Học bổng – Thay Lời Cám Ơn https://khiet.vinahf.net NGUYỄN THANH KHIẾT Sun, 15 Oct 2023 09:52:37 +0000 en-US hourly 1 https://wordpress.org/?v=6.5.5 https://i0.wp.com/khiet.vinahf.net/wp-content/uploads/2021/12/cropped-cropped-khiet-e1640694139605.png?fit=32%2C32&ssl=1 Học bổng – Thay Lời Cám Ơn https://khiet.vinahf.net 32 32 205146790 Chương Trình Học Bổng VINAHF https://khiet.vinahf.net/2020/02/29/chuong-trinh-hoc-bong-vinahf/ https://khiet.vinahf.net/2020/02/29/chuong-trinh-hoc-bong-vinahf/#respond Sat, 29 Feb 2020 08:59:45 +0000 https://khiet.khuetu.com/?p=98 Continue reading]]> Khi tôi đang tìm và xem lại các bài viết cũ để chọn cho cuốn sách này, thì lúc đó cũng là một tuần lễ với ngày nghĩ lễ Lao Động ở Mỹ, nên Thuỳ Dương (TD – bà xã của tôi) có được 3 ngày nghỉ (long weekend). Trong suốt 3 ngày nghỉ này, TD đã miệt mài làm việc với các TNV khu vực để kiểm tra, xem xét kết quả học tập để tiếp tục cấp HB cho các học sinh trong CTHB VINAHF, và nói chuyện qua Zoom với các học sinh mới trong các vùng mở rộng thêm trong niên khoá 2020-2021 này.

Nhìn TD làm việc không nghỉ, tôi nghĩ sẽ thiếu sót nếu tôi không viết về chương trình Học bổng VINAHF, về lòng biết ơn của tôi và TD đối với các TNV VINAHF, các nhà hảo tâm, với hội Maison Chance USA, VOSA, Bút Nhóm Lửa Việt, nhóm Nâng Bước Đến Trường,… đã đồng hành và ủng hộ cho CTHB VINAHF trên 15 năm qua.

Nhờ sự tận tuỵ của Thuỳ Dương và các TNV, CTHB VINAHF đã được nâng lên một tầm cao mới với số sinh viên tốt nghiệp ĐH cao nhất trong năm 2018-2019 và trong năm nay có ít nhất 10 sinh viên đã thông báo là đã/sẽ tốt nghiệp trong năm 2020.

Trợ cấp học bổng cho một học sinh gia tăng đáng kể, khi học sinh này từ trung học tiếp tục lên được đại học, và lo đủ ngân sách cho CTHB là một nỗ lực rất lớn của BCH VINAHF để VINAHF giữ được sự cam kết mà tôi được đại diện cho VINAHF đã hứa với các học sinh hơn 15 năm trước và lặp lại trong những lần họp mặt là:

Nếu các cháu còn học khá giỏi thì VINAHF sẽ giúp các cháu học đến mức nào các cháu muốn học đến!

Kể từ các niên khoá 2016–2017 về sau VINAHF tiếp tục có số học bổng cho học sinh (HS) ở cấp Đại Học/Cao Đẳng mỗi năm gia tăng. Đó là điều vừa mừng và vừa lo, mừng vì sự thành công trong việc quyết tâm theo đuổi giấc mơ học vấn của các học sinh nghèo, nhưng âu lo, là vì CTHB VINAHF không chỉ giúp HB vài lần mà là một cam kết giúp đỡ dài hạn cho học sinh. Trên 15 năm qua, BCH VINAHF đã tôn trọng cam kết với tất cả các HS VINAHF được chọn vào CTHB VINAHF là nếu các cháu còn tiếp tục vượt khó để đi học (ở mức Khá & Giỏi) thì VINAHF sẽ tiếp tục giúp cho cháu học cho đến ngày ra trường.

Tôi hay nói chuyện với những “kiện tướng” TNV VINAHF, với các nhà hảo tâm, để nhớ lại hành trình của CTHB của VINAHF với nhiều lý thú, kỳ diệu khó hiểu của “Luật Hấp Dẫn” để VINAHF chúng tôi giữ được lời hứa với các cháu học sinh, và CTHB VINAHF đạt được thành quả hôm nay. 

Theo sau chương trình dài hạn giúp hàng tháng cho các người tàn tật và người già cơ nhỡ, vào năm 2004, VINAHF chính thức bắt đầu CTHB dài hạn, từ cái nôi Quảng Nam với ban đầu chỉ 5, 7 em HS trung học để thử nghiệm, và con số dần dần tăng lên, cho đến gần 10 năm gần đây, số HS được HB VINAHF hàng năm là trên 100 HS. Hiện nay, ngân sách cho CTHB là cao nhất, theo sau là CT Micro-finance, và CT Xây nhà cho người nghèo, CT Chăm sóc y tế và giúp trẻ em mồ côi, Cứu trợ thiên tai.

Đáng kể là hơn 4 năm qua, nhờ sự tận tuỵ của Thuỳ Dương trong việc theo dõi, quan tâm sâu sắc đến từng HS, động viên, hỗ trợ cho các em khi các em có các tình cảnh khó khăn, CTHB VINAHF đã nâng lên một tầm mới. 

Với chủ trương công bình “cơ hội đồng đều”, CTHB đang ngày mở rộng ra thêm nhiều nơi, nhất là học sinh ở các vùng địa đầu biên giới, nghèo nàn như Trà Vinh, Cà Mau, Hà Tĩnh, Tây Nguyên, vùng cao nguyên Tây Bắc. 

CTHB VINAHF cũng nhận được sự tín nhiệm và thêm ủng hộ của các MTQ và các hội từ thiện bạn, đặc biệt là Hội Maison Chance USA, VINAHF tiếp tục phát triển và mở rộng CTHB VINAHF, đáng kể là việc CTHB đã thiết lập chương trình hậu ĐH, để giúp cho các học sinh muốn học lên cao hơn như cao học, thạc sĩ, tiến sĩ, CT này giúp cho tôi giữ lời hứa mà các cháu nhắc lại khi yêu cầu được VINAHF tiếp tục giúp cho các cháu theo đuổi các chương trình hậu đại học: “Bác Khiết có hứa chừng nào cháu còn học giỏi là hội VINAHF sẽ còn giúp”. 

Với tôi, trong tất cả các dự án, chương trình VINAHF thì CTHB chiếm nhiều nhất thời giờ, do tôi thường xuyên và liên tục trong nhiều năm qua liên lạc, và luôn trả lời từng email của HS VINAHF. Tôi cũng yêu thích việc này vì muốn bên cạnh các em trong cuộc chiến “không cân sức” cho một tương lai tươi sáng, giống như cuộc chiến đấu tôi đã từng trải qua sau năm 1975 để tiếp tục đi học. Đọc các thư các em chia xẻ về việc các em phải đi làm thêm 2 công việc, chịu đựng thiếu thốn những áp lực nặng nề từ xã hội và gia đình để không bỏ học, đó là cuốn phim chiếu lại của tôi 40 năm trước. 

Tôi tin là trải nghiệm của tôi, một học sinh nghèo, thiếu thốn, chịu mọi bất công xã hội sau 75 để quyết tâm theo đuổi con đường học vấn không phải là ngẫu nhiên. Những gì tôi đã trải qua là sự chuẩn bị, đã được sắp xếp, để tôi, cùng Thùy Dương, và đội ngũ VINAHF làm thành công một CTHB VINAHF giúp cho nhiều HS vượt lên số phận của mình, đạt được ước mơ mà các em nghĩ là “không thể nào đạt được” vì nghèo.

Tôi cũng có những vui, buồn, ray rứt với email của các em, nhất là email của các học sinh nghĩ đến việc bỏ học vì quá khổ, quá khó khăn, vì trách nhiệm của anh chị lớn trong gia đình phải đi làm nuôi em, tôi liên tưởng đến việc tôi đã muốn bỏ học đi “Thanh niên Xung phong” sau 75 để có cơm ăn qua ngày. May mắn tôi đã không bỏ học do sức mạnh tình thương của tôi với cha mẹ tôi, tôi nghĩ Ba Má tôi sẽ đau lòng như thế nào khi biết tôi bỏ học, cho dù chỉ là tạm thời “thế thời phải thế ”. Từ khi rời gia đình, quyết tâm của tôi sẽ là học thành tài như Ba Má tôi mong đợi. Con đường đi học tôi đã không dễ dàng sau 75, nhưng tôi đã chiến thắng cuộc chiến “không cân sức”, và vô cùng mãn nguyện khi nghĩ đến việc tôi đã làm được điều cha mẹ tôi luôn mong ước cho mình. Một đứa con có giáo dục.

Câu chuyện của tôi sống còn, vượt qua bao nhiều khó khăn, chống chọi với bất công xã hội, để đi học thật giỏi sau năm 75, và vươn lên cao trong xã hội mà tôi đã không có cơ hội bình đẳng, luôn luôn giúp tôi thuyểt phục được cho các em tin là sẽ có “ánh sáng ở cuối đường hầm”.

Tôi đã làm được thì các em sẽ làm được vì đàng sau các em có VINAHF, có TNV khu vực, có bác Khiết và cô Thuỳ Dương.

Đúng vậy, VINAHF không chỉ giúp các học sinh với trợ cấp học bổng dài hạn cho học phí, mà còn đứng đàng sau các em hỗ trợ về tinh thần, là một chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các em, giúp các em vượt qua các bất trắc vốn hay xảy đến với các gia đình nghèo, chống chọi với các áp lực và cám dỗ của xã hội cho đến ngày các em ra trường, đủ lông cánh để bay đi và bay xa. 

Tôi đã được nhiều giúp đỡ để được tiếp tục đi học, nên tôi xem như là một nghĩa vụ, một việc làm của lòng biết ơn, tôi phải giúp HS VINAHF như tôi đã từng được giúp, và cũng ý thức rằng: Giúp cho một học sinh trưởng thành là công việc của chung một cộng đồng, (It takes a village to raise a child), tôi phải nhờ vào nhiều người khác chớ không thể làm một mình. Để tạo thêm sức mạnh, tinh thần và niềm tin của các em vào tương lai, nhất là tin là ước mơ học vấn của các em sẽ trở thành sự thật, tôi thường nhờ các học sinh đã thành công, đã tốt nghiệp qua CTHB VINAHF chia xẻ sự thành công của mình để làm tấm gương cho những học sinh khác. 

