Người Bán Dưa Cải

Trong những chuyến cứu trợ bão, lũ, lụt, chúng tôi thường gặp các gia đình nhà cửa bị sập, và sống trong tình cảnh bi đát thật đáng thương, con cái, cha mẹ sống trong căn nhà dột nát khắp nơi, thậm chí xiêu vẹo, không an toàn nhưng họ không còn cách nào khác, và đang rất cần sự giúp đỡ. Các trường hợp đó, chúng tôi xin chương trình Viên Gạch Nhân Ái của Lửa Việt giúp họ và Lửa Việt đã từng giúp cho các gia đình này. 

Hôm nay, chúng tôi trở lại căn nhà được chọn để xin Lửa Việt giúp, chỉ gặp mấy cháu ở nhà, cha mẹ đều đi làm ngoài đồng, các cháu biết mục đích của việc viếng thăm nên lễ phép nói chúng tôi ngồi đợi để đi gọi cha mẹ về. 

Tôi không để ý có một phụ nữ đứng bên hiên nhà lắng nghe các trao đổi ngắn ngủi của chúng tôi, bỗng chị mạnh dạn tiến đến tôi và nói: “Chú ơi, nhà tôi cũng nghèo lắm, chú giúp cho tôi!” Tôi thấy chị không có vẻ gì tiều tụy mà còn “mập mạp” nhưng nhìn cặp mắt chị có vẻ van xin nên tôi hỏi: “Chị làm nghề gì? Mà nghèo như thế nào?” Chị nói: “Cậu tới nhà tôi, gần đây thôi.” Tôi hỏi tiếp: “Chị có mấy đứa con?” Chị nói: “Chồng chết rồi, có một đứa con, tôi làm hoài mà nuôi không nổi”, “Chớ hiện chị làm nghề gì?” Chị đáp: “Tôi có gánh dưa cải và mua các thứ ra chợ bán lại” – “Chị mua gì bán lại?” – “Tôi đi đến nhà mua trứng gà, trứng vịt và làm dưa cải, bán rau.” Tôi để ý thấy mấy cái trứng gói trong bao ni lông màu vàng chị đang cầm trên tay. “Vậy một ngày chị kiếm được bao nhiêu?” “Mỗi ngày tôi bán được từ 20.000 đến 30.000 đồng, mà tôi phải trả nợ hết 20.000 đồng”, tôi thắc mắc: “Chị trả nợ một ngày 20.000 cho ai? – Cho chủ nợ phía xóm trên đó!” Tôi hỏi tiếp “Chị mượn họ bao nhiêu và trả bao lâu mới hết.” Chị nói: “Dạ, 500.000 đồng và phải trả đúng 20.000 đồng một ngày không được trễ, ngày nào cũng phải trả. 

Tôi nghĩ trong đầu 20.000 đồng/ngày thì 600.000 đồng một tháng và như vậy thì chỉ một tháng thì chị sẽ trả hết nợ, nên tôi nói: “Như vậy thì chỉ trả xong hết trong một tháng thì tốt quá rồi.

Đâu có chú, tháng sau tôi phải mượn lại, trả đủ 600.000 đồng tôi mới mượn lại được 500.000 khác.” Tôi không hiểu: “Chị trả hết nợ rồi sau đó mượn lại tiếp?” Chị giải thích và tôi mới hiểu, thì ra vì không có vốn chị phải mượn 500.000 đồng một tháng và phải trả lại 600.000 đồng một tháng, nghĩa là lãi 20% một tháng, do đó hàng ngày chị phải góp 20 ngàn đồng cho chủ nợ, nhưng không phải là số tiền chị kiếm được mà trong 20 ngàn “doanh thu” hàng ngày, chỉ có một phần nhỏ là tiền lời do việc buôn bán, nhưng phần lớn là do chị lấy từ cái vốn nợ ra trả lại, do đó đến cuối tháng thì tiền cũng vơi đi và hết sạch, để có thể có vốn chị lại đáo nợ và cứ như thế từ năm này sang năm khác, chị không thoát được. 

