Chiều Qua Tuy Hoà

TuyHoa-Gray

Cách đây gần 30 năm, khi tôi lần đầu tiên nghe bài “Chiều qua Tuy Hòa” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang tôi cảm thấy yêu thích vì trong thấy lời ca có chứa đựng những tình cảm dạt dào với người dân nghèo. Khi đó Tuy Hòa trong tâm trí tôi là một nơi xa xôi nào đó trên quê hương có “Hòn Vọng Phu” với tiếng sóng vỗ bờ, khung cảnh êm đềm. Vào gần cuối năm học lớp 12, tôi “làm liều” ôm cây đàn ghi-ta mà chỉ mới học lóm được vài hợp âm để đại diện cho lớp lên hát bài “Chiều Qua Tuy Hòa” trong buổi văn nghệ toàn trường. Tôi liều vì giáo sư hướng dẫn lớp 12B của tôi, lúc đó đang bối rối do lớp ban B của thầy không có ai có đủ “tâm hồn nghệ sĩ” để có một tiết mục gì của lớp. Tuy tôi rất có cảm xúc với bài “Chiều Qua Tuy Hòa” nhưng tôi đã biểu diễn dưới trung bình so với các tiết mục văn nghệ của trường. Tuy vậy đó lại là một kỷ niệm khó quên đối với tôi và từ đó, bạn bè cùng năm có mặt trong đêm văn nghệ đã cho tôi một biệt danh, mỗi khi gặp tôi sau bao năm vẫn còn nhớ và ưu ái gọi tôi là “Khiết - Chiều Qua Tuy Hòa”.

 Vào Sài Gòn học, mỗi năm tôi về thăm nhà được hai lần trên các chuyến xe liên tỉnh, hay tàu Thống Nhất - đã bao lần chạy qua Phú Yên nhưng chẳng lúc nào ghé đến Tuy Hòa, tuy vậy bài ca này vẫn mãi trong lòng tôi, nhất là lòng hay xao xuyến khi nhìn đỉnh núi “Hòn Vọng Phu”. Tôi luôn liên tưởng đến Tuy Hòa như Nguyễn Đức Quang đã diễn tả: “Ôi những chiều mây vắt ngang lưng đồi, Vọng Phu đưa mắt cũng buồn theo.”

Tôi rời quê hương với hai bàn tay trắng, bỏ lại đàng sau những kỷ niệm vui buồn, những năm “phong sương” sau 1975, nhạc Nguyễn Đức Quang bị cấm không được hát và nhạc sĩ cũng bị vào trại cải tạo, nhưng bao bài nhạc du ca đầy tâm huyết của NĐQ như “Chiều Qua Tuy Hòa” thì không bao giờ tôi quên, nó mãi trong lòng tôi. Có lần, khi nhìn cảnh chiều tà với “đàn chim tung cánh bay bay đầu gió...” tôi lại hát bài này trên bờ đê trong vùng ruộng muối Bạc Liêu với một nhóm các bạn sinh viên Địa-Vật lý của đại học Khoa học khi đi thực tập địa chấn vào năm 1978, mà khi bị hỏi: “Có phải đang hát nhạc vàng không?” tôi “giả vờ” nói đó là “bài hát lãng mạng cách mạng” không nhớ tên nhạc sĩ!

Sinh ra và lớn lên ở miền Trung, cái xứ sở “trời hành cơn lụt mỗi năm”, tôi in trong trí từ nhỏ các hình ảnh lũ lụt, tản cư, tang tóc và các cuộc cứu trợ của Hướng đạo Quảng Nam – Các tin tức về bão lụt miền Trung là một sợi dây nối tôi về lại cái tuổi thơ “dữ dội” ở Hội An. Tôi vẫn theo dõi các tin tức này cho dù ở đâu. Mùa Thu 2009, ở Mỹ tôi nghe tin thiên tai tàn khốc, các cơn bão lũ liên tiếp 9, 10, 11 và trận thứ ba đã đánh nặng nề vào Phú Yên, một trong những thiên tai mà Tuy Hòa được nhắc đến với trận lũ lụt lớn nhất trong suốt 40 năm. Internet nhanh chóng cho tôi được thấy vài hình ảnh của Tuy Hòa, Phú Yên từ ở một phương trời xa xôi. Bài hát năm xưa lại gợi lại, nó đã tạo cho tôi một sự gắn bó với Tuy Hòa.

