Cứu Trợ Nạn Nhân thiên Tai – Thay Lời Cám Ơn https://khiet.vinahf.net NGUYỄN THANH KHIẾT Sun, 15 Oct 2023 09:38:35 +0000 en-US hourly 1 https://wordpress.org/?v=6.5.5 https://i0.wp.com/khiet.vinahf.net/wp-content/uploads/2021/12/cropped-cropped-khiet-e1640694139605.png?fit=32%2C32&ssl=1 Cứu Trợ Nạn Nhân thiên Tai – Thay Lời Cám Ơn https://khiet.vinahf.net 32 32 205146790 Chiều Qua Tuy Hoà https://khiet.vinahf.net/2021/12/18/chieu-qua-tuy-hoa/ https://khiet.vinahf.net/2021/12/18/chieu-qua-tuy-hoa/#respond Sat, 18 Dec 2021 08:57:15 +0000 https://khiet.khuetu.com/?p=86 Continue reading]]>
TuyHoa-Gray

Cách đây gần 30 năm, khi tôi lần đầu tiên nghe bài “Chiều qua Tuy Hòa” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang tôi cảm thấy yêu thích vì trong thấy lời ca có chứa đựng những tình cảm dạt dào với người dân nghèo. Khi đó Tuy Hòa trong tâm trí tôi là một nơi xa xôi nào đó trên quê hương có “Hòn Vọng Phu” với tiếng sóng vỗ bờ, khung cảnh êm đềm. Vào gần cuối năm học lớp 12, tôi “làm liều” ôm cây đàn ghi-ta mà chỉ mới học lóm được vài hợp âm để đại diện cho lớp lên hát bài “Chiều Qua Tuy Hòa” trong buổi văn nghệ toàn trường. Tôi liều vì giáo sư hướng dẫn lớp 12B của tôi, lúc đó đang bối rối do lớp ban B của thầy không có ai có đủ “tâm hồn nghệ sĩ” để có một tiết mục gì của lớp. Tuy tôi rất có cảm xúc với bài “Chiều Qua Tuy Hòa” nhưng tôi đã biểu diễn dưới trung bình so với các tiết mục văn nghệ của trường. Tuy vậy đó lại là một kỷ niệm khó quên đối với tôi và từ đó, bạn bè cùng năm có mặt trong đêm văn nghệ đã cho tôi một biệt danh, mỗi khi gặp tôi sau bao năm vẫn còn nhớ và ưu ái gọi tôi là “Khiết - Chiều Qua Tuy Hòa”.

 Vào Sài Gòn học, mỗi năm tôi về thăm nhà được hai lần trên các chuyến xe liên tỉnh, hay tàu Thống Nhất - đã bao lần chạy qua Phú Yên nhưng chẳng lúc nào ghé đến Tuy Hòa, tuy vậy bài ca này vẫn mãi trong lòng tôi, nhất là lòng hay xao xuyến khi nhìn đỉnh núi “Hòn Vọng Phu”. Tôi luôn liên tưởng đến Tuy Hòa như Nguyễn Đức Quang đã diễn tả: “Ôi những chiều mây vắt ngang lưng đồi, Vọng Phu đưa mắt cũng buồn theo.”

Tôi rời quê hương với hai bàn tay trắng, bỏ lại đàng sau những kỷ niệm vui buồn, những năm “phong sương” sau 1975, nhạc Nguyễn Đức Quang bị cấm không được hát và nhạc sĩ cũng bị vào trại cải tạo, nhưng bao bài nhạc du ca đầy tâm huyết của NĐQ như “Chiều Qua Tuy Hòa” thì không bao giờ tôi quên, nó mãi trong lòng tôi. Có lần, khi nhìn cảnh chiều tà với “đàn chim tung cánh bay bay đầu gió...” tôi lại hát bài này trên bờ đê trong vùng ruộng muối Bạc Liêu với một nhóm các bạn sinh viên Địa-Vật lý của đại học Khoa học khi đi thực tập địa chấn vào năm 1978, mà khi bị hỏi: “Có phải đang hát nhạc vàng không?” tôi “giả vờ” nói đó là “bài hát lãng mạng cách mạng” không nhớ tên nhạc sĩ!

Sinh ra và lớn lên ở miền Trung, cái xứ sở “trời hành cơn lụt mỗi năm”, tôi in trong trí từ nhỏ các hình ảnh lũ lụt, tản cư, tang tóc và các cuộc cứu trợ của Hướng đạo Quảng Nam – Các tin tức về bão lụt miền Trung là một sợi dây nối tôi về lại cái tuổi thơ “dữ dội” ở Hội An. Tôi vẫn theo dõi các tin tức này cho dù ở đâu. Mùa Thu 2009, ở Mỹ tôi nghe tin thiên tai tàn khốc, các cơn bão lũ liên tiếp 9, 10, 11 và trận thứ ba đã đánh nặng nề vào Phú Yên, một trong những thiên tai mà Tuy Hòa được nhắc đến với trận lũ lụt lớn nhất trong suốt 40 năm. Internet nhanh chóng cho tôi được thấy vài hình ảnh của Tuy Hòa, Phú Yên từ ở một phương trời xa xôi. Bài hát năm xưa lại gợi lại, nó đã tạo cho tôi một sự gắn bó với Tuy Hòa.

Cho đến khi phi cơ hạ cánh phi trường Tân Sơn Nhất thì tôi biết chắc mình sẽ ghé đến thành phố Tuy Hòa sau 27 năm vì Phú Yên là điểm khởi đầu của các cuộc cứu trợ lũ lụt ra cho đến tận Quảng Bình bởi vì vùng Phú Yên chịu thiệt hại nặng nề nhất trong thiên tai này.

