Tủ Thuốc Tình Thương – Thay Lời Cám Ơn https://khiet.vinahf.net NGUYỄN THANH KHIẾT Sun, 17 Apr 2022 08:49:59 +0000 en-US hourly 1 https://wordpress.org/?v=6.5.5 https://i0.wp.com/khiet.vinahf.net/wp-content/uploads/2021/12/cropped-cropped-khiet-e1640694139605.png?fit=32%2C32&ssl=1 Tủ Thuốc Tình Thương – Thay Lời Cám Ơn https://khiet.vinahf.net 32 32 205146790 Mỗi Vị Khách Là Một Hồng Ân https://khiet.vinahf.net/2020/07/17/moi-vi-khach-la-mot-hong-an/ https://khiet.vinahf.net/2020/07/17/moi-vi-khach-la-mot-hong-an/#respond Fri, 17 Jul 2020 09:00:22 +0000 https://khiet.khuetu.com/?p=100 Continue reading]]>

Lần đầu tiên cùng ma sơ Cao Ánh Hồng đi bộ từ Nhà thờ Con Cuông đến trạm y tế (mà chúng tôi gọi khiêm tốn là Tủ Thuốc Tình Thương (TTTT)), nơi các ma sơ khám bệnh, phát thuốc, châm cứu cho các người rất nghèo, ấn tượng đầu tiên của tôi là tấm bảng lớn với hàng chữ: "Mỗi vị khách là một Hồng Ân", tôi vô cùng tâm đắc vì đó là một lời giới thiệu ban đầu rất có ý nghĩa đối với chuyến viếng thăm hơi bất ngờ trong lần đầu tiên đoàn VINAHF đến thăm TTTT. Tuy đã 4 giờ chiều mà trạm y tế miễn phí này vẫn còn đông các bệnh nhân chờ đợi để được khám bệnh, tôi đứng quan sát các ma sơ đang bận rộn với việc khám bệnh, châm cứu, phát thuốc cho các người nghèo, trong số có nhiều người dân tộc.

Khi thành lập VINAHF, tôi có ước muốn xây dựng VINAHF vững như kiềng 3 chân. VINAHF sẽ đứng trên 3 kiềng, trong đó cái kiềng thứ nhất là Ban Chấp Hành VINAHF, là bộ tổng tham mưu có tầm nhìn, và khả năng để đưa các ra kế hoạch và chiến lược đúng với sứ mạng của VINAHF, và lãnh đạo VINAHF để huy động được nguồn lực mà then chốt là việc phải tạo được 2 cái kiềng khác đó là mạng lưới các nhà hảo tâm, tin tưởng và ủng hộ cho VINAHF, và kiềng quan trọng thứ ba là một mạng lưới Thiện Nguyện Viên VINAHF (TNV) gồm những người có tấm lòng nhân ái, yêu thích công việc phục vụ cho người nghèo vô vụ lợi, có các kỹ năng nhất định để chu đáo thực hiện các dự án của VINAHF, trực tiếp đưa sự giúp đỡ của VINAHF đến tận tay những người dân nghèo.

Khởi đầu, ở miền Nam, chỉ có các Linh mục Phạm văn Dũng, Trần Trọng Trí là những TNV VINAHF đầu tiên ở vùng Kiên Giang, hầu hết các TNV ban đầu là ở miền Trung và miền Bắc, do các cuộc cứu trợ nạn nhân thiên tai đầu tiên là từ Quảng Nam, và mở rộng ra về phía Bắc Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Bình và Nghệ An. Vì chưa có các TNV khu vực, nên các TNV VINAHF đầu tiên ở Quảng Nam, anh Dũng, anh Thọ, anh Mươi, anh Cơ, anh Khánh, ... phải lặn lội ra Bắc, và dựa vào các ma sơ ở đây để cứu trợ cho các nạn nhân bão lũ, những ma sơ đầu tiên tôi còn nhớ tên qua các tường trình là sơ Luận, Sơ Tâm, Sơ Hoa, Sơ Phú, Sơ Lan, sơ Ánh Hồng,... Tuy các ma sơ chưa ai tiếp xúc hay chưa liên lạc gì với tôi, nhưng tôi đã thấy tiềm năng để mở rộng mạng lưới TNV VINAHF với các ma sơ này.