Dưới đây là những email gần nhất của các học sinh đã viết cho tôi để tôi chia xẻ với các HS VINAHF đang còn chiến đấu có niềm tin là các em sẽ học được ra trường, tương lai tươi sáng trong tầm tay, vì tôi thật sự tin và khuyên các em là “Trời luôn chìu lòng người có nghị lực, ý chí.”

Với sự đồng ý của các cháu, tôi xin trích đăng ở đây vài email tiêu biểu của các cháu đã viết cho tôi, Thùy Dương và các cô chú ở VINAHF. Các email này sẽ minh hoạ trung thực, mô tả sống động về CTHB VINAHF, bởi chính các HS VINAHF đã trưởng thành qua CTHB, chia xẻ cảm nghĩ của mình về CTHB này:

Học sinh Nguyễn thị Thương Thương, cháu được VINAHF cấp HB từ năm em học lớp 8 suốt cho đến năm nay và em sắp trở thành một bác sĩ, các HS VINAHF thường gọi tôi là “Bác Khiết” viết tắt là bk. 

Con nhớ lại quá trình con đã lớn lên trong vòng tay giúp đỡ của VINAHF, lòng biết ơn con không thể diễn tả hết bằng lời.

Năm con học lớp 8, mẹ con mất sau một tai nạn đột ngột, sự mất mát, nỗi đau con không biết phải làm gì để vượt qua. Lúc ở trước phòng hồi sức, con bất lực nhìn mẹ nằm đó xung quanh là dây truyền, monitor, lúc đó con chỉ biết khóc và ao ước giá như con có thể làm gì đó để cứu mẹ con. Rồi ước mơ trở thành bác sĩ hình thành trong con, con may mắn vẫn còn bà ngoại, hàng xóm, những người xung quanh luôn yêu thương con, động viên con ráng học để mẹ yên lòng. 

Không lâu sau đó con được biết đến cô chú trong hội VINAHF, cô chú lên thăm nhà con, động viên con, khuyên con phải cố gắng học, các cô chú sẽ giúp đỡ cho con để con có thể tiếp bước đến trường. 

Bắt đầu từ năm con học lớp 9, đều đặn mỗi năm các cô chú luôn lên tận nhà hỏi han, động viên và hỗ trợ học phí cho con. Cứ thế thời gian dần qua, con vẫn nuôi ước mơ trở thành bác sĩ, và cố gắng thi đậu trường y khoa. Cuối cùng, ngày hạnh phúc nhất của con là ngày con nhận giấy báo đỗ đại học. Nhưng đó cũng là lúc con lại suy nghĩ với thời gian học y dài như thế, chi phí để đến trường đại học thật sự quá tốn kém, liệu rồi con có thể thực hiện ước mơ này không? 

Đến bây giờ con vẫn không thể nào quên được email của bK ngày hôm đó, bK đã khuyên con, động viên, tạo điều kiện cho con, và đã giới thiệu cho con biết đến BS Châu Hà. 

Thời gian thấm thoát trôi qua, con nay cũng đã đi được 2/3 chặng đường và bây giờ con đã là cô sinh viên y khoa năm thứ 5. Con trưởng thành hơn qua những lời dạy dỗ của bK, những lời chia sẻ của cô Châu Hà. và nhìn lại chặng đường 9 năm mà con đã lớn lên trong vòng tay của VINAHF, con vẫn luôn thầm biết ơn vợ chồng cô chú Hoàng Trung, cô Thanh Tuyết ở Úc, bK, cô TD, cô Châu Hà, Hội Maison Chance USA và các cô chú trong hội VINAHF đã âm thầm giúp đỡ cho con bao năm qua. 

Nhìn lại con thấy được học Y là một niềm may mắn và là trải nghiệm tuyệt vời nhất mà con từng có tính đến giây phút hiện tại. và những gì con được học từ mọi người là hành trang mà con luôn cảm thấy biết ơn và luôn gắng sức vun đắp. 

Từ tận đáy lòng con luôn biết ơn VINAHF đã luôn yêu thương, bao dung, quan tâm, dạy dỗ và giúp đỡ cho con để con lớn lên từng ngày.

Con cảm ơn bK rất nhiều – con chúc bK và gia đình luôn được bình an.

Con gửi bK và các cô chú trong hội VINAHF tấm hình con đã thực tập tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, một trong những bệnh viện tuyến đầu trong công tác chống dịch COVID vừa qua, con đã cảm thấy rất may mắn vì ở đây con đã được gặp những người thầy cô đã truyền tình yêu nghề, nhiệt huyết cho con rất nhiều. 

Kính thư

Con Thương

Email của học sinh Trần Thị Hoanh, cháu được VINAHF cấp HB từ năm em học lớp 8, sau khi tốt nghiệp bác sĩ ở ĐH Huế, cháu muốn được VINAHF giúp học tiếp thêm 2 năm nữa để lấy Thạc sĩ Y khoa chuyên về Radiology và dự kiến tốt nghiệp Thạc sĩ cuối năm 2020. 

Mới đó mà đã gần 10 năm kể từ khi cháu được là một thành viên nhỏ trong gia đình VINAHF. Cháu vẫn còn nhớ rất rõ cảm xúc khi được nhận học bổng của các cô chú VINAHF vào năm đầu Đại học. 

Gia đình cháu túng quẫn, ba cháu không có nhận thức, một mình mẹ cháu lo cho ba đứa con thơ, cháu đang hoang mang không biết làm thế nào để vượt qua 6 năm dài sắp tới, thì các cô chú VINAHF đã như đem đến một phao cứu sinh, một ánh sáng cho cuộc đời của cháu. 

Kể từ đó cháu không còn phải lo nghĩ đến khoản học phí khổng lồ đối với gia đình cháu mỗi học kì nữa. Không chỉ là về vật chất mà còn là chỗ dựa cho những đứa trẻ như cháu về tinh thần. 

Trong những cuộc gặp gỡ mỗi năm, cháu được nhìn thấy các cô chú ân nhân, được động viên khuyên nhủ, được các cô chú lắng nghe nguyện vọng ước muốn. Cháu còn nhớ lần đầu được cầm trên tay chiếc máy tính sẽ là của riêng mình từ các cô chú VINAHF, thật sự như một giấc mơ, vì đối với cháu, số tiền để có thể mua được một máy tính cho việc học là quá lớn, đó là mơ ước trong việc học mà cháu nghĩ rất khó để có nhưng cuối cùng VINAHF đã biến ước muốn của cháu thành sự thật.

Được nhận nó từ tay các cô chú ở một ngôi trường nhỏ trong cuộc gặp mặt kèm theo lời dặn dò khi nào hư hỏng trục trặc gì thì đem về lại các chú sửa giúp cho. Cháu thật sự cảm động không bao giờ quên. Các cô chú VINAHF chăm lo cho chúng cháu chu đáo như con cháu của mình. Cháu cảm thấy vô cùng ấm áp và cảm động.

Chúng cháu mới chập chững bước vào cuộc đời, đặc biệt chúng cháu đều là những đứa trẻ có gia đình không may mắn như những người khác, cho nên dù với biết bao vấp ngã và suy nghĩ non dại, nhưng chính những tình cảm ấm áp của VINAHF, từ bác Khiết, cô Thùy Dương, chú Trung ở Maison Chance USA và các cô chú VINAHF, cả về vật chất và tinh thần đã giúp cho chúng cháu đứng vững trong mọi hoàn cảnh, giữ tâm hồn trong sáng và luôn hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. 

Đó là hành trang quý báu cho chúng cháu bước đi sau này trên suốt cả cuộc đời. Riêng đối với cháu, còn rất nhiều lòng biết ơn ghi nhớ sâu sắc mà cháu không thể kể hết được. 

Sáu năm Đại học của cháu trôi qua dễ dàng hơn rất nhiều vì bên cạnh cháu có các cô chú VINAHF, bác Khiết và cô Thùy Dương. 

Đến lúc ra trường, lại như cảm giác lúc vào năm 1 Đại học, với bao phân vân trước những con đường và sự lựa chọn, bác Khiết & cô Thùy Dương và VINAHF lại tiếp tục cho cháu thêm rất nhiều can đảm và nỗ lực để tiếp tục con đường sau Đại học. 

Những lời động viên chân thành và sự giúp đỡ vật chất to lớn chính là động lực cho cháu phấn đấu đến ngày hôm nay. Giai đoạn này cháu đang hoàn thiện luận văn để chuẩn bị bảo vệ tốt nghiệp Thạc sĩ, nhìn lại quãng thời gian đã qua, trong lòng cháu cảm thấy rất ấm áp, cháu thấy mình thật sự quá may mắn trong cuộc đời này rồi, cháu đã dần nhận ra cháu nên sống như thế nào để xứng đáng với tất cả mọi thứ mà bác Khiết, cô Thùy Dương và VINAHF dành cho cháu.

Lời cuối cùng cháu thật lòng gửi đến VINAHF lời cảm ơn chân thành sâu sắc và lời hứa sống thật có ý nghĩa trong những năm tháng sắp tới trong đời. 

Cảm ơn VINAHF đã cho cháu có được như ngày hôm nay về mọi thứ!

Đó là đôi dòng chia sẻ của cháu gửi đến bác Khiết ạ! Cháu cảm ơn bác Khiết nhiều ạ và cháu cũng mong bình yên, sức khỏe gửi đến bác Khiết & cô Thùy Dương, chị gái và em gái ạ!

Cháu chào bác Khiết.

Cháu Hoanh

Tiêu Ngọc Thúy, sinh viên năm ba của trường Đại học Đồng Tháp, chuyên ngành Sư phạm tiếng Anh.

Con đã nhận được Học bổng học kì I năm học 2020-2021, với số tiền là 3.500.000đ. Đây là lần nhận học bổng thứ 8 của con (từ HK1 năm học 2016-2017 đến hết HKII năm học 2019-2020). Số tiền ngay lập tức đã giúp con chi trả tiền bảo hiểm, và sách vở cho học kì I năm học 2020-2021 này. 

Con xin chân thành cảm ơn cô chú đã hỗ trợ học bổng cho con suốt thời gian qua. Con là sinh viên chi tiêu độc lập với gia đình nhờ tiền làm thêm của mình, lắm lúc có nhiều khó khăn, những lúc ấy, số tiền mà cô chú hỗ trợ luôn là niềm an ủi đối với con, giúp con cảm thấy yên lòng mà học tập hơn. 

