Yêu Không Quyến Luyến

Mấy ngày trước đó, để tối ưu thời gian gặp nhau do mỗi người một nơi, Na từ thành phố New York, Thuỳ Dương từ sở, Emily từ nhà, tôi ở nơi làm việc cùng gặp nhau ở một quán để gia đình ăn trưa với nhau, cũng là dịp để Emily gặp Na sau chuyến đi Úc thăm gia đình với nhiều câu chuyện vui. Khi chuyện trò, Na cho biết vài tin vui trong công việc, Emily và Na tin năm nay sẽ làm một năm rất tốt cho cả hai con Rồng, không phải nhờ tôi xem lá số tử vi mà do tiên đoán từ … Google!

Na và Emily nói có đọc một post của tôi trên Facebook và nhận xét rõ ràng tôi còn nhiều “attached” (quyến luyến) với nơi làm việc cũ – Bell Labs – và nhắc khéo tôi “walk my talk” (hãy thực hành) lời khuyên tôi hay nói “love without attachment” Yêu nhưng không quyến luyến, hay không lụy.

Bell Labs với diện tích bằng Buckingham Palace của Hoàng gia Anh, nay “Thương hải biến vi tang điền” đã trở thành một complex là một khu thương mại, chung cư và nơi làm việc của một số công ty với cái tên “Bell Works“.

Hôm nay, tôi và Emily đến để thử tiệm ăn Nhật ở đây, tôi dẫn Emily đi một vòng quanh và kể lại vài chuyện cũ đã khiến tôi “quyến luyến” với nơi này, đúng như nhận xét của “hai ả tố nga” đầu lòng của tôi, tôi vẫn còn nhiều lưu luyến với nơi đây và hay trở lại vì đó là những năm tháng tuy vất vả nhưng rất đẹp với tôi.

Đó là những năm tháng đáng nhớ, khi tôi bắt đầu lại cuộc đời ở Mỹ, với công việc đầu tiên tuy rất khiêm tốn ở đây, nhưng là cơ hội “ngàn vàng” để tôi vươn lên và học được biết bao điều tôi luôn mong muốn.

Sau một tháng đến Mỹ, nhờ anh Liêm giới thiệu, tôi có việc tại Bell Labs làm hợp đồng (contractor) về “system admin” cho phần mềm Sablime, sản phẩm của Bell Labs, lúc đó người hướng dẫn (mentor) cho tôi là một kỹ sư hệ thống (systems engineer) người Ấn Độ gốc, với chức danh là “Senior Member Technical Staff” (viết tắt SMTS, tạm dịch: thành viên cao cấp của Ban Kỹ Thuật, chữ “kỹ thuật” ở đây là chỉ công việc nghiên cứu & triển khai tại AT&T Bell Labs “huyền thoại“), tôi phải hỗ trợ cho ông và ngồi chung phòng với ông.

Nhìn phong cách làm việc của ông, với tất cả sự tôn trọng, sự hỗ trợ của Bell Labs cho việc ông đang làm và được ông có chia sẻ, giải thích rất nhiều điều với tôi về văn hoá của Bell Labs, tôi ước ao ngày nào đó tôi cũng được là một SMTS.

Sau 4 năm làm việc miệt mài, hăng say, quyết tâm chiến thắng với “đấu tranh này là trận cuối cùng” cho gia đình tôi từ “hai bàn trắng tay” khi đến Mỹ, tôi được Công ty AT&T chính thức tuyển dụng với chức vụ SMTS tại Bell Labs, với mức lương khởi điểm gấp nhiều lần thu nhập so với năm đầu tiên tôi qua Mỹ, chưa kể các “bổng lộc” và quyền lợi khác. Trong 4 năm tôi đã tận dụng các cơ hội tại Bell Labs, để bù đắp được 17 năm đã bị mất đi.