Một ngày sau khi đến Sài gòn, giữa cơn sốt của Sài Gòn trong trận chung kết đá banh giữa Việt Nam và Indonesia, tôi và Hoàng - một người bạn đồng hành may mắn tránh được cảnh “bát nháo”, kẹt xe để lên kịp chuyến tàu đêm, dự định đúng 7 giờ sáng mai sẽ “rendez-vous” với nhóm thiện nguyện ở Phú Yên và nhóm TNV từ Quảng Nam mà họ đã rời vào 3 giờ khuya hôm đó, để bắt đầu công cuộc cứu trợ - điểm hẹn là tại ga Tuy Hòa.

Tôi và Hoàng xuống sân ga Phú Yên lúc sáng sớm và tôi tự nhủ và mừng là cuối cùng tôi cũng một lần đặt chân đến Tuy Hòa. Các bạn thiện nguyện đã chu đáo sắp xếp cho công cuộc cứu trợ nên chúng tôi nhanh chóng bắt tay vào công việc ngay khi vừa gặp nhau. Chúng tôi có bốn điểm trong vùng Phú Yên, đó là những nơi bị lũ tàn phá nhiều nhất: làng An Định, thôn Đường Rày và một làng tại xã Xuân Quang 2 – Đồng Xuân. Sau khi đến một nơi khá xa trong núi - buôn làng Xóm Mới (mới lập từ 3 năm nay, nơi tập trung người dân tộc Chăm Roy), chúng tôi đến xã Xuân Quang 2 và tìm đến được một ngôi làng bị xóa trắng, cũng là nơi có số người chết nhiều nhất. Làng có khoảng 44 gia đình và tất cả nhà cửa bị vùi lấp hoàn toàn trong cát, dưới cơn lũ khốc liệt theo bùn đất từ núi lở. Thiên tai đã đành, việc các đập thủy điện xã lũ cùng lúc làm cho người dân vô tội gánh chịu thêm tai ương. Cảnh tang thương vẫn còn đó, chúng tôi đứng giữa một khu trống trãi hoang tàn bên dưới lớp “sa mạc cát” là dấu vết của nhà cửa bị vùi lấp. Không còn ai ở đây, nhà cửa đã sập đổ hết. Rãi rác cả một vùng là các dấu tích của bao mái nhà bị chôn vùi chỉ trong một đêm định mệnh.

Không phải đợi lâu, các cư dân lần lượt kéo đến khi nghe tin có đoàn cứu trợ. Chúng tôi hỏi thăm và xin được đến thăm trước các gia đình có người thân chết trong trận lũ, nhưng khi thăm viếng tôi mới hiểu thêm nỗi đau lòng của những người còn sống, cũng không có lập được bàn thờ cho cha mẹ, vợ chồng, hay con cái của mình bởi họ tuy còn sống sót như mất hết nhà cửa, tài sản, công cụ lao động,... lại phải ở tạm các nhà gần đó, nên chỉ một ít có thể lập bàn thờ. Chúng tôi giúp tất cả mọi gia đình trong làng đó, với một ưu đãi khiêm tốn cho các gia đình có thân nhân đã mất.

Khi chúng tôi gần xong làng này để chuẩn bị điểm kế tiếp, thì cũng là lúc bà con các làng lân cận hay tin kéo đến vây kín cả chúng tôi. Mặc dầu một anh trong nhóm cứ lập lại “Chúng tôi hết rồi, không còn gì nữa!” nhưng đồng bào cũng hy vọng, vẫn vây quanh. Một cụ già kéo tay tôi nói: “Cậu ơi! giúp cho tôi, tôi ở làng kế bên cũng bị sập nhà cửa hết cũng như ở đây.” Trong cái áo ký giả nhiều túi của tôi cũng còn nhiều phong bì đã có sẵn tiền để cho địa điểm sắp đến, tôi động lòng muốn rút ra, nhưng anh Thọ, một TNV, biết ý định đã đưa mắt nhìn bảo đừng làm thế, vì như vậy sẽ không thể nào thoát khỏi dễ dàng, hơn nữa trong kế hoạch chúng tôi còn những nơi khác. Tôi đành nói theo: “Chúng tôi không còn gì nữa, xin cho chúng tôi đi!”

Khi tôi thoát ra khỏi vòng vây, nhìn lại thấy anh Nhẫn và một cư sĩ ở địa phương tự nguyện làm hướng dẫn viên cũng vừa rồ xe gắn máy thoát ra khỏi đám đông để lại đàng sau những người dân đứng ngẩn ngơ, nhìn theo thất vọng vì biết không còn hy vọng nhận được giúp đỡ gì nữa. Các người dân nghèo tiều tụy đứng nhìn theo chúng tôi. Xe phóng đi tôi quay lại nhìn hình ảnh của những người dân đang đứng ngóng, thẩn thờ, tôi biết họ đang chống chọi, cố chịu đựng để sống qua được thời gian khó khăn, đau thương này, mà khả năng của chúng tôi quá giới hạn không thể giúp gì được.

Trời đã về chiều, đoàn chúng tôi băng nhanh qua các vùng đồi núi để đến kịp một địa điểm khác trước khi quá trễ.