Gia đình con cũng đỡ khó khăn, nhờ 2 năm qua con đã sống độc lập, cũng chính nhờ sự giúp đỡ liên đới của cô chú. Sự giúp đỡ không chỉ nằm ở vật chất, mà còn ở tinh thần, con cứ mãi nghĩ là sẽ luôn cố gắng vì sự giúp đỡ ấy, những sự kỳ vọng người khác dành cho mình. 

Con rất quý trọng sự quan tâm của cô chú, cô chú không phải là những “người lớn bận rộn”, họ không có lấy thời gian để quan tâm ai, họ không cho được cảm xúc thân thiện như vậy. 

Suốt gần 4 năm, con vẫn cảm nhận được tình thương ấy từ cô chú. Nhận mail của Bác Khiết, con rất xúc động bởi sự kì vọng của cô chú “Chúc cháu một năm học mới thành công và bK cô TD và mọi người tham gia giúp cháu, tin rằng cháu cũng sẽ là một câu chuyện thành công nữa trong hơn 100 học sinh như cháu đã tốt nghiệp ĐH qua CTHB của VINAHF”.

Con sẽ phấn đấu để có một câu chuyện thành công của mình, đầu chuyện có những người hào sảng, sẵn sàng giúp đỡ và cho đi, cuối chuyện là một người thành công, bay cao nhưng không bay mãi, vẫn đậu lại tiếp bước niềm tin đó, con sẽ phấn đấu là một giáo viên giỏi, luôn nhiệt thành giúp đỡ các bạn học sinh. 

Tại phố sen hữu tình này, con xin gửi đến cô chú trong hội một bài thơ do con viết từ cảm xúc và tấm lòng mình. Bài thơ này là lời tri ân của con gửi đến tất cả cô chú: 

Cành sen nở vụng về,

Ý chí chẳng dịch xê.

Mơ đi qua ao quê,

Đến khoảng trời oai vệ.

Yêu thương mãi cận kề,

Tỏa cho người thầm lặng.

Sen hồng vươn trên lá,

Lặng cúi đầu biết ơn.

Tiêu Ngọc Thúy

HS Nguyễn thị Lộc, cháu được học bổng VINAHF từ lớp 6 và liên tục được học bổng trong suốt 11 năm, cho đến năm nay 2020 em đã tốt nghiệp trở thành một giáo viên dạy Anh Văn. Trong email gởi về cho VINAHF em đã dùng tiêu đề: “11 Năm Đong Đầy Yêu Thương!

Cháu vẫn nhớ như in 11 năm về trước được là một trong những học sinh may mắn nhận học bổng của tổ chức VINAHF. Lúc đó cháu là một học sinh lớp 6 có hoàn cảnh khó khăn, ba bị tật một chân, mẹ hay đau ốm nên chỉ có thể đi mua ve chai nuôi 3 anh em. Gia đình rơi vào hoàn cảnh túng thiếu, nghèo khó nhưng đôi khi đó là động lực lớn cho cháu học tập thật giỏi để thoát nghèo và có một cuộc sống tốt hơn. và giấc mơ đó đã được hội VINAHF nâng bước mỗi ngày, cái cảm giác vui sướng, hạnh phúc vô bờ khi được nhận học bổng từ hội VINAHF, được tiếp thêm sức mạnh về tinh thần lẫn vẫn chất trên con đường học vấn của cháu. 

 Thế là từ năm này qua năm nọ, cháu luôn được tổ chức và các cô chú trong tổ chức động viên, khích lệ tinh thần học tập tốt mỗi ngày. và cháu đã xem tổ chức VINAHF như một người cha người mẹ, người đỡ đầu thứ hai cho cháu chạm đến bờ tri thức. Hơn cả về giá trị vật chất là giá trị tinh thần, cháu luôn có người lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn trong cuộc sống qua những lá thư tay hoặc là những lúc VINAHF tổ chức buổi gặp mặt các cô chú, và dĩ nhiên là cháu luôn được giúp đỡ và đáp ứng những nguyện vọng đó, miễn là điều đó tốt cho việc học của cháu. Đây quả là một điều tuyệt vời từ tổ chức, bởi ngoài những xuất học bổng, Hội VINAHF còn luôn kề vai sát cánh để hổ trợ kịp thời những tình huống ngoặt nghèo của cháu! 

 Cháu còn nhớ như in ngày cháu dám đứng lên nói về ước mơ của mình trước các cô chú, anh chị và các bạn, những lời nói ngập ngừng, tay run run và không đủ tự tin vì những khuyết điểm trên gương mặt của cháu, lớp 8 cháu đã ước mơ làm một bác sĩ, một nghề cao quý để có thể chữa bệnh cho người nghèo, và thế là cháu có thể yên tâm học hết cấp 2, cấp 3 nhờ học bổng của VINAHF, hơn nữa 12 năm học sinh giỏi cũng là hành trang vững chắc cho cháu thi vào đại học. 

Sau bao cố gắng và nỗ lực của bản thân cháu, kèm những lời động viên từ gia đình và tổ chức VINAHF thì cánh cửa đại học cũng đã mở ra chào đón cháu với ngành nghề mà cháu yêu thích. 

Ngày đầu bước vào đại học với bao khó khăn, cám dỗ nhưng với sự hổ trợ và tình yêu thương của VINAHF và gia đình, cháu đã vững vàng bước đi và vượt qua mọi khó khăn. Cháu còn nhớ ngày đầu bước vào sinh viên, VINAHF đã cho cháu mượn một cái máy tính từ anh sinh viên khoá trước để lại, cháu vui lắm, vì những bất tiện khi không có máy tính ở giảng đường đại học giờ đã không còn. 

Cháu sẽ có thể học tập tốt hơn và có thể học thêm các khoá học tiếng Anh tại nhà. Hơn nữa, có những lúc cháu gặp khó khăn thì luôn được bác Khiết giúp đỡ thêm, điều này làm cháu cảm động và cố gắng học nhiều hơn nữa để không phụ lòng giúp đỡ của bác Khiết, cô Thuỳ Dương và của các co chú trong hội VINAHF. 

 Và thế là 4 năm đại học trôi qua, học bổng ở trường nhờ kết quả học tập tốt cháu cũng có được, cháu cũng làm thêm để có thêm kinh nghiệm và kinh phí ăn ở. Cháu đã có một thời sinh viên thật đẹp và bớt đi gánh nặng học phí rất nhiều nhờ học bổng của VINAHF. Cháu vừa mới tốt nghiệp với tấm bằng trên tay và một công việc ổn định. 

Giờ đây nhìn lại, quãng đường 11 năm dưới sự giúp đỡ của CTHB VINAHF thật sự rất dài, cả một tuổi thơ và sự trưởng thành của cháu đều trải qua cùng tổ chức VINAHF và các cô chú, bác Khiết và cô Thuỳ Dương, chú Nguyễn Thái Tiến & cô Hường (ở New Jersey) đã tài trợ cho cháu, cháu lớn lên từng ngày dưới tình yêu thương của tất cả mọi người. Giờ đây cháu đã trưởng thành, đã có một công việc như ý muốn, có thể tự lo cho bản thân và phụ giúp gia đình, cháu thầm cảm ơn tổ chức, cảm ơn cô chú Tiến Hường, bác Khiết, cô Thuỳ Dương, chú Thọ, chú Dũng và chú Mươi… 

Lời cảm ơn nói sao cho đủ, nên cháu chỉ biết sống thật tốt chắc có lẽ là lời cảm ơn giá trị nhất! 

Cháu Nguyễn thị Lộc.

Đây là một câu chuyện khác rất cảm động của hai anh em mồ côi cha mẹ, và người anh trong tình cảnh túng thiếu đã cố gắng đi học, nhất là yêu thương, đùm bọc cho em mình, với quyết tâm học tập để vượt lên số phận. Người anh, Nguyễn Minh Thông – nay đã tốt nghiệp, và đang tiếp tục bảo bọc để người em Nguyễn Công Thoại, nay cũng được HB VINAHF. Tôi đã rất khen ngợi về tình thương gia đình của 2 anh em, và tin là cha mẹ các cháu sẽ “ngậm cười nơi chín suối” khi thấy hai anh em đều học hành đến nơi đến chốn. Minh Thông chia xẻ câu chuyện của mình.

 

Con nay đã hoàn thành chương trình học tập tại Đại học Tiền Giang. Bốn năm ĐH đã qua một chặng đường dài vất vả và thành quả ngọt ngào, khi con nhớ lại, mới 18 tuổi mà con và em trai con trở thành trẻ mồ côi, nhưng con đã vượt lên nỗi đau để bước tiếp con đường vào đại học.

Nhớ lại khoảng thời gian của bốn năm về trước là một giai đoạn đen tối, và cũng là bước ngoặc trong cuộc sống của con. Đó là tháng 9/2016 khi mà Mẹ con qua đời sau một khoảng thời gian lâm bệnh nặng. Thời điểm đó con đã đậu vào trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM với ngành tự động hóa, nhưng làm sao con có thể lên Sài Gòn học khi ở nhà còn đứa em trai đang bước vào đầu lớp 9, cộng với chi phí học tập đắt đỏ ở Sài Gòn, trong lúc con gần như không có đồng nào trong tay, và không có người nuôi dưỡng, thậm chí việc tiếp tục đi học của con cũng là khó khăn với nhiều trăn trở. 

Để theo đuổi ước mơ học vấn của mình, và chọn phương án phù hợp nhất, con đã chọn ngôi trường Đại học Tiền Giang với niềm đam mê thứ hai của mình là nông nghiệp, con đã chọn ngành “Khoa học Cây trồng”, để vừa có thể trông nôm nhà cửa, lo hương khói cho Ba Mẹ, vừa lo cho em trai học hành, chi phí cũng đỡ hơn nhiều so với học ở Sài Gòn và từ đó con cũng tâm niệm “Học ở đâu không quan trọng, quan trọng là do cách mình học”.

Thật sự sau đám tang của mẹ, con chỉ còn dư hơn 2 triệu đồng, số tiền nhỏ nhoi và quý giá mà con không biết phải xoay sở làm sau khi vừa nhập học đã nhận thông báo đóng học phí học kỳ đầu tiên hơn 4 triệu đồng, và còn chi phí cúng thất hàng tuần cho Mẹ.