Cho nên với lãi suất “cắt cổ” 20% mỗi tháng chị làm ra bao nhiêu cũng chỉ đủ để trả cho chủ nợ, với cái gánh dưa cải và mấy cái trứng gà, vịt mà chị phải trả lãi 20% một tháng thì còn gì đâu mà nuôi sống gia đình, và để chị nuôi con.

Tôi nhớ lại chuyện phong kiến thời xưa, tôi thầm nghĩ cho vay giúp vốn cho người ta làm ăn thì với lãi vừa phải thì được, chớ cho vay 20% một tháng với các người nghèo này thì là “đoản hậu”, ăn lời “cắt cổ” như vậy, còn hơn là câu chuyện “Cái cân thủy ngân.” Đúng là họ đang “hút máu” của những người buôn gánh bán bưng, cái nghèo triền miên sau mấy chục năm “giải phóng” lại sản sinh ra một tầng lớp những người cho vay nặng lãi, góp phần vào việc bần cùng hóa xã hội. 

Tôi đang suy nghĩ, chị nói thêm: “Làm hoài mà chẳng có lúc nào trả được nợ chú ơi! May mà không có bịnh hoạn.” Tôi nhìn chị và hỏi: “Vậy bây giờ chị còn thiếu họ bao nhiêu?” “Tôi mới mượn lại hôm qua 500.000 đồng”. Tôi nói: “Nếu bây giờ chúng tôi giúp chị 500.000 đồng là chị thoát hết nợ, chị sẽ để dành được và mua được nhiều đồ để bán, là chị không phải lo và đỡ cực phải không?” Chị không đáp, chỉ cười nhẹ. Tôi suy nghĩ và đưa mắt nhìn qua người bạn thiện nguyện đi cùng – anh Thọ – rất rành địa phương này, anh bạn nháy mắt ý muốn nói tôi nên cẩn thận. Tôi hiểu ý, vừa lúc đó thì vợ chồng người nông dân cũng vừa về tới để chúng tôi lấy thông tin điền vào mẫu đơn xin xây nhà của Lửa Việt. Chị vẫn còn đứng đó chờ đợi.

 Xong việc giấy tờ cho đơn xin, tôi hỏi hai vợ chồng này về chị “Nhà chị này có nghèo không?” Hai vợ chồng gật đầu và cũng xác nhận là chị đến để mua mấy cái trứng gà trong nhà. Tuy tôi biết anh Thọ muốn có thì giờ thêm vì mỗi khi giúp ai, các anh đều phải đi xác minh tận nhà, nhưng chúng tôi còn phải đi các nơi khác. Tôi nghĩ chị thành thật, lại thêm đã được xác nhận qua hai người chủ nhà, và về việc mua trứng như chị kể, nên tôi tin. Tôi mời chị ngồi xuống và nói với chị: “Bây giờ tôi tin câu chuyện chị kể, thay mặt cho nhóm, tôi giúp chị 500.000 đồng này để chị thoát cái nợ, chị có vốn nuôi con chị.” Tôi rút trong số tiền ra đưa chị, chị sửng sốt và không dấu được sự xúc động, chị có vẻ như nghẹn lời, nên tôi nhanh chóng nói đùa để chị qua cái cảnh xúc động này “vài năm nữa tôi đến thì ghé nhà chị để chị đãi ăn nghe, lúc đó là chị giàu đó, hết nghèo. 

Chị cười và nói cám ơn. Chúng tôi vội vã ra đi và cũng không biết tên của chị. Lên xe Thọ nói: “Ông làm lẹ quá để tôi đến nhà xem cái đã.” 