Khi xong địa điểm cuối trong ngày, thì trời cũng bắt đầu ngả bóng hoàng hôn, nhóm chúng tôi đứng lại cám ơn người xã trưởng địa phương và các bạn Hồng thập tự đã tận tình giúp chúng tôi chọn được đúng khu vực và những người chúng tôi muốn giúp. Anh xã trưởng, vui cười nói: “Tôi phải cám ơn các anh đã đến đây, không có các đoàn cứu trợ thì dân làng tôi chết đói rồi, chắc cũng cần vài tháng nữa. Tụi tui không làm gì được! Nay thì mạ mới lên.” Tôi vui khi nghe được câu nói chân thành từ phía sau, trong khi lẳng lặng rút lui để nhìn cảnh chiều tà trên vùng đất Tuy Hòa. Tôi lại nhớ đến hai câu hát của bài Chiều qua Tuy Hòa: “... Đường đi đưa tới phía Nam nhưng lòng triền miên ray rứt theo miền Trung. Cầu xưa xơ xác sau cơn bão tố, người dân thì tan tác đứng bên đường ngẩn ngơ, ...

Tôi cảm xúc vì những gì tôi đã chứng kiến ngày hôm nay ở các vùng tôi vừa mới đi qua đã được nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang diễn tả thật sống động và tôi lúc này tôi như đang sống trong chính bài hát. Tôi đang lững thững “bước dài ngao ngán bên nương đồi, nhìn quanh trơ đứng bao đồi nương, ...” với hình ảnh các người dân nghèo khổ của Xuân Quang sau lớp bụi mờ đang “tan tác đứng bên đường ngẩn ngơ!” và không hiểu tương lai của họ rồi sẽ ra sao. Tôi đi bộ dọc các con đường ven ruộng cho đến “rồi khi tia nắng phía non Tây tàn, thì người đây cũng như dần tan.

Đêm đó, sau bữa cơm thịt heo rừng trên đường, nhóm chúng tôi ngồi kể lại những gì đã nghe nhưng nay mới thấy, với những gì đã chứng kiến trong ngày thì là “một đêm qua biết bao sầu thương” và chúng tôi chuẩn bị cho chương trình ở Bình Định vào sáng ngày mai. Chuyến tham gia cứu trợ của tôi với VINAHF tiếp tục cho đến khi Quảng Nam và cũng kết thúc ở đây. Với tôi đó là một chuyến đi thành công. Đêm trước ngày tôi về Mỹ, các bạn cũ Trung học Trần Quí Cáp có họp mặt, những bài hát cũ thời xưa được hát lại, ai đó đã yêu cầu tôi ca lại bài “Chiều Qua Tuy Hòa”, bạn bè muốn sống lại cái kỷ niệm của của thời trung học. Theo yêu cầu, tôi đã hát lại bài này, nhưng đêm đó không biết có bạn nào để ý, tâm tư của tôi khi lần này khi hát câu “... Người dân thì tan tác đứng bên đường ngẩn ngơ...” tuy vẫn cùng bài hát, câu hát năm xưa của năm lớp12, nhưng tôi nay đã có một lần sống trong bài hát với nỗi đau của người dân Tuy Hòa.

Có lẽ còn lâu lắm, nhưng tôi tin là tôi sẽ còn có dịp trở lại Tuy Hòa, tôi cầu mong ngày đó Tuy Hòa, sẽ không phải để lại có những “bước buồn theo mãi không gian buồn.” mà mong được thấy một Tuy Hòa của ngày nào:

“Trời xanh le lói bao mộng mơ,
Đàn chim tung cánh bay bay đầu gió,
và đâu đây tiếng sóng bồi phù sa ...

New Jersey -Mùa Đông 2010

]]>
https://khiet.vinahf.net/2021/12/18/chieu-qua-tuy-hoa/feed/ 0 86
Món Quà Sinh Nhật https://khiet.vinahf.net/2021/12/05/mon-qua-sinh-nhat/ https://khiet.vinahf.net/2021/12/05/mon-qua-sinh-nhat/#respond Sun, 05 Dec 2021 08:55:35 +0000 https://khiet.khuetu.com/?p=78 Continue reading]]> Sau mỗi chuyến đi cho công việc VINAHF tại Việt Nam, tôi luôn học được nhiều điều mới, biết thêm được những tấm lòng cao quí, những “bồ tát” âm thầm, nguyện cống hiến cuộc đời để làm dịu nỗi khổ đau của bao người, như câu chuyện ma-sơ Thu Tâm với công việc chăm sóc các bệnh nhân cùi ở trại phong EaNa, Daklak đã để lại tôi một ấn tượng sâu đậm. Tuy không thể ghi hết, nhưng tôi vẫn cố viết một vài câu chuyện mà tôi nghĩ lý thú vì sự việc xảy ra trong cái “trùng trùng duyên khởi” nhưng các sự kiện rời rạc, xa xôi, “ngẫu nhiên” liên kết để tạo thành một bức tranh đẹp như chuyện dưới đây.

Khi đoàn chúng tôi đến Nghệ An, do phạm vi các người nghèo ở cách quá xa nhau, chúng tôi vẫn không đến hết các gia đình nghèo muốn đến, cho nên những gia đình nghèo ở xa sẽ tập trung sớm về tại tu viện Mến Thánh Giá (MTG) Vinh để nhận tiền và quà cứu trợ và sau đó chúng tôi sẽ đến các gia đình có thể đến được.