Năm 2008, qua Linh mục Trần Đức ở New Jersey, sơ Cao Ánh Hồng lần đầu tiên tiếp xúc tôi qua việc xin ủng hộ dự án mà sơ đang phụ trách ở nhà dòng Mến Thánh Giá Hướng Phương tại Quảng Bình. Các ma sơ muốn xây dựng tại đây một "Mái Ấm Tình Thương Vincent" (MATT) để nuôi các trẻ mồ côi và tàn tật. VINAHF đã đáp ứng với sự giúp đỡ rất khiêm tốn hàng tháng, nhưng đó là một cố gắng lớn của Hội, và đó là "nhân duyên" để từ đó tôi có những liên lạc với các ma sơ, xây dựng những quan hệ rất tốt đẹp, gắn bó giữa VINAHF với những hoạt động bác ái của các ma sơ ở đây, giúp cho việc mở rộng mạng lưới TNV VINAHF. Nhà thờ MTG ở Hướng Phương sau đó là một "trạm tiền phương" để VINAHF thực hiện được nhiều cuộc cứu trợ, và các dự án giúp người nghèo ở Quảng Bình trong đó Sơ Hồng, Sơ Lan là người tôi thường xuyên liên lạc.

Từ năm 2008, Sơ Hồng và tôi đã làm việc với nhau mà chưa hề gặp mặt, chỉ qua email mà thôi, lúc đó cũng chưa có "chat", nhắn tin (messaging), hay video như bây giờ. Internet cũng chưa phổ biến tại VN, nhất là các khu vực xa xôi nên email cũng đã là rất kỹ thuật cao để có thể đáp ứng nhanh, cấp thời trong nhiều công việc phục vụ người nghèo. Tôi ra Bắc vài lần nhưng vẫn chưa có duyên gặp được sơ Hồng.

Do đó trong chuyến đi "xuyên Việt" của tôi năm 2017, tôi dự định sau khi đến Tu Viện MTG Hương Phương ở Quảng Bình (là nơi không thể thiếu trong những chuyến ra Bắc của chúng tôi), tôi và Hoàng sẽ tiếp tục ra đến Vinh, và sẽ đến một địa điểm xa xôi "Con Cuông" của Nghệ An nơi sơ Hồng và các sơ đang triển khai Tủ Thuốc Tình Thương mà qua các tường trình của Sơ Hồng tôi rất có ấn tượng.

Tôi vẫn còn giữ thơ của Sơ Hồng kêu gọi VINAHF hỗ trợ cho TTTT:

...

Sau hơn 6 tháng làm việc, các nữ tu nhận thấy cần phải duy trì tủ thuốc để chữa bệnh và cũng phải duy trì việc cấp phát gạo cho người nghèo. Tuy nhiên, điều các nữ tu đang băn khoăn là không có nguồn vốn để có thể duy trì công việc từ thiện này lâu dài. Vì cứ mỗi tháng trung bình các nữ tu phải mua hết 15 triệu tiền thuốc và cấp phát hết khoảng 400 kg gạo, mà tiền thuốc chỉ thu lại vốn 7 triệu, số thuốc cấp miễn phí mất 8 triệu.

Trong thư này, sơ Ánh Hồng chia sẻ những khó khăn mà các nữ tu đang phải đối diện và mong muốn được sự hợp tác của VINAHF duy trì tủ thuốc tình thương cho người nghèo ở vùng Con Cuông này. "Nếu có thể được kính xin VINAHF giúp hỗ trợ cho tủ thuốc, còn gạo cũng như các thực phẩm khác sẽ do Hội Dòng cung cấp.

Kính xin Ban Chấp Hành cũng như quý Mạnh Thường Quân thương xem xét và một lần nữa vươn dài cánh tay nhân ái, đến với anh chị em đồng bào dân tộc thiểu số để họ có cơ hội được sống tốt hơn."

Nhớ lại, khi nhận lá thư đầu tiên của sơ Cao Ánh Hồng để giúp xây "Mái Ấm Tình Thương Vincent" (MATT) năm 2008, tôi chưa làm việc nhiều với sơ, nhưng vẫn giúp đỡ vì tên ma sơ xuất hiện trong các tường trình của TNV, sau những lần họ đi cứu trợ miền Bắc. Nay, sau nhiều năm tôi có dịp "trực tiếp" làm việc với sơ Hồng, các chuyến viếng thăm Quảng Bình, thấy MATT Vincent lớn mạnh với cơ sở khang trang giúp cho các ma sơ MTG Hướng Phương chăm sóc được trên 100 trẻ em mồ côi tàn tật được chăm sóc, nhất là ma sơ Hồng nay đã trở thành một TNV VINAHF trụ cột trong việc đưa các chương trình giúp người nghèo của VINAHF như CT xây nhà, CT giúp học bổng, CT giúp vay vốn không lãi, không kể các cuộc cứu trợ và giúp các tình huống nhân đạo cho người nghèo ở khu vực miền Bắc, từ Quảng Bình ra Nghệ An, Quảng Trị, Hà Tĩnh đến Sa-Pa (Lào Cai), cho nên dù thơ kêu gọi của ma sơ với mức hỗ trợ hàng tháng khá cao để VINAHF cam kết việc duy trì TTTT, nhưng BCH VINAHF đã cố gắng đáp ứng với câu hỏi "làm cách nào để giúp các ma sơ duy trì TTTT?"