Tuy tôi tự mình, tận lực để đạt được mơ ước qua các thành quả công việc, nhưng cũng nhờ may mắn lớn là tôi có một người sếp (supervisor) tốt, ông đã tin tưởng, ủng hộ và tạo điều kiện cho tôi phát huy được khả năng. Chính ông là người quyết định nhận tôi vào cấp SMTS, sau khi đã giúp cho tôi đi học lại, lấy bằng Masters thứ hai để tạo điều kiện cho tôi được tuyển dụng vào vị trí SMTS. Với lòng trung thành và biết ơn, tôi nghĩ sẽ làm việc cho ông lâu dài, nhưng ông đã nhận một đề nghị quá tốt của AT&T (VRIP package) để nghỉ hưu rất sớm, trong buổi nói chuyện với tôi khi chia tay, ông cho tôi những lời khuyên có giá trị, tôi nghe ông để phát triển thêm chuyên môn của mình, và tôi luôn nhớ đến ông – Robert Steward – là người sếp đầu tiên của tôi ở Bell Labs và người ơn lớn trong cuộc đời của tôi.

Gia đình tôi cũng thay đổi nhiều hơn từ ngày tôi chính thức được đứng trong hàng ngũ “Senior Technical Staff” của Bell Labs.

Tuy khi đến Mỹ thì cái thời sung sức thanh xuân (“prime time“) của tôi đã mất đi 17 năm, 17 năm “tiền diện phong sương đa thọ quá” từ sau 75 như đã tiên đoán trong bài thơ tứ tuyệt, với bao nhiêu dự tính không thành, nên tôi quyết tâm bây giờ: “đấu tranh này là trận cuối cùng” và chính môi trường làm việc ở Bell Labs đã giúp tôi đạt được giấc mơ, làm được điều tôi mong cho gia đình, cho các con của tôi.

Kể lại chuyện cho Emily nghe, tôi không nói về chuyên môn, kỹ thuật, hay về những khám phá phát minh mà tôi may mắn đã được dự trong các buổi nói chuyện, vì tại đây thường có những cuộc nói chuyện về những kỹ thuật, công nghệ tiên phong hứa hẹn cho một chân trời mới, ví dụ như thời đại thông tin hôm nay, được trình bày rất sớm ở đây. Tôi nhớ được xem trình bày về cái browser đầu tiên (tiền Netscape) và khi diễn giả nhấn chuột (click) lên các links để lấy được các hình ảnh từ NASA, hội trường thích thú về tiềm năng của nó trong tương lai dựa trên mạng Internet.

Câu chuyện tôi muốn kể lại với các con mình là các bài học về giá trị con người, về tinh thần đồng đội (teamwork), sự phát triển cá nhân (human development), kỹ năng lãnh đạo (leadership skills), trong đó có hai chuyện tôi nhớ lâu và kể lại:

Sau khi tôi được nhận vào làm việc, tuy là một nhân viên rất khiêm tốn, nhưng người “sếp” (supervisor) trực tiếp của tôi cũng dẫn tôi đến gặp người sếp cấp trên cao hơn “Department Head“. Ông ân cần hỏi han, còn tôi thì quá rụt rè, bối rối vì tiếng Anh của tôi cả nghe nói đều còn “bập bẹ“. Lúc tôi đi ra, đi qua một phía bên ngoài có những vật bằng thủy tinh hay lộng kiếng cho thành tích của ông (recognitions) trên kệ, tôi không hiểu vụng về khi lấy cuốn sách trên kệ tôi làm rớt xuống bể tan tành 1, 2 cái recognitions. Tôi vô cùng lo lắng.

Nghe tiếng đồ vỡ, ông “sếp lớn” này từ phía trong chạy ra, hỏi tôi có sao không, tôi thì quá lo sợ do đã làm vỡ các thứ quí giá của ông, tôi cúi xuống lượm tiếp các mảnh thuỷ tinh vỡ tung toé và lắp bắp lời xin lỗi, ông khoát tay và tiếp tục cùng một câu hỏi, sau đó ông nhấn mạnh để tôi hiểu được là ông không hề quan tâm đến các đồ đã vỡ, ông chỉ muốn biết chắc tôi không hề hấn gì mà thôi! Thái độ ông cho tôi hiểu ông quan tâm đến con người chớ không phải là đồ vật cho dù ông quí nó.