Tại đây, khi tôi phát quà cho một người thiếu phụ trẻ, xanh xao, chị bật khóc, các gia đình được chọn lựa là họ rất nghèo, chúng tôi thường cảm nhận được sự biết ơn của họ qua ánh mắt hay một cái siết tay khi nhận quà, nhưng bật khóc thì ít có. Tôi hỏi: “Em có chuyện gì mà khóc?” chị nói: “Con em sắp chết rồi.” và tiếng nấc lớn hơn, tôi hỏi tiếp: “Cháu bị bệnh gì, sao em nghĩ con em sắp chết?” Chị trả lời: “Cháu ói ra máu, hôm qua xuống nhà thương, nhưng không chữa được, nó bị tim và cần phải mổ nhưng con không có tiền.” Một vài câu hỏi nữa về em bé, nhưng tôi không biết thêm gì hơn ngoài tiếng nức nở. Tôi quay lại hỏi các ma-sơ, vì họ chọn, giới thiệu gia đình chị này được nhận sự giúp đỡ và được giải thích, em bé con của chị bị đau tim bẩm sinh và đến nay vẫn không được chữa trị. Tôi phần nào cảm thông được nỗi đau của người mẹ nhìn con mình nằm đau mà bất lực vì nghèo. Có lẽ chị khắc khoải trông vào một phép lạ để cứu được con, cháu tên Yến Nhi.

Tôi xót xa khi thấy nước mắt của người mẹ thương con chảy dài, tôi nói: “Chiều nay tôi sẽ lên thăm cháu rồi xem có giúp gì được không.” Chỉ một lời hứa đến thăm, nhưng tôi thấy đã làm được dịu bớt nhiều nỗi đau của chị.

Phát quà cứu trợ xong, nhóm chúng tôi vội vã đi đến các gia đình cần phải đến, bị trời mưa, đường quá khó đi, trơn trợt, hai tay gắn máy kỳ cựu của nhóm tôi là Hoàng và anh Dũng mà cũng bị trượt ngã xe hai lần, phần tôi được ma sơ lái xe giỏi nhất chở tôi đi. Sau khi đi hết các gia đình quanh vùng, tôi nhớ đến lời hứa lên thăm gia đình cháu Yến Vi và hỏi nhờ đưa lên đi, nhưng không ai nghĩ là tôi nên đi vì có thể không đến đó được trong lúc mưa như thế này, ngay cả ma sơ vừa chở tôi đi rất tận tình, cũng rất e ngại, không tin là ma sơ lái lên được đến đó, dù chỉ cách khoảng 5 cây số. Tôi không dám ép, nhưng tôi nghĩ người phụ nữ xanh xao kia – chị Tuân – đã xuống được, về được thì phải có cách. Tôi biết chắc là chị Tuân đang chờ và tôi đã hứa. Mỗi khi có nhiếu trở ngại, khó khăn để đến một nơi nào, tôi luôn nhớ câu nói của Nguyễn Bá Học “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông.”

Vì thấy tôi cương quyết nên các sơ chìu ý và may mắn họ tìm được một người sẽ chở tôi đi đến. Đường đi khó tôi muốn ghi hình làm kỷ niệm, nhưng phải bám chặt hai tay không thì bị văng ra khỏi xe bất cứ lúc nào, cuối cùng tôi cũng đến được nhà chị Tuân. Chị Tuân đang cuốc cày dưới mưa nhận ngay ra chúng tôi và vội vã chạy về nhà. Tôi có thời gian hỏi thăm kỹ hơn và biết cháu không ăn được từ nhỏ, lúc sinh ra được chẩn đoán bệnh tim cần giải phẫu. Cháu không ăn được chỉ có uống được sữa bò Ông Thọ nên rất yếu, không đứng, ngồi được. Cách đây đã lâu cháu có hồ sơ bệnh án nhưng không ai giúp gì được nên cháu vẫn phải tiếp tục sống như vậy. Nhìn cảnh cơ hàn của gia đình, tôi giúp thêm tiền cho chị và cho chị thêm một chiếc mền nữa, chị sẽ nhận tại tu viện.

Tôi chụp hình cháu bé và dè dặt hứa sẽ theo dõi việc này để giúp, tôi không biết làm được gì, nhưng chỉ có lời hứa cũng đủ làm người mẹ vui hơn nhiều và hy vọng. Đã hứa nhưng tôi chưa biết phải làm gì vì nguồn lực VINAHF rất hạn chế, chúng tôi chưa dám nghĩ đến việc giúp mổ tim vì biết rất tốn kém, nhưng tôi vẫn thầm mong là mình cứ làm hết sức rồi biết đâu, quới nhân, ơn trên phù hộ cho đủ nhân duyên và tôi hy vọng mong manh vào cuộc gặp gỡ sắp đến.

Khi biết tôi sắp về VN, nhóm “Maison Chance USA” của anh Trung ở Maryland – Virginia, có nhờ tôi mang một số tiền mặt để đưa tận tay cho “một nhóm bạn trẻ đầy lòng nhân ái, chuyên lo giúp trẻ em nghèo để mổ tim“. Tôi hoàn toàn chưa biết ai trong nhóm này, nhưng anh Trung – một người đã ủng hộ rất mạnh cho VINAHF – nhờ việc này, cho nên tôi rất vui để giúp anh như là một việc nhỏ để cám ơn nhóm anh, hơn nữa tôi luôn muốn tìm làm bạn với những người trong nhóm anh Trung, mà tôi có “linh cảm” sẽ mang đến tôi rất nhiều điều tích cực từ tấm lòng nhân hậu của họ.