Luật Hấp Dẫn thêm một lần nữa đã đúng với VINAHF qua việc Bút Nhóm Lửa Việt (BNLV) đồng ý cùng VINAHF hỗ trợ số tiền các ma sơ cần để duy trì TTTT, và từ đó hàng quí, VINAHF & BNLV đều đặn nhận được báo cáo của sơ Hồng cho biết số lượng bệnh nhân mà TTTT đã phục vụ với những hình ảnh làm tôi rất vui khi biết đây là thêm một dự án chung rất hiệu quả của BNLV & VINAHF trong việc giúp người nghèo.

Sau khi các ma sơ khám bệnh xong, trong buổi ăn tối với tất cả các ma sơ, tôi có nói ngay về ấn tượng của tôi với sự phục vụ các bệnh nhân, và tấm bảng "Mỗi vị khách là một Hồng Ân". TTTT đã thực sự đón mỗi bệnh nhân nghèo như là một hồng ân. Đó chính là điều BCH VINAHF đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần với các TNV và mọi người tham gia VINAHF là chúng ta giúp người nghèo với tất cả sự tôn trọng đối với họ và họ cũng là những người ơn của chúng ta vì qua họ chúng ta học được thêm được nhiều điều rất hữu ích cho sứ mạng của hội VINAHF.

Hơn nữa không chỉ là khẩu hiệu mà tôi đã chứng kiến việc làm của các ma sơ hôm nay tận tâm chăm sóc cho các bệnh nhân nghèo. Thấy các ma sơ trẻ phục vụ và sống đơn sơ đến mức tối giản ở trạm y tế này, tôi nhớ câu nói: "Nếu bạn giàu có thì hãy chia bớt tài sản của bạn, nếu bạn không có gì thì hãy cho trái tim của mình".

Phần tôi, tôi luôn tâm niệm lấy lời khuyên "tam luân không tịch" trong đạo Phật để hướng dẫn cho mình trong công việc của VINAHF, theo đó trong việc giúp đỡ phải nên không thấy có người cho, vật được cho, và không có người nhận, mà các sơ còn tuỵệt vời hơn khi xem các bệnh nhân nghèo đến khám bệnh ở TTTT là "Hồng Ân của Chúa" để nói lên cách tiếp đón và cư xử với bệnh nhân.

Đó cũng là lần đầu tiên tôi gặp ma sơ Cao ánh Hồng sau gần 10 năm (2008-2017) làm việc với nhau chỉ qua email, và dịp này còn được gặp hết các ma sơ ở TTTT. Họ đều rất trẻ, vui vẻ và thích đùa giỡn nên công việc bận rộn nhưng họ luôn tươi cười. Đúng là mức độ hạnh phúc trong cuộc sống là tương ứng mức độ phục vụ người khác.

Khi từ Vinh đi đến Con Cuông, tôi và Hoàng cố gắng tự túc để khỏi làm xáo trộn lịch làm việc rất bận rộn của các ma sơ, nhưng Linh Mục Phương, Cha quản nhiệm Giáo họ Độc Lập - Con Cuông, đã rất nhiệt tình và tình nguyện dùng xe riêng của mình xuống tận Toà Tổng Giám Mục Vinh để đón chúng tôi và đưa tôi về lại đây.

Cha Phương cho chúng tôi thấy tài nghệ lái xe vùng núi của Cha khi đưa tôi đi thăm các nơi, và tôi có dịp chứng kiến sự tận tuỵ phục vụ người nghèo của vị linh mục trẻ nghèo trên vùng núi xa xôi này, và tình cảm người dân dành cho Cha Phương, từ đó VINAHF chúng tôi lại có thêm một người bạn tốt, chúng tôi ở lại tại Nhà Thờ của Cha Phương trong thời gian lưu lại Con Cuông.