Thật may mắn và hạnh phúc khi lúc đó con nhận được sự hỗ trợ của quý Thầy Cô trong Trường THPT Vĩnh Kim (trường cấp 3 của con). Quý Thầy Cô trong trường Đại học Tiền Giang và đặc biệt là Thầy Nguyễn Hải Đăng – người đã giới thiệu con đến với học bổng dài hạn VINAHF

 Khoảng thời gian đầu khi vào học tại Trường Đại học Tiền Giang, con vẫn còn rất bở ngỡ khi bước vào môi trường đại học nơi việc học do sinh viên phải hoàn toàn chủ động. Quãng đường từ nhà đến trường hơn 20km con phải đi gần 1 giờ, con chọn về nhà chứ không ở trọ. Để trang trải chi phí, con tranh thủ đi làm thêm, công việc đầu tiên là phục vụ quán cà phê được khoảng 20.000 đồng/giờ, cuối tuần con còn đi phục vụ nhà hàng hoặc đãi đám người ta trả 200.000 đồng/tiệc, bởi vì con biết học bổng chỉ có thể hỗ trợ mình phần nào còn bản thân mình phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Tuy tranh thủ thời gian để kiếm tiền nhưng con không quên nhiệm vụ chính của mình là học tập và kết thúc học kỳ đầu tiên con đã đạt số điểm 3.74/4.0 xếp loại xuất sắc và được nhận thêm học bổng khuyến khích và trong 7 học kỳ thì con đã được 5 lần nhận học bổng khuyến khích học tập của trường do duy trì được thành tích học tập loại xuất sắc.

 Chương trình học của con là 4 năm, tuy nhiên con nhận thấy mình có thể học vượt nhiều hơn để tranh thủ ra trường sớm, vào năm 2 và năm 3 đại học con đã sắp lịch học nhiều hơn bình thường và bảo vệ khóa luận tốt nghiệp vào đầu kỳ 1 năm 4 thành công sớm hơn nữa năm. Trong quá trình học con đã thực hiện thành công một đề tài nghiên cứu khoa học với tên gọi “Lai tạo và tuyển chọn dòng lúa than thơm bằng phương pháp hồi giao kết hợp chỉ thị phân tử” do TS Lê Hữu Hải phó hiệu trưởng Đại học Tiền Giang hướng dẫn.

 Trong năm học thứ 2 và 3 con may mắn được tham gia vào chương trình lớp học tình thương do Chương trình học bổng tổ chức với vai trò là dạy thêm cho các con có hoàn cảnh khó khăn để các con nắm vững thêm kiến thức và qua đó giúp con có thêm khoảng thu nhập 2 triệu đồng/tháng.

Trong suốt thời gian đi học, mặc dầu con phải đi làm nhiều công việc khác nhau, nhưng con luôn luôn giữ mức GIOỈ hay XUẤT SẮC như các cô chú ở VINAHF mong đợi.

 Nay nhìn lại chặng đường 4 năm của mình trong lòng con vô cùng cảm xúc, với sự biết ơn của con đến tất cả các chương trình học bổng đã giúp đỡ cho mình, đặc biêt là Qũy học bổng dài hạn VINAHF và cô Nguyễn thị Cẩm Tú.

Con nay đã có công ăn việc làm sau khi ra trường, tuy cũng chưa ổn định, nhưng cũng đủ để lo cho bản thân và em trai đang chuẩn bị vào Cao đẳng, đại học, và may mắn cho em con Nguyễn công Toại, cũng được học bổng của VINAHF, HB này sẽ chung sức với con, giúp cho em Toaị được lên Sài Gòn đi học, điều mà con đã không có điều kiện thực hiện được.

Niềm mơ ước bây giờ của con chính là em trai mình cũng sẽ hoàn thành việc học sắp tới để có nghề nghiệp lo cho bản thân với sự giúp đỡ học bổng của hội VINAHF với sự bảo trợ của cô Hoàng Dung.

Con cũng xin hứa sẽ cố gắng trong công việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cũng như phát triển cho bản thân mình, và sẽ dành tâm huyết của mình cho các hoạt động phục vụ cộng đồng, giúp đỡ các người khác như mình đã từng được giúp đỡ.

Cháu Nguyễn Minh Thông.

Đây là email khác của một học sinh nghèo chịu khó tại Quế Sơn – Quảng Nam được VINAHF giúp để biến ước mơ trở thành bác sỹ của em thành hiện thực. Trong ngày tốt nghiệp, em đã viết email này gửi về cho các cô chú trong hội VINAHF  

Quảng Nam, ngày 02 tháng 08 năm 2019

Con tên là Lê Thị Như Quê, ở tại thôn Gia Cát Trung, xã Quế Phong, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, là đứa sinh viên nhận học bổng VINAHF suốt mấy năm học vừa qua. Nay con đã tốt nghiệp rồi. Giờ nhìn lại những năm tháng qua VINAHF đã đồng hành cùng gia đình con, thật là nhiều cảm xúc…

Thấm thoắt mà nhanh quá, đã 7 năm trôi qua, kể từ cái ngày con lơ ngơ bước vào chân vào đại học. Ngày ấy, Y Dược là ước mơ, không chỉ của riêng con mà của bao thế hệ học trò, giờ con đã đậu vào ngôi trường mà bao bạn bè ao ước.

 Thật như mơ, cái cảm giác thật vui sướng, thật rạo rực như con chim non sắp tung cánh bay lên bầu trời cao xanh tươi đẹp – cái cảm giác ấy, con vẫn còn nhớ như in. Nhưng, cùng với niềm vui đó là nhiều lo nghĩ, ưu tư vì mờ mờ hiện ra trước mắt con là một con đường khá dài, khá vất vả, nhất là đối với một hoàn cảnh gà trống nuôi con như gia đình con, hơn nữa ba lại sắp 60 rồi. Khi ấy Ba con cũng cân nhắc ghê lắm, nhưng con cứ nhất quyết chọn Y nên Ba đành tôn trọng. Và thế là con bước chân vào con đường dài mờ sương ấy, mang theo ước mong phía cuối con đường là ánh sáng, cũng mang theo luôn nỗi lo cơm áo gạo tiền của Ba, mang theo luôn chuỗi ngày cơ cực với nỗi khắc khoải chờ mong của gia đình khốn khó.

Gia đình con là một gia đình thuần nông ở một xã miền núi của tỉnh Quảng Nam, quanh năm sống nhờ vào mấy sào ruộng và vạt rừng tràm, cũng đủ ăn. Sẽ chẳng có gì để nói nếu mẹ con không ngã bệnh. Năm con lớp 8, mẹ con phát hiện bị suy thận mạn đã giai đoạn cuối, và bắt đầu sau đó là chuỗi ngày cơ cực. Vài tháng đầu mẹ còn điều trị bằng thuốc, sau đó phải chạy thận, mẹ phải sống lay lắt nơi bệnh viện và coi hành lang bệnh viện là nhà. Còn ba thì chạy vạy vay mượn đủ các nguồn, vừa lo nhà vừa lo chăm mẹ ở bệnh viện mà gầy rọm đi. Rồi tử thần cũng cướp mẹ con khỏi vòng tay chúng con 2 năm sau đó. Ba con trở thành gà trống nuôi con, chị em con tự bảo ban nhau mà học, ngoài học con còn có thể làm gì hơn để thay đổi cuộc đời đây. Rồi con vào đại học, con đi làm gia sư để trang trải sinh hoạt phí hằng ngày…

Rồi một ngày, con được một chị (cũng từng nhận học bổng của VINAHF) giới thiệu về Hội, con mừng như thể vớ được phao khi đang lặn ngụm giữa dòng nước xiết. Con đã viết thư cho Hội, cho bác Khiết, cho chú Dũng mà khi ấy đã quá hạn nộp hồ sơ, và may mắn thay, con cũng đã được các chú các bác và Hội quan tâm, trao cho con cơ hội được nhận học bổng VINAHF và còn cho mượn máy tính phục vụ học tập nữa. Ngày ấy con đã thật sự vui mừng, và hạnh phúc biết bao vì đỡ đi nỗi lo về học phí, Ba con cũng nhẹ gánh hơn mà yên tâm cày cuốc.

Rồi thời gian cứ trôi đi, mỗi năm học qua đi, con đường mù sương năm nào con mới lờ mờ nhận ra giờ ngày càng rõ nét. Những ngày lên bệnh viện rồi giảng đường với biết bao áp lực, áp lực từ bài vở, từ những kỳ thi nối tiếp nhau, áp lực tài chính. Rồi lại nghĩ đến ba ngày ngày vẫn một mình lầm lũi nơi đồng sâu, tóc mỗi ngày một bạc thêm. Đã bao lần con tự thấy mình thật kém cỏi, vô dụng, đã không ít hơn một lần con muốn dừng lại và rẻ đi lối khác. Năm con mới xong Y4, bạn bè đứa nào cũng có công ăn việc làm, đứa đã có tiền gởi về cha mẹ, đứa còn lập công ty riêng, đứa bay nhảy từ nước này qua nước khác, nhìn lại mình vẫn tiếp tục ăn bám, 2 năm nữa, rồi ra trường vẫn phải tiếp tục ăn bám không biết bao lâu nữa, con lại cảm nhận rõ hơn sự kém cỏi tệ hại của mình mà bất lực. Nhưng, mỗi học kỳ con lại được nhận học bổng từ VINAHF, lại đến gặp chú Mươi với sự tin tưởng, sự quan tâm thật chân thành, thật gần gũi, thân thương như một người thân, lại nhận được những email trả lời thư cảm ơn đầy những lời động viên thật lòng, đầy sự cảm thông, thấu hiểu từ cô Thùy Dương, từ bác Khiết, rồi cả lần VINAHF thấy ngành y vất vả quá mà tăng tiền học bổng cho trường y cao hơn các trường khác nữa, con thực sự cảm động và hổ thẹn với chính mình, với các cô các chú vì bản thân không chịu nỗ lực hết sức. Mỗi lần như vậy, con lại như một chiếc xe máy, đi lâu ngày cạn xăng, quay về bên cô chú, lại được tiếp thêm nhiên liệu, lại có động lực để tiếp tục cố gắng, tiếp tục chạy về phía trước.

Trước giờ con cũng có nhận được một vài học bổng từ các tổ chức khác, con cũng không hiểu vì đâu nhưng con cảm nhận giữa chúng con và nhà tài trợ có một khoảng cách khá lớn, thật lòng mà nói, chưa bao giờ con cảm nhận được sự chân thành, gần gũi như từ VINAHF. 