Cho đến khi phi cơ hạ cánh phi trường Tân Sơn Nhất thì tôi biết chắc mình sẽ ghé đến thành phố Tuy Hòa sau 27 năm vì Phú Yên là điểm khởi đầu của các cuộc cứu trợ lũ lụt ra cho đến tận Quảng Bình bởi vì vùng Phú Yên chịu thiệt hại nặng nề nhất trong thiên tai này.

Một ngày sau khi đến Sài gòn, giữa cơn sốt của Sài Gòn trong trận chung kết đá banh giữa Việt Nam và Indonesia, tôi và Hoàng - một người bạn đồng hành may mắn tránh được cảnh “bát nháo”, kẹt xe để lên kịp chuyến tàu đêm, dự định đúng 7 giờ sáng mai sẽ “rendez-vous” với nhóm thiện nguyện ở Phú Yên và nhóm TNV từ Quảng Nam mà họ đã rời vào 3 giờ khuya hôm đó, để bắt đầu công cuộc cứu trợ - điểm hẹn là tại ga Tuy Hòa.

Tôi và Hoàng xuống sân ga Phú Yên lúc sáng sớm và tôi tự nhủ và mừng là cuối cùng tôi cũng một lần đặt chân đến Tuy Hòa. Các bạn thiện nguyện đã chu đáo sắp xếp cho công cuộc cứu trợ nên chúng tôi nhanh chóng bắt tay vào công việc ngay khi vừa gặp nhau. Chúng tôi có bốn điểm trong vùng Phú Yên, đó là những nơi bị lũ tàn phá nhiều nhất: làng An Định, thôn Đường Rày và một làng tại xã Xuân Quang 2 – Đồng Xuân. Sau khi đến một nơi khá xa trong núi - buôn làng Xóm Mới (mới lập từ 3 năm nay, nơi tập trung người dân tộc Chăm Roy), chúng tôi đến xã Xuân Quang 2 và tìm đến được một ngôi làng bị xóa trắng, cũng là nơi có số người chết nhiều nhất. Làng có khoảng 44 gia đình và tất cả nhà cửa bị vùi lấp hoàn toàn trong cát, dưới cơn lũ khốc liệt theo bùn đất từ núi lở. Thiên tai đã đành, việc các đập thủy điện xã lũ cùng lúc làm cho người dân vô tội gánh chịu thêm tai ương. Cảnh tang thương vẫn còn đó, chúng tôi đứng giữa một khu trống trãi hoang tàn bên dưới lớp “sa mạc cát” là dấu vết của nhà cửa bị vùi lấp. Không còn ai ở đây, nhà cửa đã sập đổ hết. Rãi rác cả một vùng là các dấu tích của bao mái nhà bị chôn vùi chỉ trong một đêm định mệnh.

Không phải đợi lâu, các cư dân lần lượt kéo đến khi nghe tin có đoàn cứu trợ. Chúng tôi hỏi thăm và xin được đến thăm trước các gia đình có người thân chết trong trận lũ, nhưng khi thăm viếng tôi mới hiểu thêm nỗi đau lòng của những người còn sống, cũng không có lập được bàn thờ cho cha mẹ, vợ chồng, hay con cái của mình bởi họ tuy còn sống sót như mất hết nhà cửa, tài sản, công cụ lao động,... lại phải ở tạm các nhà gần đó, nên chỉ một ít có thể lập bàn thờ. Chúng tôi giúp tất cả mọi gia đình trong làng đó, với một ưu đãi khiêm tốn cho các gia đình có thân nhân đã mất.

Khi chúng tôi gần xong làng này để chuẩn bị điểm kế tiếp, thì cũng là lúc bà con các làng lân cận hay tin kéo đến vây kín cả chúng tôi. Mặc dầu một anh trong nhóm cứ lập lại “Chúng tôi hết rồi, không còn gì nữa!” nhưng đồng bào cũng hy vọng, vẫn vây quanh. Một cụ già kéo tay tôi nói: “Cậu ơi! giúp cho tôi, tôi ở làng kế bên cũng bị sập nhà cửa hết cũng như ở đây.” Trong cái áo ký giả nhiều túi của tôi cũng còn nhiều phong bì đã có sẵn tiền để cho địa điểm sắp đến, tôi động lòng muốn rút ra, nhưng anh Thọ, một TNV, biết ý định đã đưa mắt nhìn bảo đừng làm thế, vì như vậy sẽ không thể nào thoát khỏi dễ dàng, hơn nữa trong kế hoạch chúng tôi còn những nơi khác. Tôi đành nói theo: “Chúng tôi không còn gì nữa, xin cho chúng tôi đi!”

