau, nhưng tôi biết tôi sẽ nhận ra anh. Anh nói: “Tôi ngồi trên lầu”.

Chúng tôi đến trễ và đi vội lên lầu gỗ của quán cà phê thơ mộng. Đúng như dự đoán, không khó để nhận diện một võ sư trong đám khách đang ngồi, dáng vóc phương phi của anh ở chiếc bàn đối diện với các hoa lan. Tôi và Hoàng tiến đến bắt tay anh.

Một tuần trước đó, khi đoàn cứu trợ của VINAHF đến Bình Định, chúng tôi gặp Học, một sinh viên cao học về văn chương, Học tự giới thiệu là đệ tử của võ sư Hoàng Tùng và anh cho biết sư phụ anh đang ở Sài Gòn nhưng yêu cầu anh giúp đỡ cho đoàn cứu trợ của VINAHF trong thời gian đoàn ở Bình Định. Cũng như ở các nơi khác, đoàn cứu trợ VINAHF luôn luôn muốn tìm giúp những nạn nhân ở các nơi càng xa xôi hẻo lánh càng tốt, do đó việc này phải trông cậy vào những người đang sống tại địa phương, sẵn sàng hướng dẫn và giúp đỡ cho chúng tôi. May mắn đoàn tìm được một người “thổ địa” như mong muốn, và anh Học ngay khi gặp đoàn VINAHF đã nói là: “Sư phụ yêu cầu em giúp và đưa các anh đi đến bất cứ nơi nào các anh muốn”.

 Anh Hoàng Tùng chưa biết nhiều về VINAHF nhưng rõ ràng anh rất quan tâm đến hoạt động cứu trợ, qua sự căn dặn đệ tử của mình và Học thực sự đã làm đúng theo những gì sư phụ mong đợi. Sau một ngày Học vừa tận tuỵ hướng dẫn lại vừa cùng chúng tôi tích cực trong việc phát hàng cứu trợ, đoàn đã thực hiện được việc cứu trợ như dự tính. Trước khi chia tay Học để đoàn tiếp tục đi về Quảng Ngãi, tôi cảm kích về sự giúp đỡ tận tình của Học, tôi hỏi Học để được nói chuyện với võ sư Hoàng Tùng, trước là thay mặt VINAHF cảm ơn anh, sau là để nói anh biết, Học đã làm rất chu đáo việc của anh giao. Anh lúc đó đang bận nên cuộc nói chuyện chỉ là lời cám ơn ngắn ngủi và chúng tôi chia tay Học với cảm tình, quí mến nhau chỉ sau một ngày cùng làm việc.

Hôm sau, tôi nhận được điện thoại của Học cho biết anh Tùng muốn gặp tôi để nói chuyện. Có lẽ anh Hoàng Tùng đã nghe học nhận xét về VINAHF và tường trình của Học về việc cứu trợ vừa qua. Anh muốn gặp tôi và tôi rất hoan hỉ. Tôi luôn mong muốn tìm được thêm người cộng tác, giúp đỡ như anh để mạng lưới VINAHF có thiện nguyện ở nhiều nơi.

Khi nghe tôi nói đoàn cứu trợ VINAHF sẽ dừng ở Hội An, anh mừng lắm và nói anh sẽ bay ra Hội An, Quảng Nam chuẩn bị cho một tái hiện đấu roi trường. Chuyến cứu trợ cuối cùng của VINAHF là ở Quảng Nam, Hội An, nhưng ngày anh đến thì cũng là lúc tôi rời miền Trung để về lại Sài Gòn. Tôi không chờ anh được, vì tôi phải vào lại ngay Sài Gòn và đi Úc ngày sau đó. Cuối cùng anh linh động thu xếp công việc để nán lại Sài Gòn gặp tôi, và đó là đêm chúng tôi đã gặp nhau tại quán cà phê “Vô Thường”.