Tối hôm đó, chúng tôi tập trung lại nhà anh Dũng để kể lại những chuyện trong ngày vì Dũng bệnh phải nằm nhà nhưng rất muốn nghe những chuyện đã làm xem có đúng như ý anh hoạch định không. Anh Thọ nói sơ lại sự việc chị bán dưa cải đó và nói: “Đi với ông Khiết là dễ vỡ kế hoạch lắm, ổng như Cẩm (vợ Thọ) hay lạt lòng.Cái chỗ đó có biết bao nhiêu người như vậy, giúp sao cho hết!” Tôi không phủ nhận cái quyết định “tùy tiện” của mình, và hiểu do khả năng tài chánh rất hạn chế cho nên các bạn phải cân nhắc rất kỹ trước khi giúp ai, cho thật đúng người, nhưng tôi cũng thành thật nói suy nghĩ của mình: “Chắc chắn là còn nhiều người khó khăn hơn, nhưng không biết chị này có duyên gì mà lại đến mua trứng lúc mình đến đó, gặp tụi mình, hơn nữa tôi chấp nhận thà tôi giúp lầm hơn là tôi mất một cơ hội giúp cho chị nuôi con.”

Anh Dũng cười nói: “Không lầm đâu, giúp chuyện đó cũng được, nhưng cái vùng Cẩm Kim đó thì thiếu chi người như vậy, bao nhiêu nông dân cũng chịu vậy để có tiền mua giống, mua phân, nhất là sau cái bão lụt này thì…”, Dũng kèm theo tiếng thở dài, xót xa cho tình cảnh “vay nóng” của người nghèo. Tôi nay mới biết chớ với các bạn thì không có gì lạ. Đó là cuộc sống của những người dân nghèo, nợ lãi suất cao là một phần của cuộc đời họ và chúng tôi đổi qua bàn chuyện khác. 

Đó chỉ là một câu chuyện bên lề về “chị bán dưa cải” trong chuyến đi của tôi nhưng câu chuyện vẫn làm tôi băn khoăn về tình cảnh của bao nhiêu người phải sống triền miên trong cái nợ, không dứt ra, chớ đừng nói là thoát được cái nghèo.

Tôi có nghe nói đã có những cố gắng về chương trình micro-finance cho Việt Nam, tôi viết một câu chuyện bên lề với mong muốn các chương trình này sớm mở rộng và triển khai đến các vùng nông thôn xa xôi, để giúp các người như chị bán dưa cải này. 

Như câu chuyện tôi đã chứng kiến, số tiền 500.000 đồng chỉ tương đương khoảng $30 đô la Mỹ, tuy nó không giúp cho gia đình chị thoát được cái nghèo nhưng có thể giúp chị ra khỏi cái vòng nợ trói buộc gia đình chị năm này qua tháng nọ, nhất là phải sống trong nỗi lo triền miên vì biến cố bất ngờ xảy ra, hay chị đau ốm, chị sẽ không trả được nợ, nỗi lo không nuôi được con. Như anh Dũng & Thọ nói, còn biết bao nhiêu người khác ở đó, cả những nông dân suốt đời làm lụng, tay lấm chân bùn, mà không thoát nợ. 

Người nghèo ở thôn Cẩm Kim là một tiêu biểu của người nghèo ở nông thôn Việt Nam, họ đang bị bóc lột, bần cùng hoá và phải sống trong nợ nần triền miên chỉ vì thiếu vốn để làm ăn.

Mong rằng những ai đang tham gia công việc micro-finance, những người đang đốt một ngọn nến trong cái tối đen mờ mịt của cảnh nghèo, sẽ vươn đến được vô số những người như chị bán dưa cải này, để giúp họ “một cái cần câu” nhưng có khi không chỉ là cái cần câu cho họ có cá cho gia đình, để nuôi con, mà những vốn (micro-loans) có thể là cái phao cấp cứu trước khi họ bị nhận chìm trong cái dòng sông nghèo khổ.

Cẩm Kim – Hội An 2009.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to top
Share via
Copy link
Powered by Social Snap