Tôi đã một lần mất ví ở phi trường TSN, nên tôi rất sợ mang tiền, muốn giao ngay số tiền trước khi rời Sài Gòn lên Tây Nguyên và đi khắp nơi, nhưng không làm được, phải giữ số tiền cho đến hơn 2 tuần sau và chỉ còn một ngày cuối tôi phải làm xong trước khi đi Úc. Tôi gặp được hai người đại diện trong nhóm các thiện nghiện chuyên lo giúp mổ tim cho trẻ em nghèo, hai cô bạn trẻ Thảo và Hiền (T&H). Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, xa lạ nhưng chỉ trong giây lát chúng tôi nhanh chóng làm quen và thân thiện như đã biết và làm việc lâu năm với nhau, Thảo và Hiền tận dụng khoảng thời gian ngắn còn lại của tôi, đưa tôi đến bệnh viện và tôi được biết thực trạng và gặp được cha mẹ và một bé gái người thiểu số (người dân tộc) mà cháu được nhóm T&H sắp xếp trong ca mổ sắp đến. Thật là một thiện duyên cho tôi đến tận nơi, hiểu thêm rõ những việc làm cao quí, âm thầm mà nhóm T&H đã giúp trên 90 trường hợp mổ tim thành công cho các trẻ em nghèo. Nhóm T&H không có tổ chức, không có tên tuổi gì, chỉ muốn thầm lặng làm việc với những ai biết và ủng hộ cho công việc của họ. Tôi rất cảm phục khi biết được thêm qua những tâm sự ngắn ngủi đầy tình người và được gặp gỡ, chuyện trò với gia đình với các trẻ em sắp được giải phẩu là tại đây.

Tôi nhớ lời hứa cho bé Yến Nhi, kể lại chuyện và không chờ đến khi tôi nhờ giúp đỡ, nhóm T&H đã rất mau mắn, nhiệt tình chỉ vẽ tôi từng bước cho cháu được đưa đến bệnh viện để được nhóm lo cho em. Cũng trong dịp này T&H giới thiệu tôi làm quen nhóm y tá và người bác sĩ đã từng phẫu thuật thành công rất nhiều các ca mổ tim cho các em. Tôi không ngờ nhân duyên đưa đẩy đến một cuộc hội ngộ thú vị trong thời gian thật ngắn. Khi chia tay, nhóm T&H còn chu đáo lo taxi theo tôi đi tận nơi có cuộc hẹn khác, để biết chắc tôi không bị lạc đường, rồi trễ hẹn. Bắt tay tạm biệt nhóm T&H, lòng tôi thật vui, biết được hai người bạn mới với công việc âm thầm họ làm biết bao nhiêu năm qua và lời hứa sẽ lo cho em bé ở Nghệ An, cùng với những hướng dẫn cần phải làm gì để cho em Yến Nhi nhanh chóng được chuyển vào Sài Gòn. Với nhiều tình huống như việc của em Yến Nhi, tôi luôn cố làm tất cả những gì cần làm và phần còn lại tôi giao hết cho Ơn trên và bình thản chấp nhận kết quả dù thế nào, nhưng không ngờ “nhân duyên” đưa đẩy cho tôi giữ được lời hứa đến gia đình chị nông dân kia giống như là đã trong một kế hoạch được sắp xếp chu đáo. Hay đó chính là Luật Hấp Dẫn “sức mạnh ý muốn” mà BS Wayne Dyer luôn luôn muốn quảng bá như là một kỳ diệu vốn có của vũ trụ.

Tôi trở về Mỹ sau khi nối kết được các ma sơ ở MTG Vinh, các thiện nguyện VINAHF và nhóm T&H để cùng phối hợp, chung lo cho em Yến Nhi và đó là một trong vài việc mà tôi chờ đợi, hy vọng về kết quả trong số rất nhiều việc mà nhóm VINAHF đã “tạo duyên“. Tôi bị đổi giờ (jet lag) và nhờ ít ngủ nên có thêm thời gian đọc email, trong nhiều email nhận vào lúc 3 giờ sáng nay, email của Hạnh Thảo tin tôi biết với nguyên văn:

Em bé mà anh chị em mình thăm ở bệnh viện hôm trước là ca số 90 (bé Cham thị Ngọc Huyền), bé này đã được mổ thành công ngày thứ 6 (hôm anh em mình gặp bé là thứ 4), bé được xuất viện luôn rồi anh nhé, em có cc anh trong các báo cáo mổ tim vừa rồi của em đó (nhưng hình như mail gửi anh bi trả lại, để em gửi lại xem sao anh nhé). Tuần lễ sau đó mình có thêm một ca nữa la ca 91 cũng đã mổ xong rồi, sắp được xuất viện.

Bé Yến Nhi ở Vinh thì em đã tiếp xúc được với gia đình và với Sơ Hợp rồi, theo các bác sĩ ở Vinh thì gia đình phải nuôi cháu thêm một thời gian để cháu khoẻ hơn mới có thể đi lên thành phố để khám tiếp được, em sẽ theo dõi tiếp và sẽ báo anh sau khi có thêm kết qủa, em dang nhờ các bác sĩ Nhi Đồng 2 xem them bệnh án cho bé để xem họ có ý kiến gì về bệnh của bé.” và kết email với lời chúc mừng sinh nhật hóm hỉnh, dễ thươngcho tôi, cũng là ngày Tết Dương lịch.