Dù con mới chỉ có dịp tiếp xúc có thể nói là ngắn ngủi với chú Hoàng, chú Dũng; chỉ qua email với bác Khiết, và cho đến năm ngoái 2019 con mới gặp cô Thùy Dương, chú Mươi là người trực tiếp trao học bổng cho con nên có nói chuyện nhiều hơn một chút, nhưng từng ấy cũng đủ để con cảm nhận được sự quan tâm và động viên chân thành mà ấm áp từ Hội, từ những người xa lạ mà con có thể tâm sự những suy nghĩ trong lòng và được an ủi, khích lệ, tạo động lực vươn lên. Dường như không còn khoảng cách. Thật ấm lòng!

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, với sự hỗ trợ của VINAHF, giờ con đã bước qua hết những gian nan trong 6 năm ấy rồi. Con đã đến được với ánh sáng cuối con đường rồi. Con không chọn học lên BSNT hay Thạc sĩ, với con và gia đình con, 6 năm đã quá dài, ba con lại ngày càng lớn tuổi nên con chọn cách xin việc tại một bệnh viện để có thể nuôi sống bản thân, rồi sẽ học tiếp lên Bác sĩ Chuyên khoa.

 Hiện tại con đang là bác sĩ tại Khoa Gây mê hồi sức tại một bệnh viện nho nhỏ ở quê nhà và không ngừng học hỏi tích lũy kinh nghiệm để làm tốt công việc mình đã chọn.

Giờ ngồi đây viết những dòng này, con không có gì hơn ngoài lòng biết ơn gởi đến VINAHF đã đồng hành cùng con vượt qua những khó khăn trong suốt những năm qua, đã luôn là nơi tiếp thêm sức mạnh cho con vững tin bước tiếp, đã dành cho chúng con những tình cảm từ tấm lòng các cô chú. 

Sau hành trình 7 năm được VINAHF nâng đỡ, con từ một học sinh nghèo khó, nay thành một con người có thể nói là làm được điều gì đó cho xã hội, ít nhất là cho các bệnh nhân của con và cho chính con.

 Con rất mong sẽ có cơ hội gặp lại bác Khiết và cô Thuỳ Dương trong buổi họp mặt HS VINAHF để nói với các em đang trong hoàn cảnh khó khăn đừng nghĩ tới việc bỏ học để đi kiếm sống, khuyên các em hãy kiên trì theo đuổi con đường tri thức, hãy kiên cường bước qua gian khổ để học tập, VINAHF luôn dang rộng cánh tay sẵn sàng đồng hành cùng em và gia đình để vượt lên số phận, thành công rồi sẽ đến với em, như con đã được nghe từ những người đi trước. 

Đây là lá thư cảm ơn cuối cùng của con sau khi tốt nghiệp, kết thúc 7 năm ròng rã được HB và sự yêu thương của VINAHF nên con hơi dài dòng, cô chú đọc chắc cũng mệt rồi nhỉ?

Con xin dừng bút ở đây. Một lần nữa con xin cảm ơn VINAHF. Con xin kính chúc mọi người luôn dồi dào sức khỏe, ngày càng thành công để nâng cánh bao nhiêu ước mơ khác đang chờ đợi cô chú đâu đó trên đất nước này. Con sẽ báo cho cô chú biết khi tìm được lối đi mới cho mình. 

Con không hứa sẽ thành một bác sĩ giỏi, nhưng con xin hứa sẽ trở thành một bác sĩ tốt, ít nhất có thể giúp đỡ được những người thân của mình. Hi vọng một ngày nào đó con cũng có thể chung tay cùng VINAHF giúp đỡ những hoàn cảnh như con của ngày hôm qua!

Nay kính thư

Con – Lê Thị Như Quê.

6 email trên đây chỉ là một tiêu biểu nhỏ của trên 200 học sinh được HB dài hạn của VINAHF và khoảng 100 HS đã tốt nghiệp. Ngày các cháu đạt được ước mơ, hầu hết đều viết thư cám ơn, nhiều email rất cảm động, khi các cháu bày tỏ lòng biết ơn vì VINAHF đã luôn bên cháu giúp đỡ vật chất, tinh thần trong rất nhiều năm để cháu có ngày hôm nay.

Tôi đã viết bao nhiêu email cho các HS VINAHF, và gặp gỡ các em trong những chuyến đi “xuyên Việt”, theo dõi và chứng kiến từng bước đi lên của mỗi học sinh qua từng email, cho đến một ngày vui khi đọc email của các em báo tin tốt nghiệp, đính kèm văn bằng, và hình ảnh các em ngày tốt nghiệp. Mỗi khi đọc các thư, email tốt nghiệp này, tôi và bà xã TD luôn thấy vô cùng xứng đáng với mỗi giây phút mình đã bỏ ra giúp cho các HS này, giúp cho CTHB VINAHF xứng đáng với lòng tin cậy của các nhà hảo tâm, các hội đoàn bạn cùng chung sức với VINAHF để cho các HS nghèo một cơ hội để khẳng định chính mình.

 Có cháu còn tiếp tục viết thơ cho tôi khi đã đi làm, nhất là khi có những trăn trở vì những quyết định rất khó khăn, trong một xã hội rất khó giữ sự trong sạch, liêm chính (integrity) như tôi vẫn thường khuyên các cháu về đức tính cần có trong những email trao đổi với các cháu, vì HS VINAHF không chỉ học giỏi mà còn là những con người có đạo đức, ý thức phục vụ cộng đồng, và nhất là sống với lòng biết ơn. 

Trong đơn xin HB đã ghi rất rõ và chúng tôi thường nhắc lại là cũng như tất cả mọi sự giúp đỡ của VINAHF, VINAHF giúp các cháu hoàn toàn vô vụ lợi và không có một điều kiện gì, ngoài việc các cháu học khá, giỏi cho đến ngày tốt nghiệp. Các cháu tốt nghiệp là đã hoàn tất bổn phận của mình với VINAHF và VINAHF không hề chờ đợi gì từ các cháu. Tuy vậy, thật vui và đáng trân trọng khi có các HS sau khi tốt nghiệp, đã tự nguyện trở lại giúp VINAHF.

Trong NK 2020-2019 và 2020-2021, đại dịch đã gây khó khăn chung, nhưng đối với các HS nghèo và gia đình các cháu, COVID19 là một thử thách quá lớn. Nhiều cháu đã không đi làm được nên thiếu thu nhập để tiếp tục duy trì việc học. CTHB nhờ có sự giúp đỡ của các cựu HS VINAHF như cháu Lê Ngã Lễ (Kỹ sư nông nghiệp, khu vực Miền Tây), cháu Phạm thị Ngọc (hiện làm việc cho tổ chức NGO, khu vực Miền Trung, Bắc) là hai học sinh tốt nghiệp của CTHB VINAHF, và SV năm cuối Y Khoa của VINAHF Nguyễn văn Chánh ở Tây Nguyên, cùng với Hoàng, Hải Oanh, một TNV trẻ nhiều năng lực và tấm lòng phục vụ, đã giúp cho Thuỳ Dương đối phó được với tình huống khó khăn để trên 100 HS VINAHF vẫn tiếp tục theo học trong NK đầy biến động, thử thách vì đại dịch COVID19. 

Các học sinh VINAHF tốt nghiệp và tình nguyện trở lại giúp cho VINAHF sẽ là “măng mọc” của VINAHF để tiếp tục mang ngọn đuốc tình thương VINAHF giúp các học sinh nghèo đạt được các giấc mơ học vấn, như các em đã đạt được nhờ sự hỗ trợ của CTHB VINAHF.

Nhân ngồi làm việc và quan sát sự tất bật, tận tụy của TD để lo cho các học sinh có kip HB cho một năm học mới trong đại dịch COVID-19, tôi có cảm hứng viết bài này, để cám ơn Thuỳ Dương người không chỉ đã hy sinh nhiều thời gian và công sức để đưa CTHB lên một tầm cao mới, mà trên hơn 15 năm qua đã luôn luôn đứng đàng sau ủng hộ cho tôi và VINAHF để VINAHF có được hôm nay. 

Cũng như rất nhiều sự giúp đỡ thầm lặng, ẩn danh đàng sau để VINAHF, TD đã làm việc rất âm thầm giúp VINAHF từ ngày đầu tiên, từ việc đón tiếp các chu đáo các nhà hảo tâm, các ca sĩ, trụ cột đàng sau của mọi cuộc gây quỹ, luôn có những nhận xét và đề nghị rất hữu ích cho tôi, TD đã hy sinh các kỳ nghỉ gia đình vì các chuyến đi Việt nam định kỳ của tôi về VN trong hơn 15 năm qua để xây dựng mạng lưới TNV, và cùng tôi chịu khó với những điều không tránh khỏi của công việc “ăn cơm nhà, gác ngà voi”, và tôi luôn nhắc nhở TD, BCH VINAHF là nếu việc giúp người, phục vụ tha nhân là dễ dàng, thoải mái thì thế giới này đã thành thiên đàng từ lâu rồi. 

Như câu nói của Gandhi: “Cách tốt nhất để tìm thấy chính mình là hãy đánh mất mình trong việc phục vụ người khác”. Cho nên, không chỉ tìm thấy chính mình trong công việc giúp các HS VINAHF, mà tôi tin là cũng như tôi, Thuỳ Dương có những niềm vui, hạnh phúc khó diễn tả được khi nhìn thấy bao nhiêu học sinh nghèo đã chắp cánh bay xa, khi thắp sáng cho cho niềm tin của các em vào tương lai. chúng tôi cũng tự thắp sáng cho con đường đi của chính chúng tôi. 

Tôi đã có nhiều chuyến đi gặp hầu hết các HS VINAHF, và có khi còn đến thăm gia đình các cháu, nhưng cho đến năm 2019 Thuỳ Dương mới có chuyến đi về VN để gặp hầu hết các TNV khu vục, và các HS VINAHF tại các điểm hẹn ở Đồng Tháp, Cần Thơ, Quảng Nam, Thừa Thiện, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An,… và TD đã sung sướng đón nhận được tình cảm rất chân thành, sâu sắc và những giây phút cảm động khi các em được gặp cô Thuỳ Dương sau bao nhiêu email trao đổi.