Sau khi chào hỏi, lời đầu tiên anh nói với Hoàng là: “Cậu này hay thật là hay hết ‘Sỏi Đá’ lại tìm đến ‘Vô Thường’!” Chúng tôi nhanh chóng vào chuyện và thành thật nói với nhau về ấn tượng qua những hiểu biết ban đầu về nhau, như là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Với tôi, phần thưởng lý thú bất ngờ trong khi làm các công việc này là luôn luôn gặp được những người bạn mới và có khi rất tâm đầu ý hợp.

Anh tặng cho tôi một cuốn sách nhỏ tựa đề “Hoàng Tùng – Một Thời Để Nhớ” thay cho lời giới thiệu. Chúng tôi bắt đầu chia sẻ các ý nghĩ về vài chuyện cùng quan tâm chung quanh việc cứu trợ và giúp cho các mảnh đời bất hạnh. Một lúc sau, câu chuyện dẫn đến việc võ thuật. Tôi không rành gì về võ nhưng say mê với câu chuyện về quyết tâm của anh đi tìm lại, khôi phục môn võ roi của nghĩa quân Tây Sơn đang bị mai một và có nguy cơ thất truyền.

Cơ duyên đã giúp cho anh tìm lại được một cặp roi còn sót lại tại Điện Bàn, rất tình cờ khi anh đi qua Vĩnh Điện, sau một cơn lụt, các vật trưng bày bị ướt nên phải đem ra phơi, ngẫu nhiên đi qua, anh chợt nhận thấy đó là cặp roi nguyên thủy của quân Tây Sơn. Anh truy tìm đến tung tích của người tặng cặp roi này từ cả hơn trăm năm trước, ông là một người trong đội quân đánh roi lẫy lừng của Tây Sơn và tìm được một bí quyết từ gia phả của gia đình, bí quyết anh đã bỏ bao tim óc, thời gian không tìm ra được, đó là chất liệu làm ra cặp roi. Roi này phải được làm từ loại gỗ cây “kiền kiền nguyên cây mọc thẳng”. Bao nhiêu năm trước anh đã thử nghiệm làm roi bằng bao nhiêu vật liệu từ tre, nứa,… nhưng không thành công vì nó bị tưa hoặc gãy sau vài lần đánh. Nay anh đã tìm ra. Anh bỏ công lặn lội lên vùng rừng núi Trà Mi – Quảng Nam, dùng uy tín của anh, xin giấy phép đặc biệt để tìm được loại gỗ quí “kiền kiền mọc thẳng”. Với bao nhiêu công lao, tim óc, tìm tòi, miệt mài thử nghiệm và cuối cùng anh đã thành công. Không những anh đã làm được một cặp roi như của đội quân Nguyễn Huệ mà còn phục hồi cách đánh võ roi của các nghĩa quân Tây Sơn, anh giải thích rất rõ tại sao lối đánh độc đáo này đã dễ dàng quật ngã cả người lẫn ngựa đối phương trong vài đường roi. Đây là một tinh hoa, một tuyệt chiêu của võ thuật cổ truyền Việt nam, hình thành trong quá trình chống ngoại xâm của ông cha ta. Khi chúng tôi đến Bình Định thì thấy một cặp roi được đặt ngay tại phòng làm việc của anh tại đó.

Nguyên là một huấn luyện viên trưởng Pencak Silat dự SEA Games 16, 17 của Việt Nam, bản thân anh cũng đã đem về cho Việt Nam nhiều huy chương vàng về võ thuật. Cuộc đời anh đã có những lúc “lên voi” hay bị “xuống chó” vì sống với tinh thần thượng võ “uy vũ bất năng khuất”, nhưng lúc nào trong anh cũng có một nhiệt huyết về việc mình làm, nói chuyện với anh dễ dàng thấy trong anh vẫn còn một bầu máu nóng như của thuở thanh xuân.