Khi tôi thoát ra khỏi vòng vây, nhìn lại thấy anh Nhẫn và một cư sĩ ở địa phương tự nguyện làm hướng dẫn viên cũng vừa rồ xe gắn máy thoát ra khỏi đám đông để lại đàng sau những người dân đứng ngẩn ngơ, nhìn theo thất vọng vì biết không còn hy vọng nhận được giúp đỡ gì nữa. Các người dân nghèo tiều tụy đứng nhìn theo chúng tôi. Xe phóng đi tôi quay lại nhìn hình ảnh của những người dân đang đứng ngóng, thẩn thờ, tôi biết họ đang chống chọi, cố chịu đựng để sống qua được thời gian khó khăn, đau thương này, mà khả năng của chúng tôi quá giới hạn không thể giúp gì được.

Trời đã về chiều, đoàn chúng tôi băng nhanh qua các vùng đồi núi để đến kịp một địa điểm khác trước khi quá trễ.

Khi xong địa điểm cuối trong ngày, thì trời cũng bắt đầu ngả bóng hoàng hôn, nhóm chúng tôi đứng lại cám ơn người xã trưởng địa phương và các bạn Hồng thập tự đã tận tình giúp chúng tôi chọn được đúng khu vực và những người chúng tôi muốn giúp. Anh xã trưởng, vui cười nói: “Tôi phải cám ơn các anh đã đến đây, không có các đoàn cứu trợ thì dân làng tôi chết đói rồi, chắc cũng cần vài tháng nữa. Tụi tui không làm gì được! Nay thì mạ mới lên.” Tôi vui khi nghe được câu nói chân thành từ phía sau, trong khi lẳng lặng rút lui để nhìn cảnh chiều tà trên vùng đất Tuy Hòa. Tôi lại nhớ đến hai câu hát của bài Chiều qua Tuy Hòa: “... Đường đi đưa tới phía Nam nhưng lòng triền miên ray rứt theo miền Trung. Cầu xưa xơ xác sau cơn bão tố, người dân thì tan tác đứng bên đường ngẩn ngơ, ...

Tôi cảm xúc vì những gì tôi đã chứng kiến ngày hôm nay ở các vùng tôi vừa mới đi qua đã được nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang diễn tả thật sống động và tôi lúc này tôi như đang sống trong chính bài hát. Tôi đang lững thững “bước dài ngao ngán bên nương đồi, nhìn quanh trơ đứng bao đồi nương, ...” với hình ảnh các người dân nghèo khổ của Xuân Quang sau lớp bụi mờ đang “tan tác đứng bên đường ngẩn ngơ!” và không hiểu tương lai của họ rồi sẽ ra sao. Tôi đi bộ dọc các con đường ven ruộng cho đến “rồi khi tia nắng phía non Tây tàn, thì người đây cũng như dần tan.

Đêm đó, sau bữa cơm thịt heo rừng trên đường, nhóm chúng tôi ngồi kể lại những gì đã nghe nhưng nay mới thấy, với những gì đã chứng kiến trong ngày thì là “một đêm qua biết bao sầu thương” và chúng tôi chuẩn bị cho chương trình ở Bình Định vào sáng ngày mai. Chuyến tham gia cứu trợ của tôi với VINAHF tiếp tục cho đến khi Quảng Nam và cũng kết thúc ở đây. Với tôi đó là một chuyến đi thành công. Đêm trước ngày tôi về Mỹ, các bạn cũ Trung học Trần Quí Cáp có họp mặt, những bài hát cũ thời xưa được hát lại, ai đó đã yêu cầu tôi ca lại bài “Chiều Qua Tuy Hòa”, bạn bè muốn sống lại cái kỷ niệm của của thời trung học. Theo yêu cầu, tôi đã hát lại bài này, nhưng đêm đó không biết có bạn nào để ý, tâm tư của tôi khi lần này khi hát câu “... Người dân thì tan tác đứng bên đường ngẩn ngơ...” tuy vẫn cùng bài hát, câu hát năm xưa của năm lớp12, nhưng tôi nay đã có một lần sống trong bài hát với nỗi đau của người dân Tuy Hòa.

Có lẽ còn lâu lắm, nhưng tôi tin là tôi sẽ còn có dịp trở lại Tuy Hòa, tôi cầu mong ngày đó Tuy Hòa, sẽ không phải để lại có những “bước buồn theo mãi không gian buồn.” mà mong được thấy một Tuy Hòa của ngày nào:

“Trời xanh le lói bao mộng mơ,
Đàn chim tung cánh bay bay đầu gió,
và đâu đây tiếng sóng bồi phù sa ...

New Jersey -Mùa Đông 2010

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to top
Share via
Copy link
Powered by Social Snap