Chuyến đi đã giúp gắn bó, thân thiết hơn nữa giữa TD và các HS VINAHF, giúp cho các em thêm niềm tin và động lực về ước mơ đã trong tầm tay với, TD còn gặp gỡ được những TNV trụ cột của VINAHF, và góp phần mở rộng thêm cho những học sinh rất xứng đáng đến với CTHB, như thêm 11 học sinh ở Hà Tĩnh trong NK 2020-2021 này.

Các bạn làm việc với CTHB VINAHF thường gọi TD là bà mẹ “Âu Cơ” vì bởi TD năm nào cùng có trên 100 học sinh phải lo, tôi nói đùa nhờ vậy mà tiết kiệm được vì TD không còn thì giờ để đi shopping, và nhại lại câu câu ngạn ngữ :

Nếu bạn muốn sung sướng 1 giờ, thì hãy ngủ một giấc, muốn sung sướng 1 ngày, thì đi shopping, muốn sung sướng 1 tháng thì đổi phone mới, muốn sung sướng một năm thì sắm xe mới, còn nếu muốn sung sướng dài dài thì hãy cùng Thuỳ Dương phục vụ cho CTHB của VINAHF để giúp các học sinh nghèo hiếu học vượt lên số phận của các cháu.

]]>
https://khiet.vinahf.net/2020/02/29/chuong-trinh-hoc-bong-vinahf/feed/ 0 98
Người Bạn VINAHF Chung Thuỷ https://khiet.vinahf.net/2009/06/19/nguoi-ban-vinahf-chung-thuy/ https://khiet.vinahf.net/2009/06/19/nguoi-ban-vinahf-chung-thuy/#respond Fri, 19 Jun 2009 08:54:59 +0000 https://khiet.khuetu.com/?p=76 Continue reading]]> Người Bạn VINAHF Chung Thuỷ
Năm 2008, tôi và anh Phạm Văn Dũng trong một chuyến đi cứu trợ Quế Sơn, miền núi Quảng Nam.

Từ ngày ở Việt Nam về, tôi định sẽ viết gì đó về người bạn cũ thời trung học – Phạm văn Dũng – và thỉnh thoảng có nhận email về các hình ảnh công việc của anh, nó cứ nhắc lại ý định này, nhưng chưa bao giờ đặt bút để viết cho dù luôn có nhiều suy nghĩ về anh. Hôm nay lại được một email nữa, không phải từ anh mà từ một học sinh – Lương Một – đúng hơn, em là sinh viên, em đang học năm cuối cùng, năm thứ năm tại Đại học Đà Nẵng để trở thành một kỹ sư công chánh (civil engineer).

Cháu Một lớn lên trong trại mồ côi, không còn ai thân thuộc ngoài bà ngoại già làm nông ở Quế Sơn, nhưng đã cố gắng học xong trung học. Cho dù gia đình sẽ không đài thọ nỗi việc em học đại học, em Một vẫn thi và đã đậu vào Đại học Đà Nẵng. May mắn, Một gặp được “chú Dũng” và số phận đã mĩm cười với em, nhờ “chú Dũng” ước mơ theo học đại học của em đang trở thành hiện thực.

Email của Một viết cho tôi hôm nay ngắn gọn, cho biết nhờ sự giúp đỡ từ hai người hảo tâm ở Úc – chú Hoàng Trung và cô Thanh Tuyết – đã chu đáo dùng quen biết riêng gởi gấm, em đã nhận được vào làm tập sự (thực tập) cho một công ty xây dựng tại Đà Nẵng, giúp một sinh viên nghèo, không “gốc gác“, có cơ hội kiếm được việc khi ra trường sang năm và trong email em báo tin chú Dũng đã đến trao cho học bổng của người bảo trợ cho năm cuối, em viết nhìn “chú Dũng vội vàng ra đi trong cảnh trời mưa, hai bà cháu con rất cảm động.

Chú Dũng vừa lặn lội đến để giao tiền học bổng cho kịp, rồi vội vã đến nơi khác để giúp những người khác. Một viết câu kết là cháu “sẽ ghi nhớ hình ảnh này để mai sau sẽ cùng VINAHF tiếp tục công việc mà chú Dũng đã làm cho cháu.”

Đọc email của em tôi xúc động vì lời lẽ chân thật của Một. Khi có dịp tôi luôn đến thăm gia đình các học sinh đang nhận được học bổng của VINAHF, nên tôi đã lần theo Dũng đến thăm ngoại của em Một, tại xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn, trong vùng núi của Quảng Nam. Thời chiến tranh, Quế Sơn là một trọng điểm ngay trên đường mòn HCM trên Trường Sơn, là nơi có những trận đánh khốc liệt vì sát biên giới Lào-Việt và rất nhiều chất độc da cam đổ xuống khu vực này.

Chuyến đi của chúng tôi vào ngày khô ráo, nên tôi có thể hình dung được cảnh lầy lội mà anh Dũng đã phải đi qua trong cảnh mưa dầm. Với cảm xúc từ email của Một, tôi có cảm hứng viết bài này và nhớ lại chuyện xưa.

Trong một chuyến đi lên Quế Sơn giúp người nghèo.

Tôi trở lại Việt Nam vào năm 2002, lúc đang đi dạo phố với con gái nhỏ của tôi ở Hội an, tình cờ gặp anh vì anh lại tiếp tục ở chính căn nhà, làm cái nghề cũ của cha mình mấy chục năm về trước. Anh ngưng làm và sau vài câu thăm hỏi, anh nói sẽ cho tôi xem một cái mà tôi có thể sẽ thích thú, anh bước ra sau nhà, tôi phân vân trong khi cùng con gái ngồi đợi, sau đó anh mang ra một cuốn sổ đã bạc màu, cũ kỹ và khi mở ra tôi thật sự ngạc nhiên thích thú.

Lúc đó là năm lớp 7, lớp 8 ở Trường Trung học Trần Quí Cáp (năm 69, 70) anh là người giữ sổ để theo dõi điểm tốt, điểm xấu của cả lớp và lật ra từng trang cho tôi và con tôi xem, tôi lướt nhanh qua danh sách các bạn học năm đó, chỉ nhớ được hơn phân nửa. Nhiều đứa chết trong chiến tranh, đi lính tử trận, bị mìn, bị pháo kích, có đứa chết ở trại cải tạo, đứa chết trôi, chết vì tai nạn lao động, có đứa “nó tự nhiên mất biệt“, “nó chắc chết ở Miên“, “chết ở biên giới phía Tây“, “thằng này giờ khá lắm ở Sài gòn“, “nó là công an, hồi đó nằm vùng đó mi!“, “thằng này giờ làm nông, cực lắm“, … Anh giúp tôi nhớ lại phần lớn các bạn còn lại, đứa còn đứa mất. Anh cũng không quên giải thích cho con gái tôi hiểu các dấu cộng màu đỏ là “điểm tốt“, dấu trừ màu xanh là “điểm xấu“. Tôi nhìn xuống vẫn còn nhớ các đối thủ của tôi, bật nổi với các hàng dấu cộng đỏ dài sau các tên Nguyễn Công Tâm, Nguyễn Minh Trung, Nguyễn Đức An, Lê Nho Tứ.

Trước ngày rời Hội An, tôi có một buổi gặp vài bạn học cũ TQC tại một quán cà phê. Chuyện phím dẫn đến một việc tôi vừa làm mấy ngày qua, tôi đã đến một vài nơi ở Hội An và Thanh Hà, để chuyển số tiền khiêm tốn của hội VINAHF đến cho các người tàn tật, kém may mắn. Trong khi các bạn khác rất đồng tình về việc này, anh Dũng trầm tĩnh không nói, bỗng hỏi tôi: “Khiết thực sự muốn làm các việc từ thiện, giúp cho người khốn khổ?” Tôi gật đầu, anh Dũng ngắn gọn chỉ hỏi tôi có nếu thì giờ, hãy đi với anh một ngày, cho ý muốn của tôi, anh nói mình đi qua phía bên kia của sông Thu Bồn chớ chẳng đi đâu xa. Tôi nói mai là ngày cuối cùng của tôi tại Hội An và tôi đã có các dự định khác, anh Dũng nói thôi hẹn dịp khác, nhưng tự nhiên có cái gì đó khiến tôi rất chú ý đến đề nghị của anh, nhất là khi anh nói: “Tôi không biết Khiết về có ý định giúp các người nghèo?” Tôi có cảm giác anh có điều gì muốn nói nhiều hơn nhưng không tiện giữa đông bạn bè. Một cái gì sai khiến làm tôi quyết định đổi chương trình ngay lúc đó. Tôi nói ngày mai sẽ đi với anh, Dũng hỏi lại vài lần, và ái ngại về đề nghị của anh làm tôi thay đổi chương trình, hay để chắc là tôi không hứa cuội.

Hôm sau, đúng hẹn, tôi với anh Dũng và anh Thọ trên hai chiếc Honda đi qua phà để đến Xuyên Long. Anh Dũng nói có hai xe honda thì yên tâm hơn nếu có gì thì một người sẽ đưa Khiết về được đến nhà để không trễ chuyến bay vào Sài Gòn.

Đó là chuyến đi mở mắt của tôi. Tuy chỉ đi được trong hai thôn trong ngày, nhưng tôi đã chứng kiến cảnh thống khổ của các người già, tàn tật neo đơn và mới hiểu hết câu hỏi của anh Dũng hôm qua về tôi có ý định giúp người bất hạnh. Tôi thầm nghĩ, nếu tôi biết được như thế này có lẽ tôi sẽ giữ lại số tiền khiêm tốn của VINAHF mà tôi đã cho các nơi khác để đến giao tận tay các người này. Hoá ra, những người trong trại tế bần đã rất khổ rồi, mà cảnh các người già cả, những người tàn tật, hiện đang sống như tôi vừa thấy trong chuyến đi là không diễn tả được.

Xuyên Long là vùng mà thuở nhỏ, khi đi theo các đoàn cứu trợ Hướng đạo, tôi có đến các gia đình mà nhà cửa họ bị lũ lụt cuốn trôi. Tôi cũng đâu thấy những cảnh như hôm nay, mà đó lại là lúc chiến tranh, đằng này đất nước “rừng vàng biển bạc” đã hòa bình trong mấy chục năm. Tôi nhớ câu nói của một chính trị gia Mỹ – Hamilton Fish: “Đất nước mà đáng cho chúng ta chết để bảo vệ khi có chiến tranh, thì nó nhất định cũng phải xứng đáng để sống ở đó khi hòa bình” và tôi xót xa khi hòa bình mà bao nhiêu người chưa có cuộc sống như cha ông, hay chính gia đình họ đã hy sinh để bảo vệ.