Với uy tín, quen biết, năng lực anh có thể dùng nó để làm ăn cho một cuộc sống an nhàn, thảnh thơi như bao người, nhưng anh về Bình Định làm cái mỏ đá, là nguồn kinh tế để giúp anh làm được những việc tâm nguyện. Anh giải thích cho tôi nghe về ước mơ lớn của anh về sự thành lập “Học viện Võ thuật Tây Sơn”. Anh quyết tâm cống hiến cuộc đời còn lại của mình cho việc phục hồi và phát huy lại võ thuật Tây Sơn và anh nói đến dự định của mình đến Canada vào tháng Năm này trong kế hoạch để thực hiện ước muốn của anh. Có nhiều đồng môn của anh đã ra nước ngoài, họ cũng có tài năng và tâm huyết như anh đối với võ thuật Tây Sơn và anh đi để tập hợp mọi người cho việc lớn, chúng tôi hẹn gặp nhau ở Canada tháng năm này và tôi có thể đưa anh sang Mỹ để chuyện trò với các bạn VINAHF am hiểu và yêu thích võ thuật.

Một việc khác mà anh và tôi trao đổi nhiều là các suy nghĩ về việc giúp cho những người bất hạnh tại Bình Định của anh, ngay trong qui hoạch lớn lao của Học viện Võ thuật Tây Sơn, anh có một khu vực dự định dành để giúp cho những người bất hạnh, hay các lớp dạy nghề cho các người khuyết tật. Tôi thấy ở trong anh cái rắn rõi của võ sư là một tấm lòng nhân ái đối với bao người bất hạnh chung quanh. Anh đã đi rất nhiều nơi, thấy và hiểu cảnh sống của bao người và có lẽ đó là lý do của anh đã chú ý đến VINAHF chúng tôi, khi lần đầu tiên anh biết chúng tôi đang tìm người hướng đạo cho việc cứu trợ ở Bình Định. Tôi thật sự sung sướng khi anh hứa là: “Nếu sau này VINAHF cần gì ở Bình Định thì hãy nhớ đến tôi – Hoàng Tùng” và không chỉ dừng lại ở đó, anh còn có cái mỏ đá, nếu chúng tôi có cách gì làm ra tiền từ đó cho các công việc giúp đỡ người bất hạnh, thì anh hứa sẽ dành hết cho việc đó. Tuy biết chuyện đó là xa vời với tôi, nhưng đó là cái thiện chí của anh, tâm nguyện anh là với quãng đời còn lại của mình chỉ muốn đóng góp cho mọi chuyện công ích bằng tất cả những gì anh có. Một suy nghĩ và phong cách sống không phải phổ biến ở Việt nam cho lứa tuổi và địa vị của anh.

Tôi và anh còn nói nhiều chuyện khác, tôi lắng nghe nhiều hơn là nói, bởi tôi muốn học ở anh những gì đã làm anh trở thành một con người tiếp tục hiến thân, phục vụ liên tục. Ở cái tuổi về hưu, anh còn là giảng viên các trường Đại học quốc tế Hồng Bàng, Bình Dương, Cao đẳng Công nghệ ở Sài Gòn, Cao đẳng Công nghệ Thông tin Sài Gòn, phụ trách các trung tâm đào tạo vệ sĩ, ngoài vai trò Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Học viện Tây Sơn, Tổng giám đốc công ty TNHH Sơn Mỹ, chủ đầu tư dự án Học viện Tây Sơn, Anh hoạt động như một người ở tuổi thanh xuân hơn là “vui thú điền viên” của tuổi 60.

Buổi nói chuyện thật là lý thú, chúng tôi quên cả thời gian, cho đến khi chủ tiệm nhắc nhở chúng tôi đã đến giờ đóng cửa, Hoàng và tôi bắt tay chào tạm biệt anh và mong gặp lại anh tại Canada vào tháng Năm này.

Tôi ra về thầm cám ơn “phần thưởng số phận” cho tôi gặp và biết anh, một con người với tấm lòng nhân ái và tinh thần phục vụ. Một người bạn và người thầy mới của tôi.