Tuy việc chữa trị cho bé vẫn còn chờ xem nhưng đọc email T&H tôi vui mừng vì bé Yến Nhi nay đã nằm trong vòng tay nhân ái của nhóm T&H và cháu sẽ nhận được tình thương cao nhất có thể có được, mong đây sẽ là ca thứ 92 thành công trong công việc giúp, cứu sống các trẻ em nghèo như Yến Nhi của nhóm T&H. Tin vui từ email của T&H làm tôi muốn viết lại câu chuyện này để “khai bút” đầu năm, cũng là ngày sinh nhật của tôi. Trong ngày sinh nhật, tôi đã nhận nhiều email, quà, các chúc mừng từ học trò cũ, từ bạn bè, các thiện nguyện, gia đình,… nhưng email của T&H có lẽ là một món quà sinh nhật đặc biệt nhất, rất có ý nghĩa vì đó là món quà tôi đang mong đợi.

Tôi không thể làm được gì nhiều để giúp gia đình chị nông dân đó thoát cảnh nghèo, nhưng tôi vui mừng và hy vọng là nhóm T&H, các ma sơ ở MTG Vinh cùng các thiện nguyện VINAHF đang phối hợp để giúp cho cháu Yến Nhi có một cuộc sống bình thường và chị Tuân sẽ không còn những giọt nước mắt lăn dài mỗi khi nhìn đứa con ốm yếu, mà có thể sẽ là nụ cười khi thấy đứa con trai chị lớn lên từng ngày. Nghĩ đến điều này và tin vui về các ca mổ vừa thành công của nhóm T&H, tôi thầm cám ơn, thêm một “phần thưởng số mệnh” cho tôi biết được nhóm T&H, cái “ngẫu nhiên” lạ lùng là ngày tôi biết, làm quen anh Trung ở Maryland, cùng trùng với lúc cháu Yến Nhi sinh ra ở vùng quê xa xôi ở Nghệ An và mấy năm sau trong “trùng trùng duyên khởi” hai sự kiện này lại kết hợp với nhau.

Dự báo sẽ có cơn bão tuyết tối nay, nhưng tôi nhìn ra mặt trời vừa ló dạng với tia nắng sáng mai thật đẹp. Tôi chuẩn bị ngày đi làm đầu năm trong niềm vui, nghĩ đến nhân duyên kỳ diệu đã giúp tôi giữ được lời hứa với chị Tuân, mà hy vọng một ngày nào trở lại thăm gia đình chị, sẽ thấy hai mẹ con chị với nụ cười trong cảnh “dù nghèo mà vui“.

Mùa Đông New Jersey, tháng Giêng 2014.

[cool_tag_cloud on_single_display=”local”]

MQSN-Gray copy

]]>
https://khiet.vinahf.net/2021/12/05/mon-qua-sinh-nhat/feed/ 0 78
Tấm Thiệp Giáng Sinh https://khiet.vinahf.net/2014/09/29/tam-thiep-giang-sinh/ https://khiet.vinahf.net/2014/09/29/tam-thiep-giang-sinh/#respond Mon, 29 Sep 2014 08:56:26 +0000 https://khiet.khuetu.com/?p=82 Continue reading]]> Khi còn nhỏ, đôi lần tôi có nghe ba tôi kể chuyện về một người dì của ba tôi – Trần thị Hạnh, chắc nhờ “Ơn gọi” dì trở thành một ma sơ và nguyện hiến dâng cả tuổi thanh xuân và cuộc đời để phục vụ cho các người bệnh phong (cùi).

Gia đình có một vài lần đến thăm dì ở trại cùi nơi dì tận tụy phục vụ và sau năm 1975 vì vất vả thiếu thốn, gia đình nghe tin dì mất và cũng được chôn cùng với nghĩa trang các người cùi. Một trong nhiều câu chuyện của Ba tôi kể về lòng nhân ái, về sự phục vụ tha nhân trong gia đình mà tôi mà tôi nhớ lâu.

Cứ mỗi lần đi xe đò trên đèo đến Qui Nhơn, hay khi có dịp dừng trên đường đèo nhìn từ xa thấy “Đảo Cùi”, tôi liên tưởng đến câu chuyện của dì Hạnh. Nhìn cái đảo nhỏ biệt lập tôi cứ tự hỏi không các người cùi này sống như thế nào? Trong tiểu thuyết tôi rất ưa thích của Henri Charrière và cả cuốn phim “Người Tù Khổ Sai” (Papillon) dựa vào truyện này, có một đoạn khi Papillon, người tù vượt ngục, bị lạc vào một làng cùi, tuy họ xấu xí, mặt mày bị biến dạng vì cơn bệnh nhưng họ là người có tấm lòng rất tốt, họ đã giúp cho các Papillon chiếc thuyền và cho cả tiền để các người tù đi đến Houduras tìm cuộc sống tự do mà chế độ hà khắc, bất công đã cướp mất của họ. Do đó, tôi mong có dịp đến một làng cùi để xem có giống như những gì tôi nghĩ trong đầu.

Khi dự định lên Daklak, tôi yêu cầu các thiện nguyện ở địa phương cố vấn cho đoàn VINAHF nên đến thăm và giúp đỡ nơi nào, với ưu tiên đến giúp được những nơi xa xôi, cô lập và thiếu thốn nhất. Khi được Lan Anh, một cộng tác viên trẻ rất năng nổ ở Daklak đề nghị đếm thăm Trại Phong Eana với mô tả ngắn: “Trại Phong (cùi) Eana, ở huyện Krong Ana, tỉnh Daklak, do Sơ Tâm phụ trách. Tại đây có hơn 100 bệnh nhân (người cùi) ở cách ly xã hội trong sâu xa của vùng núi rất thiếu thốn”, làm tôi chú ý ngay, thật là may mắn “nhân duyên” đưa đẩy cho tôi có được một dịp đi đến thăm một làng cùi để biết những việc mà trong tiềm thức tôi luôn luôn muốn đến để biết.