Đêm đó ở nhà anh, tôi tìm hiểu thêm và không ngờ từ bao năm anh đã âm thầm làm nhiều việc để giúp cho các người bất hạnh bị bỏ rơi. Tôi thầm mừng vì đã quyết định đúng để có dịp biết những điều cần biết qua chuyến đi này vì đưa giúp đỡ của VINAHF đến đúng người thật xứng đáng là mục đích của Hội.

Tôi có dịp nói chuyện với anh về VINAHF và sung sướng được anh vui vẻ nhận lời cộng tác để đạt hiệu quả cao nhất với số tiền quyên góp khiêm tốn VINAHF nhận được từ các nhà hảo tâm. Từ đó, anh là người TNV cộng tác đắc lực cho VINAHF, anh đi khắp nơi, giúp nhiều chương trình, dự án. Từ việc giúp đỡ cho các nạn nhân bão lụt ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình cho đến việc đi tìm hiểu giúp cho từng hoàn cảnh học sinh như của em Một để bắt đầu chương trình Học bổng của VINAHF. Nhiều năm sau, trong một chuyến đi khác với anh, khi dừng chân ăn tối ở một quán trên vùng núi Sơn Phước, anh Dũng tâm sự khi nghĩ đến đoạn đường sẽ phải đi qua để về đến nhà: “Không biết mình còn đi được như thế này bao lâu nữa“.

Trên đường tối đen về nhà, tôi ngồi sau honda Dũng, tôi biết anh thường xuyên có những chuyến đi khuya, anh tâm sự là những lúc thế này anh có nhiều suy nghĩ muốn diễn tả mà không biết làm sao. Tôi đã biết anh, người chỉ làm theo cái Tâm, rất ít khi nói và viết về công việc mình làm.

Khi số người già, tàn tật, học sinh nghèo gia tăng, tôi đề nghị anh nên thay thế các cuốn sổ ghi chép chi tiết của anh về hoàn cảnh của từng người, địa chỉ, lịch sử số tiền cho, tiền do ai đóng góp bằng cách dùng spreadsheet trên máy điện toán và bắt đầu tập sử dụng email vì chúng tôi phải có hình ảnh gởi nhanh qua email để cập nhật cho các nhà hảo tâm. Tội nghiệp cho anh, cũng chịu khó học, các công việc làm bằng tay anh đã thành thạo bao năm, nay chuyển sang làm trên máy điện toán, làm anh mất thì giờ, lo lắng và có khi làm cả ngày trời, bấm cái gì đó nó mất hết. Có lúc anh phải nói với tôi: “VINAHF nhờ chuyển cái gì đến đâu tôi cũng sẽ đi đến, nhưng xin đừng bắt tôi dùng computer nữa!

Tôi rất hiểu, bao nhiêu email anh đã “kêu cứu“, vì “đang làm tự nhiên nó mất hết“, việc làm qua máy tính khiến anh mất rất nhiều thời gian lại không tự tin được như việc ghi chép chi tiết bằng tay, anh khá nản chí, học vi tính trong hoàn cảnh, điều kiện của anh ở VN là chuyện “không tưởng“. May mắn VINAHF có Hoàng thành thạo về máy tính, bao nhiêu cầu cứu của anh tôi đều bấm nút để “forward” cho Hoàng. Trải qua một thời gian vật lộn, tôi vui mừng thấy anh dần dần tự tin hơn khi sử dụng máy điện toán.

Từ đó, các hình ảnh nhóm của anh đi phân phối cứu trợ đã gởi về rất nhanh cho chúng tôi, giúp ích thật nhiều cho việc quyên góp, gây niềm tin cho các người ủng hộ cho VINAHF. Những tấm hình sống động do anh gởi về tình cảnh của đồng bào trong thiên tai, về các cảnh cứu trợ dã chiến cấp thời, các tiến triển và tình huống bất ngờ của việc nhóm anh theo dõi việc xây nhà cho người nghèo với Lửa Việt, hình về gia cảnh của các em học sinh xứng đáng để giúp học bổng, nhiều tình huống cần giúp đỡ nhân đạo khẩn cấp hay các email báo tin về cơn sốt gạo khiến số tiền cứu đói thường xuyên nay không còn cứu được nhiều như trước nữa. Những thông tin anh gởi qua email cập nhật, rất hữu ích để VINAHF chia sẻ với các thân hữu, các nhà hảo tâm mong muốn làm một điều gì đó cho các người nghèo, người bất hạnh.

Tôi ngạc nhiên thú vị, khi thấy các email gần đây anh viết tiếng Việt có bỏ đấu đàng hoàng, viết rõ hơn tôi nhiều. Không những giúp cho VINAHF, anh còn giúp cho Hội VOSA, Bút Nhóm Lửa Việt. Như anh đã tâm sự: “Nếu các anh chị bên đã đó có tấm lòng quyên góp tiền cho người nghèo, thì tôi sẽ cố gắng chuyển, tận tay đến người xứng đáng được nhận, đến đâu tôi cũng sẽ đi.“, và anh đã giữ lời hứa, lặn lội đi âm thầm trong bao năm, chuyển hết số tiền của VINAHF đến tận tay người kém may mắn trong các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Qua nhiều năm giúp đỡ cho VINAHF đến nay, anh cũng như các bạn thiện nguyện khác, chưa hề nhận bất cứ chi phí nào của hội VINAHF, cho dù đã có lần đề nghị và các chi phí đi lại này cũng chỉ “gọi là” chứ không làm sao bù đắp lại thời gian, sức lực của các công việc âm thầm của anh và các bạn thiện nguyện.

Tôi đã trả lời email cho em Một với một lời khuyên là em hãy cố gắng giữ lại trong ký ức hình ảnh chú Dũng khuất trong mưa bùn lầy lội sau khi đã cố gắng đến để trao em số tiền học bổng cho kịp thời hạn với trường. Đây là hình ảnh của một tấm lòng, suốt năm năm qua không riêng gì chú Dũng, có bao nhiêu người khác đã âm thầm giúp em từ học bổng, cái laptop cũ, cho đến những lời động viên, hay gần nhất là việc chu đáo gởi gấm của người bảo trợ giúp em việc đi thực tập. Tất cả đều làm vì họ có chung “một tấm lòng“.

Anh Dũng giao học bổng cho Lương Một tại nhà bà ngoại của em.

Tôi khuyên em Một hãy nhớ hình ảnh này bởi vì có ngày em sẽ không còn trong cảnh hàn vi, có lẽ ngoại em cũng không còn để nhắc lại em câu chuyện “Bát cơm Phiếu Mẫu” năm nào trong căn lều tranh lụp xụp. Hãy giữ các hình ảnh này để em đừng quên là lúc nào cũng có bao nhiêu người như em thưở xưa và mong em có “tấm lòng của chú Dũng” để giúp họ, tôi vui mừng khi đọc email của Một với lời hứa sau này sẽ “làm như chú Dũng để giúp đỡ mọi người“.

Tôi sung sướng vì VINAHF đã giúp em tốt nghiệp đại học, nhưng “đỉnh cao của sự giáo dục chính là lòng biết ơn“, chỉ có em tự giáo dục cho mình để có lòng biết ơn, nên tôi mừng hơn việc em được nhận vào công ty để thực tập, là em đã có “lòng biết ơn” trong suy nghĩ “làm như chú Dũng” cho người khác. Tôi nghĩ đó là sự cám ơn đầy ý nghĩa cho chú Dũng và những ai đã giúp em được ngày hôm nay. Cũng khá lâu, có lần em Một email cám ơn VINAHF và nhờ tôi chuyển đến các ân nhân của chương trình học bổng VINAHF đã giúp em theo đuổi giấc mơ đại học, tôi đã sao chép lại một câu trả lời có lần tôi đã nghe, nhận được: “Cách cám ơn tốt nhất là khi ai đó cần cháu giúp đỡ, cháu hãy làm cho họ như những gì cháu nhận được hôm nay” và tôi vẫn muốn lặp lại lần nữa.

Email của Một gởi cho riêng tôi, nhưng liên tưởng đến trăn trở của Dũng khi không biết mình còn lặn lội đi được bao lâu khi đã quá cái tuổi “tri thiên mệnh“, tôi nghĩ rằng Dũng có thể yên tâm, những cái nhân Dũng đã gieo thì sẽ có lúc nở quả và khi đến thời gian đó, anh có thể yên tâm và mãn nguyện khi thấy những cây măng mới như Một sẽ mọc lên.

Từ  email của Một, tôi viết lại câu chuyện và cám ơn số phận đã đưa tôi gặp lại người bạn học cũ của trường Trần Quí Cáp năm xưa, nhại một câu hát: “thời học trò, ngồi cùng lớp, bây giờ chung ý muốn“. Tôi tìm trong anh những câu trả lời về chữ “Tâm” mà tôi luôn muốn hiểu được. Tôi phải nhờ sự diễn đạt của mẹ Therasa để nói được điều anh đã làm: “Không phải mọi người đều có thể làm được việc lớn, nhưng ai cũng có thể làm được việc nhỏ với tình yêu lớn.”

Tôi biết rằng nếu không có “tình yêu lớn“, hay bằng các tên khác như là lòng từ bi, bác ái, tình người, mà tôi gọi chung là “tấm lòng“,  thì anh không thể  làm được rất nhiều việc cho các người bất hạnh chung quanh và tôi vì luôn nhớ đến tấm lòng của anh cũng như bao nhiêu người khác, cho nên câu nói này đã được đặt ngay trên đầu trang web của VINAHF: “We can’t all do the big things but we can do small things with big love.” (Mẹ Therasa). Câu nói để tặng cho anh và bao nhiêu TNV VINAHF âm thầm khác trong việc dấn thân giúp người nghèo mà luôn sẵn sàng vì có “một tấm lòng“.

Về điều này, chắc anh còn nhớ thầy Nguyễn Công Trợ dạy tôi và anh môn Việt văn năm lớp chín hai (9/2), ông giảng hai câu thơ Đường, mà đến nay tôi vẫn thuộc:

Nhân sinh tự cổ tùy vô tử.
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.
(Xưa nay thử hỏi ai không chết,
Lưu lại đời sau một tấm lòng.)