Thêm một chuyến đi "xuyên Việt" nữa của VINAHF vào cuối tháng 12 năm 2019, trong chuyến nay bà xã tôi - Thuỳ Dương cũng theo đoàn đến tận Con Cuông. Trong dịp này VINAHF đã trang bị thêm cho TTTT một số thiết bị châm cứu, và nhờ sự quyên góp của chị La Tầm (vợ anh Dũng) các ma sơ đã xây thêm các bức tường chung quanh để bớt lạnh vì trống trải khi các bệnh nhận đến chờ đợi.

Chỉ lưu lại trong một thời gian ngắn nhưng TD đã nhanh chóng cảm mến các ma sơ qua tinh thần phụng sự, sự trẻ trung, vui vẻ, hoà đồng của các ma sơ ở đây. Nghe tin đoàn VINAHF đến đây, Ma sơ Hồng Điểu từ Hà Tĩnh muốn đến gặp, và việc gặp ma sơ Hồng Điểu tại đây đã mang lại kết quả cho 11 học sinh xứng đáng ở Hà Tĩnh được học bổng dài hạn của VINAHF, 5 gia đình đã được VINAHF cấp vốn làm ăn để chống, thoát nghèo chưa kể vài tình huống nhân đạo khác. Tôi nói việc ma sơ Hồng Điểu đến gặp VINAHF không chỉ đơn phương mà cả VINAHF và ma sơ đã cùng tìm nhau vì VINAHF cũng đang tìm những người có tấm lòng yêu thương muốn phục vụ người nghèo, và tôn trọng tôn chỉ của VINAHF để mang các dự án, chương trình của VINAHF đến các người nghèo theo đúng tinh thần vô vụ lợi, vô điều kiện, giúp bình đẳng và không phân biệt.

Với sự đầu tư và thành quả của TTTT, VINAHF đã nhờ BS trẻ Châu Hà (Phó Hội Trưởng VINAHF) thay mặt VINAHF để hỗ trợ thêm cho các ma sơ ở TTTT về các vấn đề y tế, hay sẽ xem xét, điều nghiên cho việc mở rộng thêm một TTTT nữa tại Hà Tĩnh, hay Thừa Thiên theo mô hình rất và thành công hiệu quả của các ma sơ đã làm ở Con Cuông (Nghệ An).

BS Châu Hà đến với VINAHF cũng là một thiện duyên, một may mắn lớn cho VINAHF qua sự giới thiệu của Hạ Nghi là một người bạn trẻ với chuyên nghiệp về các hoạt động NGO (Phi Chính Phủ) mà tôi cũng rất quí mến. Cũng như Sơ Ánh Hồng, sau nhiều năm, chỉ qua các email kêu gọi của VINAHF, BS Châu Hà đã liên tục, nhanh chóng đáp ứng rất hiệu quả cho nhiều tình huống y tế khẩn trương, cứu giúp người nghèo.

Mãi đến năm 2013, tôi mới lần đầu tiên gặp được Châu Hà ở nhà riêng của Châu Hà Sài Gòn.

Suốt trình làm việc với nhau, tôi luôn luôn mong muốn Châu Hà tham gia vào BCH VINAHF để giúp cho BCH VINAHF thực sự là một cái kiềng vững chắc, cùng với 2 kiềng kia là mạng lưới các TNV tận tuỵ ở các địa phương, và mạng lưới các nhà hảo tâm để đưa VINAHF lên một tầm cao hơn.

Châu Hà chỉ muốn tiếp tục giúp đỡ âm thầm đàng sau cho các công việc nhân đạo, không muốn tham gia vào hội đoàn, nhưng sau nhiều thuyết phục, nay BS Châu Hà đã trở thành Hội Phó của hội VINAHF, tăng cường thêm cho sự lãnh đạo của VINAHF.

Với rất nhiều kinh nghiệm trong việc giúp đỡ người nghèo của hai vợ chồng BS trẻ Trọng Anh - Châu Hà, cùng với mạng lưới chuyên môn y tế, và uy tín của họ với các thân hữu, là các nhân tố tích cực rất đã giúp VINAHF đạt thêm nhiều thành quả mới trong các năm gần đây. Châu Hà đã giúp cho tôi và BCH VINAHF những ý kiến rất sáng suốt, giúp VINAHF trong những quyết định y tế khó khăn để tối ưu nguồn lực hạn chế của VINAHF, nhờ am hiểu rất rõ tình hình Việt Nam, đúng như đã nói, khi VINAHF chuẩn bị một bước đi lên thì sẽ được trợ duyên, để có "quới nhân" đến phù hộ.