Chúng tôi đến trại phong ở EaNa là điểm viếng thăm thứ hai trong ngày. Lan Anh phải thu xếp phương tiện riêng với sự giúp đỡ của các thiện nguyện viên, bởi vì ngay cả taxi, nếu gọi đi đến trại phong thì họ sẽ từ chối và cũng không trách họ vì vẫn còn rất nhiều quan niệm không đúng về người cùi làm mọi người sợ và xa lánh họ. Đúng như Lan Anh mô tả, trại phong Eana ở xã Dray Sáp, buôn Trấp, huyện Krông Ana, trại có 100 bệnh nhân do sơ Tâm quản lý. Lúc chúng tôi đến sơ Tâm cũng vừa xong công việc hàng ngày là đi băng bó cho các vết thương lở loét của người cùi. Tôi ngạc nhiên thú vị khi thấy ảnh lớn của Mẹ Theresa ở phòng khách. Công việc phục vụ người nghèo của Mẹ Therasa là nguồn cảm hứng cho các hoạt động của VINAHF. Sau khi được nghe ma sơ Thu Tâm tóm tắt về lịch sử và “đoạn trường” của làng phong này từ trước 75 đến nay, chúng tôi được ma sơ dẫn đi xem để hiểu về cuộc sống của các người bị bệnh phong ở đây.

Khi ma sơ đi ra phòng sau để cất giữ số thuốc men và dụng cụ y tế khiêm tốn của VINAHF tặng cho làng, tôi nói với 4 người trong đoàn: “Khi đến thăm, tụi mình sẽ đến nói chuyện và tiếp xúc trực tiếp với các người cùi, nếu bạn nào không thích thì có thể chờ đợi tại phòng khách này.”, nhưng không có ai e ngại và mọi người đều cùng đồng ý đi thăm và sẽ tiếp xúc với các bệnh nhân.

Ma sơ Tâm đưa chúng tôi đi và giải thích rất nhiều về cuộc sống “tự cung cự cấp” của họ và tuy sơ không nói, nhưng chúng tôi cũng hiểu được những khó khăn của các ma sơ phải lo toan hàng ngày để chăm sóc các người tại trại phong này. Chúng tôi ghé thăm nông trại, trò chuyện, họ rất vui vẻ và thích thú với công việc của mình. Sau khi chúng tôi đến thăm nơi ở và hỏi han chuyện trò với các người cùi “lành tính”, tuy các tay chân bị tê rồi rụng đi nhưng không bị lở loét, tôi hỏi sơ cho tôi đến thăm các bệnh nhân “ác tính”, ý tôi muốn nói các bệnh nhân bị lở loét.

Sơ Tâm hơi ngần ngại về yêu cầu của chúng tôi, Sơ hỏi lại để muốn biết chắc là chúng tôi có thật sự muốn (hay có dám) đến đó. Sơ Tâm báo trước, “Những bệnh nhân này vì lở loét cho nên ở đó có mùi rất khó chịu, không biết chú có chịu đựng được không?” Tôi trả lời: “Nếu sơ đến băng bó cho họ mỗi ngày được, thì chúng tôi đến chốc lát có gì mà không chịu được.” Sơ Tâm dẫn chúng tôi đi đến một căn nhà dài (đó là một căn phòng bằng gỗ được dựng theo kiểu nhà sàn) trong đó có từng giường dành cho các bệnh nhân bị lở loét. Bởi vì các vết thương thường xuyên rỉ máu, không lành cho nên tại đây luôn luôn có một mùi rất khó chịu, mà ngay các bệnh nhân lở loét phải ở chung nơi đây có khi cũng không chịu nổi. Nhưng một việc hàng ngày của sơ Tâm là đi thay băng cho các vết lở này trong căn nhà nồng mùi lở loét của da thịt. Tôi đến bên một giường nơi có bệnh nhân đang đau đớn bởi vết thương đang lở loét và sơ Tâm nâng lên một chân với máu đã loan thấm ra ngoài hết cả lớp băng thật dày và nói với tôi: “Sơ vừa mới thay băng xong đó mà bây giờ như thế này!” Nhìn bà cụ đang xoay trở để chịu đựng cơn đau hằn rõ trên nét mặt, khi vết thương tiếp tục rỉ máu, chúng tôi xót xa, không biết thân phận còn người có thể bị đọa đày hơn thế nào nữa.

Đoàn chúng tôi bước ra khỏi căn nhà vì những gì đã thấy có thể là cảnh một “địa ngục trần gian”. Tôi thầm nghĩ nếu không có sơ Tâm và các ma sơ thì các bệnh nhân như thế này sẽ ra sao? Có lẽ cảm nhận được tâm trạng chúng tôi, ma sơ muốn chúng tôi có một ấn tượng khác, nên đưa chúng tôi ghé thăm những người có cuộc sống may mắn hơn, cũng ở cùng trong một chung cư đó. Tôi nói chuyện với một cặp vợ chồng lớn tuổi nhưng trông họ “êm ái ru tình già”, họ sống vui vẻ và có con cái. Họ đã tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống cực kỳ đơn giản nhưng nhân phẩm được tôn trọng ở trong làng phong Eana này. Sơ Tâm tiếp tục dẫn chúng tôi xem những phương tiện mà sơ sử dụng để tận tay chăm sóc các bệnh nhân, thăm một phòng may của các người phong để họ tự may được áo quần và sau đó trở lại phòng khách. Bây giờ tôi mới để ý và đọc kỹ hơn, bên cạnh hình của Mẹ Theresa là hình một linh mục đã sống phục vụ cho người cùi, rồi linh mục này cũng bị cùi và qua đời và được chôn cất trong làng phong cùng với những người cùi. Tôi lại liên tưởng đến dì Hạnh của gia đình chúng tôi.