Buổi sáng đầu Thu – New Jersey 2009.

]]>
https://khiet.vinahf.net/2009/06/19/nguoi-ban-vinahf-chung-thuy/feed/ 0 76
Tờ Đơn Học Bổng https://khiet.vinahf.net/2002/01/06/to-don-hoc-bong/ https://khiet.vinahf.net/2002/01/06/to-don-hoc-bong/#respond Sun, 06 Jan 2002 07:05:02 +0000 https://khiet.khuetu.com/?p=135 Continue reading]]>

Đọc bài viết của chú Trừng về tinh thần hướng đạo của Ba tôi Phải biết ái nhân như ái thân” hay trong lời hứa “Giúp đỡ mọi người không cứ lúc nào”, mẫu chuyện về sự thanh liêm và công minh của Ba đã hi hữu cứu sống gia đình trong những ngày “tranh tối tranh sáng”. Tôi nhớ lại một câu chuyện khác về Ba tôi, câu chuyện đưa tôi trở lại khung cảnh thanh bình của thời đi học tại trường Trần Quí Cáp, Hội An.

Thời trung học, chúng tôi luôn luôn thích thú với những câu chuyện ngoài lề trong các bài giảng của thầy cô. Thầy Mai Chánh Trí thường hay kể chuyện hấp dẫn và dẫn học sinh đi “ta bà thế giới” qua những câu chuyện có khi không liên quan gì đến môn vật lý của mình và nhiều khi sực nhớ lại thì có khi không còn đủ thời giờ cho bài giảng và như thế cả lớp rất mừng vì khỏi học bài mới.

Thầy Nguyễn Công Trợ với những giai thoại làng nho lý thú, cùng những câu đối chát tuyệt vời của các văn nhân như “ai công hầu, ai khanh tướng” mà tôi còn nhớ lâu hơn cả những bài giảng văn, thỉnh thoảng thầy còn trích vài câu thơ Hồ Xuân Hương và bỏ lửng giữa chừng phần giải thích với nụ cười tủm tỉm.

Tuy nhiên, câu chuyện mà tôi nhớ lâu là vào năm lớp 10 (đệ tam, năm 1971) của thầy dạy toán, thầy ít kể chuyện ngoài lề, nhưng có một lần thầy kể về sự khó khăn để vươn lên của những học trò nghèo miền quê xứ Quảng như: Điện Bàn, Đại Lộc, Quế Sơn,... Nơi các học sinh nghèo thiếu thốn tất cả phương tiện, thời tiết khắc nghiệt, chiến tranh tàn phá. Thầy muốn khuyên nhủ chúng tôi đừng bỏ phí cơ hội học vấn đang có mà hãy siêng năng học hành.

Tuy nay không còn nhớ rõ hết chi tiết, nhưng đó là một câu chuyện về người học trò nghèo ở huyện Đại Lộc với ước mơ học vấn. Thời đó, chính phủ VNCH có cấp học bổng cho các học sinh nghèo, ưu tú để giúp các học sinh có thể theo đuổi việc học. Nhiều khi đây là chiếc cầu duy nhất để bao nhiêu học sinh nghèo hiếu học được vươn đến chân trời tri thức.

Do phương tiện liên lạc, giao thông khó khăn, nhiều khi tin tức đến các vùng thôn quê hẻo lánh thì đã muộn màng, hơn nữa mọi thủ tục xin học bổng đều phải làm tại Hội an, tỉnh lỵ của Quảng Nam. Đại Lộc Hội An là một hành trình “từ quê lên tỉnh”, xa xôi, tốn kém và nhọc nhằn, đặc biệt nếu không có thân nhân tá túc lại tại Hội An.

Năm đó, tuy chỉ còn vài ngày là hết hạn nhận đơn, một cậu học trò nghèo của vùng Đại Lộc đã cố gắng lặn lội xuống tận Hội An để xin học bổng, học bạ về học lực thì đã có từ trường, nhưng một trong những giấy tờ quan trọng là chứng minh không có ruộng đất, tài sản, vì phải hội đủ hai tiêu chuẩn “học lực xuất sắc và gia cảnh nghèo”. Cậu bé bỏ ăn trưa, vội vàng tìm đến được “Ty Địa chánh Hội An” nhưng đã trễ mất rồi, đó là ngày thứ Bảy, công sở đóng cửa nghỉ buổi chiều.

Khi người học trò hớt hải chạy đến được Ty Địa Chánh, thì cũng là lúc người nhân viên đóng cánh cửa cuối cùng và chuẩn bị về nhà cho ngày nghỉ cuối tuần. Với vẻ thất vọng và lo âu khi đến “cửa quyền” công sở, vốn quan liêu, đặc biệt với người học trò vùng quê đến nơi công sở thị thành, cậu không dám mở miệng, nhưng có lẽ nhìn trong ánh mắt âu lo và cảm thông với người học sinh nhỏ tuổi, người nhân viên mở lời: “Cháu cần gì không?

Người học trò vừa mừng vừa sợ, nói không ra lời và đưa tờ đơn xin học bổng, người nhân viên đọc qua lá đơn và trả lời: “Để xem bác có giúp được không!” và ông quay trở lại mở các cửa cơ quan, dẫn người học trò vào và bảo: “Cháu ngồi đây đợi bác.

Xong, ông quay vào trong bắt đầu lục soạn hồ sơ, tìm kiếm trong chùm chìa khóa, mở các ngăn tủ, người học trò lấm lét nhìn qua, nửa mừng nửa lo không biết người nhân viên có tìm ra được hết hồ sơ về đất đai, con dấu, chữ ký,... cho xong tờ đơn xin học bổng của mình, khi thấy ông đi từ bàn, tủ này đến bàn, tủ khác trong văn phòng.

Thời gian chờ đợi, lo âu dường như là vô cùng đối với người học trò, cho đến lúc người nhân viên bước ra, với nụ cười và nói với cậu: “Giấy tờ của cháu đã xong hết!

Người học trò ngước nhìn rơm rớm nước mắt biết ơn, muốn nói cám ơn mà cũng không thốt nên lời, ấp úng không rõ ràng, nhưng cũng để người nhân viên hiểu cậu muốn nói gì. Ông nhìn và trả lời từ tốn: “Sau này cháu nhớ, nếu ai nhờ cháu giúp đỡ, hãy cố làm như Bác đã giúp cháu ngày hôm nay.

Sau một vài thăm hỏi và chúc may mắn cho ước mơ học vấn cho người học trò nghèo Đại Lộc, ông quay lại một lần nữa đóng cửa văn phòng và thong thả dắt chiếc xe đạp cũ kỹ, đạp về nhà. Người học trò đứng nhìn theo hình ảnh người công chức dáng cao cao trên chiếc xe đạp ngang mà cậu cảm động trong lần gặp đầu tiên và cũng chẳng biết tên, nhưng việc ông đã làm với lời khuyên “giúp người” bao năm trường còn mãi vang vọng trong tâm trí người học trò quê.

Nhiều năm trôi qua, người học trò có chí năm xưa, đã đạt được ước mơ, trở thành giáo sư Toán  và được bổ nhiệm về dạy tại Hội An. Ông vẫn không quên “tờ đơn học bổng” ngày nào và tìm lại ty Địa chánh cũ, nhưng bây giờ không còn nữa, nó trở thành căn nhà cũ rêu phong trên cuối đường Phan Đình Phùng và không biết người công chức năm xưa có còn đâu đó ở Hội An không.

Thành phố Hội An nhỏ bé, muốn tìm lại người xưa không khó, người học trò nghèo nay đã trở thành giáo sư, nhưng người công chức sau bao năm với những thăng trầm của thời cuộc, chiến tranh vẫn còn gắn cuộc đời mình với phố Hội cổ kính và họ đã gặp lại nhau, người công chức tuy có già hơn, nhưng vẫn cái dáng cao gầy với chiếc xe đạp ngang như ngày nào khi họ gặp lại nhau.

Người giáo sư nhắc lại chuyện cũ năm xưa, nhưng người công chức không còn nhớ gì đến chuyện ông giúp cho “tờ đơn học bổng”. Phải chăng đó cũng như bao nhiêu việc khác trong đời ông đã làm vì nhiệm vụ, vì tấm lòng, vì trái tim, vì lòng nhân ái của con người, hay vì lời hứa Hướng đạo “giúp người bất cứ lúc nào” mà ông luôn ghi nhớ.

Có điều người học trò nay là giáo sư, biết thêm rằng, buổi chiều hôm ấy cậu thật may mắn, cậu đã không gặp một nhân viên của ty Địa chính, mà gặp người Ty Trưởng, người công chức mẫn cán tận tụy ra về cuối cùng. Vì ông là trưởng ty, ông đã có chìa khóa của mọi phòng ban, cùng thẩm quyền đến từng phòng, truy tìm hồ sơ đất đai, rồi đóng dấu, ký tên,... để hoàn tất các chứng nhận cho lá đơn học bổng, lẽ ra việc đó là việc của người thuộc quyền, chỉ đưa cho ông “trình ký”, nhưng ông đã tự làm hết, chớ không “thuận tiện” hẹn đến tuần sau.

Người học trò đó chính là giáo sư Hồ Văn Thông, một giáo sư toán có tiếng, đã đào tạo biết bao nhiêu thế hệ học sinh của trường Trung học Trần Quí Cáp Hội An, mà các anh em Nguyễn Thanh chúng tôi may mắn qua các lớp của thầy và hôm đó thầy đã kể về câu chuyện của chính thầy.

Cuối cùng để chấm dứt câu chuyện bên lề, trở lại với bài giảng “vòng tròn chín điểm Euler” thầy Thông kết thúc: “Tôi vẫn còn nhớ mãi hình ảnh người công chức tận tụy đã giúp cho tôi tờ đơn học bổng, cùng lời khuyên: “Hãy giúp đỡ người khác như Bác đã giúp cháu hôm nay” và các em có biết không, người công chức đó chính là ông Nguyễn Thanh Viêm, thân sinh của trò Nguyễn Thanh Khiết đây!

Lại thêm một kỷ niệm đẹp và những giây phút khó quên của tôi trong những năm học dưới mái trường Trung học Trần Quí Cáp, Hội An.

New Jersey, Mùa Thu 2002.

[cool_tag_cloud on_single_display="local"]

]]>
https://khiet.vinahf.net/2002/01/06/to-don-hoc-bong/feed/ 0 135