Cách đây một tuần, tôi gởi email cho Học hỏi về kế hoạch đến Canada của anh Hoàng Tùng. Tôi nhận được email trả lời từ Học với dòng tin :

Xin thông báo cùng thân hữu: võ sư Hoàng Tùng đã bất ngờ ra đi ngày 20 tháng 2 năm 2010 tại Phù Cát, Bình Định. Ra đi khi chưa thực hiện xong ‘Học viện Võ Thuật Tây Sơn’, một người tâm huyết với võ học Tây Sơn, một mất mát lớn cho võ thuật cổ truyền Việt Nam”.

Tôi ngỡ ngàng và xúc động trước sự ra đi quá bất ngờ của anh. Một võ sư tráng kiện, đầy sức sống nhưng anh sao lại ra đi quá đột ngột, thật khó mà ngộ được lẽ vô thường. Vẫn còn trong tâm trí tôi từng lời, từng câu chuyện, hoài bão của anh về “Học viện Võ thuật Tây Sơn”, kế hoạch của anh giúp những người bất hạnh ở Bình Định. Ai ngờ lần gặp anh đầu tiên cũng là lần cuối cùng.

Nhưng thôi “đứa con xưa đã tìm về nhà”, anh ra đi, VINAHF mất một người bạn chân tình, đầy tin cậy. Quê hương Bình Định mất đi người con thân yêu.Đất nước Việt Nam mất đi một con người trung nghĩa, không hề mệt mỏi trong công việc bảo tồn gia sản quí báu của tổ tiên, cha ông.

Công việc lớn anh chưa thành, nhưng còn đó những người học trò anh đã đào tạo, những người học trò như anh Học, sẽ biết phải làm gì để nối tiếp truyền thống con nhà võ Tây Sơn, như anh đã từng nói “Khi nào tim tôi ngừng đập tôi mới giã từ nghiệp võ” và anh đã làm như sự mong đợi của thầy anh.

Tôi không biết gì về võ thuật, chẳng làm gì được để tiếp nối ước mơ làm sống lại “Võ thuật Tây Sơn”, biến hoài bão xây dựng “Học viện Võ thuật Tây Sơn” của anh thành hiện thực, nhưng đêm nói chuyện với anh mãi mãi là một kỷ niệm đáng nhớ, một đóa hoa vô thường, với những lời tâm huyết của anh, những gì anh cùng muốn thực hiện để mang lại hy vọng cho những người bất hạnh, về phần này, tôi nguyện sẽ tiếp tục làm như đã hứa với anh.

Tôi viết ra những dòng này như là nén hương lòng để tưởng niệm đến anh. Không đưa tiễn được anh đến nơi an nghỉ cuối cùng, nhìn “đất ôm anh đưa vào cội nguồn”. Tôi và các bạn ở đây không gặp được anh trong mùa Xuân này để nghe anh kể lại về việc khôi phục “Roi đối kháng võ Tây Sơn”, nghiệt ngã hơn là anh phải chiến đấu với tử thần trên giường bệnh, đã không chứng kiến được sự thành công của buổi biễu diễn vào đêm mồng Bốn tết vừa qua, tại phố cổ Hội An, nơi đã tổ chức tái hiện thi đấu roi trường lần đầu tiên, một tinh hoa võ thuật Tây Sơn tưởng như đã thất truyền mà anh đã âm thầm miệt mài trong bao nhiêu năm làm sống lại.

Như một điều báo trước trong cái quán café tôi ngồi với anh, cái Vô Thường đã làm VINAHF chúng tôi không được cùng anh làm những việc cùng tâm nguyện, nhưng anh vẫn sẽ luôn luôn với chúng tôi trong những việc làm sắp tới cho những đồng bào bất hạnh chung quanh.

Anh Tùng, anh hãy yên nghỉ, công việc dở dang của anh rồi cũng sẽ có người kế tục.

 New Jersey, cuối đông 2010 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to top
Share via
Copy link
Powered by Social Snap