Không những chăm lo y tế cho các người nghèo qua các chương trình nhân đạo của VINAHF như TTTT, Châu Hà còn là BS của tất cả các TNV VINAHF, bất cứ TNV nào của VINAHF có các vấn đề y tế, sức khoẻ đều được BS Châu Hà rất nhanh chóng đáp ứng, cố vấn để giúp ý kiến cho việc trị liệu. Bảo vệ, đầu tư và nâng đỡ cho các TNV VINAHF là một chủ trương của hội VINAHF để BCH bày tỏ lòng biết ơn đối với họ, nhất là những TNV có môt lịch sử lâu dài phục vụ đắc lực qua các chương trình giúp người nghèo của VINAHF.

Ông nội tôi xưa kia là thấy thuốc Bắc, đi bắt mạch và bổ thuốc cho người bệnh, ông có tiệm thuốc Bắc "Xương Mỹ" ở Hội An, gia đình sinh sống bằng nghề Đông Y, qua nhiều câu chuyện Ba tôi kể lại, phần lớn bệnh nhân của ông nội tôi là nghèo, rất nghèo nên họ thường không đủ tiền để uống đúng số thang thuốc cần thiết, và ông Nội tôi đã cho miễn phí số thang thuốc mà họ cần uống cho hết bệnh, vì đó là lương tâm của một người Đông y. Tôi rất tin vào "y đức" của một lương y, vì thế tôi rất vui mừng khi có BS Châu Hà nay là bác sĩ gia đình của đại gia đình VINAHF.

Tôi tin rằng Châu Hà đến với VINAHF là một may mắn lớn, một "tăng thượng duyên" cho hội VINAHF, và đây chính là sự thể hiện của "Luật Hấp Dẫn", VINAHF thường hấp dẫn các nguồn lực như mong ước cho sứ mạng của mình, cho nên tôi rất lạc quan và tin tưởng vào tương lai của VINAHF, khi thế hệ thứ nhất của chúng tôi những người thành lập và phát triển đến ngày hôm nay sẽ nhường lại cho những người trẻ có nhiều năng lực, chuyên môn và giàu lòng nhân ái như BS Châu Hà, và chắc "Luật Hấp Dẫn", việc "tìm lẫn nhau" sẽ còn tiếp tục để mang đến cho VINAHF những nguồn lực đúng vào thời điểm mà VINAHF cần nhất cho công việc của mình, đúng như câu nói của Rumi: Bạn đang tìm kiếm điều gì, thì điều đó cũng đang đi tìm bạn (what you are seeking is seeking you) .

Sau nhiều năm làm việc và chứng kiến từng bước đi lên của VINAHF, tôi tin rằng khi VINAHF đã sẵn sàng để bước lên một tầm mới, thì sẽ có một sự sắp xếp thật huyền bí và diệu kỳ nào đó khiến cho VINAHF sẽ nhận thêm được những nguồn lực mới để tiếp tục đi lên, và câu chuyện về TTTT, về Châu Hà là các sự sắp xếp tiêu biểu trong nhiều điều may mắn, kỳ diệu VINAHF đã nhận được trong từng bước phát triển của mình trong việc giúp người nghèo.

Trong lần đầu đến Con Cuông, vào một buổi chiều Cha Phương đưa chúng tôi đến thăm Bản Thịn của người dân tộc, để thấy cuộc sống nghèo của những người dân tộc ở đây. Khi đi dọc theo các nương đồi, đứng nhìn cảnh chiều tà, với vài con trâu đang chầm chậm về chuồng, tiếng kêu leng keng từ vòng đeo trên cổ, trong nắng vàng sắp tắt trên đồi, một buổi thật êm đềm, thanh bình, tôi như sống trong bài hát "Nương Chiều" của Phạm Duy.

Chiều ơi! Lúc chiều về rợp bóng nương khoai,
Trâu bò về rục mõ xa xôi, ơi chiều.
Chiều ơi! Áo chàm về quảy lúa trên vai,
In hình vào sườn núi chơi vơi, ới chiều.

Rồi thấy những cụ già lưng còng, còn gánh nặng trên vai thêm củi khô, lá cây đi chậm từng bước theo trâu về nhà, tôi lại nhớ đến câu "Mỗi Vị Khách Là Một Hồng Ân", với những gì tôi đã chứng kiến làm tôi cảm thấy lâng lâng sung sướng, mãn nguyện vì VINAHF, BNLV, đã cùng với các ma sơ làm được một điều gì đó cho những người dân nghèo trên vùng đồi núi Con Cuông xa xôi này.

]]>
https://khiet.vinahf.net/2020/07/17/moi-vi-khach-la-mot-hong-an/feed/ 0 100