Trời lại về chiều mà chúng tôi còn đến một làng xa khác đang nuôi 28 trẻ em mồ côi, nên tuy tôi thích chuyện trò nhiều hơn với sơ Tâm, nhất là sơ cho tôi biết nhiều điều về cuộc sống, suy nghĩ và ước mơ của các người ở đây, nhưng chúng tôi phải tạm ngưng vì sơ còn muốn chúng tôi xem một nỗ lực của các sơ đang giúp cho các con em người cùi để các em không bị bệnh như cha mẹ của mình, lo các trẻ em được đi học và hội nhập vào xã hội bình thường. Các em thật vô tư, hồn nhiên nhưng không biết tương lai của các em ra sao vì có thể những quan niệm không đúng trong xã hội sẽ khiến các em sẽ cảm thấy bị xã hội xa lánh, ghê tởm và rồi như cha mẹ các em, họ đều tự nguyện tìm đến các làng cùi vì không chịu được sự tổn thương về tinh thần, về nhân phẩm do cách đối xử vô cảm của xã hội dành cho họ. Tôi liên tưởng một câu nói của Mẹ Theresa: “Căn bệnh lớn nhất hôm nay không phải là bệnh lao hay bệnh cùi mà chính là bệnh thờ ơ, lãnh đạm và không quan tâm (tính vô cảm đối với những người bất hạnh, người nghèo”. Đoàn chúng tôi chia tay các ma sơ và cầu chúc sơ Tâm và các ma sơ một Giáng sinh vui vẻ với đại gia đình làng phong Eana.

Từ câu chuyện xưa của Ba tôi, tôi luôn hình dung trong trí dì Hạnh là một ma sơ hiền, phúc hậu, nay có lẽ tôi đã gặp dì Hạnh của tôi qua một ma sơ Tâm điềm đạm, nhân từ và rất “hiền như ma-sơ”, tôi không biết dì Hạnh tôi, ngày xưa có đẹp như trong trí của tôi qua những bài thơ, bài hát lãng mạn về “dáng xinh xinh bao tiên kiều, quỳ ngân thánh vang ban chiều”, nhưng điều tôi biết chắc là dì Hạnh của tôi và sơ Tâm đều có một cái đẹp giống nhau, một cái đẹp mà chẳng bao giờ phai với thời gian, cái đẹp của tâm hồn và lý tưởng để phục vụ tha nhân. Có lẽ cả hai sẽ không có thì giờ để nói về công việc của mình, nhưng sự quên mình để phục vụ người khác của họ là một nguồn cảm hứng, sẽ giúp cho cho nhiều người khác noi theo để có cuộc sống phong phú hơn, hạnh phúc hơn, đặc biệt cho những ai muốn đi tìm một cái gì lớn hơn cả cuộc sống của chính mình.

Tôi về lại Mỹ sau hơn một tháng với một chồng thư từ phải đọc. Tôi lướt qua phần lớn các thơ “hậu xét” nhưng một thư gởi đến từ Việt Nam làm tôi chú ý, đó là thiệp chúc Giáng Sinh và Năm Mới từ sơ Tâm gởi cho VINAHF mà nhờ đó, nay tôi mới biết tên đầy đủ của sơ Tâm là Madeleine Trần thị Thu Tâm. Tôi nhớ lại, ma sơ có hỏi là làm sao VINAHF chúng tôi bên Mỹ mà biết được cái làng cùi ở tận vùng rừng núi xa xôi của Daklak này và ma sơ có yêu cầu tôi viết vào sổ lưu niệm và tên và địa chỉ của tôi và VINAHF nên nay tôi nhận được tấm thiệp này. Sơ Tâm thật chu đáo, nhưng tôi ái ngại cho số tiền cước lớn làng phong của sơ phải mất đi và công ra đến thành phố để gởi một thiệp Giáng Sinh đến cho hội VINAHF, tôi cảm động và nhớ lại chuyến viếng thăm, gặp sơ rồi chia tay, nhưng tôi sẽ nhớ mãi sơ Tâm, vẫn mỗi ngày tận tụy giúp cho các người bệnh phong chịu đựng được cơn đau đớn để sống hết cuộc đời bất hạnh, hay giúp mang lại niềm vui, hạnh phúc cho những gia đình khác trong làng phong mà xã hội đã ruồng bỏ và xa lánh họ.

Cám ơn “phần thưởng số mệnh” đã cho tôi gặp được dì Hạnh trong tâm trí của tôi qua sơ Thu Tâm. Tấm thiệp Giáng Sinh giản dị, chân tình của sơ Tâm làm tôi có cảm ứng để viết lên bài này với lòng thương yêu, sự kính phục và thầm biết ơn sơ Tâm và các sơ tại Eana, trong một buổi chiều trên vùng núi đồi cao nguyên, đã dạy cho tôi biết thế nào là lòng nhân ái và thế nào là phục vụ tha nhân.

Mùa Đông New Jersey 2014

]]>
https://khiet.vinahf.net/2014/09/29/tam-thiep-giang-sinh/feed/ 0 82