Kinh nghiệm của tôi về sự tôn trọng và quan tâm của ông chủ lớn đến một nhân viên “quèn” là một giá trị của Bell Labs mà tôi đã theo tấm gương này để đối xử với những người khác trong mọi công việc trong hay ngoài chuyên môn, vì tôi muốn đối xử với mọi người như cách tôi đã được đối xử tại Bell Labs, trong những ngày tôi là một di dân nghèo, bở ngỡ, không hiểu biết gì về nước Mỹ nhưng chăm chỉ, cần cù để xây dựng lại cuộc đời mới. Câu chuyện này, giống như câu chuyện mà Ba tôi hay kể một người bạn tốt Nam Kỳ “hào phóng” của ông, anh bạn này cho người bạn mượn chiếc xe mới của anh, xe đi bị tông, người bạn báo tin tai nạn, xe bị hư. Khi nghe tin, anh hỏi và mừng rỡ vì bạn mình bình an vô sự và nói anh đừng lo, cái xe là “chuyện nhỏ” cho dù những năm 60 không mấy ai có xe như vậy. Cả hai chuyện đều về giá trị con người.

Một chuyện khác là cũng trong thính đường (auditorium), nơi các nhân vật như Bill Gates, Dennis Ritchie, Ken Thompson, Bjarne Stroustrup,… đến nói chuyện, có lần tôi dự buổi nói chuyện của người đứng đầu (President) của Bell Labs. Ông nói là trong cuộc đời làm việc, mỗi chúng ta đều có hai tài khoản để xây dựng, một tài khoản với thu nhập từ công viêc chuyên môn, đó là tài khoản ngân hàng, nhưng ông khuyên đừng quên tạo dựng một tài khoản thứ hai – đó là lòng tốt, sự tử tế (kindness), bồi đắp tài khoản này với các đức tính được Bell Labs cổ suý như sự thành thật, tính giúp đỡ, tinh thần đồng đội (teamwork) và hãy cùng nhau làm gia tăng giá trị cho đồng nghiệp. Ông khuyên mọi người hãy đồng thời xây dựng cùng lúc hai tài khoản, chớ không phải là “chiến thắng bằng mọi giá” (win with all costs).

Đó là quan điểm của một người lãnh đạo Bell Labs muốn nhắn nhủ đến các nhân viên làm việc tại đây!

Tài khoản thứ hai cũng không khác điều như là “nghiệp tốt” (good karma account), cái “Đức” mà ông bà chúng ta thường khuyên con cháu nên gieo trồng. Bell Labs khuyên các nhân viên mình nên vừa có tài vừa có đức.

Nhân các con nhận xét tôi còn quyến luyến nới làm việc cũ, tôi kể lại chuyện tuy xưa, nhưng chẳng hề cũ, bởi vì cho đến hôm nay, những điều thông thái (wisdom), lời khuyên hay tôi đã học hỏi tại Bell Labs, như câu chuyện 2 tài khoản, vẫn như mới hôm qua, chưa kể nhiều lớp huấn luyện mà AT&T đã cho tôi cơ hội đi học, đặc biệt là khoá huấn luyện Dale Carngie dài 13 tuần lễ về cách phát huy được tiềm lực cá nhân, kỹ năng lãnh đạo cho các đồng nghiệp cùng cấp và các xếp (managers).

Tôi được xếp hạng nhất trong khóa huấn luyện này với các bài viết từ kinh nghiệm của “con đường đau khổ” đã trải qua và được mời cộng tác với Cty Dale Carnegie.

Khóa học này đã không chỉ giúp tôi phát triển chính mình tại công ty AT&T, mà còn giúp tôi áp dụng rất có kết quả trong những lãnh vực khác nhau, đến hôm nay các kiến thức này vẫn còn giúp tôi rất nhiều, và tôi nguyện sẽ tiếp tục dùng những điều tôi học được ở đây để giúp bất cứ ai phát triển được tiềm năng của họ, như cùng góp sức với BCH VINAHF trong công việc lãnh đạo, việc giúp cho các TNV trong mạng lưới VINAHF, hay các học sinh được VINAHF bảo trợ phát triển được tiềm năng của các em, đó là cách để tôi tỏ lòng biết ơn (“Pay it forward“) đến những gì tôi đã học được ở đây – Bell Labs – nơi đã giúp cho tôi có cuộc sống hôm nay, và nơi tôi học được những phong cách làm việc, các giá trị đã thu hút, và phát triển được các nhân tài về cho đất nước này.

Tôi kể lại cho các con tôi, là thế hệ thứ hai ở Mỹ, hãy ghi nhớ để bảo tồn và phát huy các giá trị cao quí này như “uống nước nhớ nguồn” và đó là những giá trị cao quí khiến đất nước Hoa Kỳ này vĩ đại.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to top
Share via
Copy link
Powered by Social Snap